'Quét' vi phạm xây dựng bằng công nghệ

Nhiều địa phương tại TP.HCM đã tính đến việc áp dụng công nghệ để giám sát vi phạm xây dựng thay con người.
TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quá trình quản lý trật tự xây dựng. Ảnh: Đình Sơn TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quá trình quản lý trật tự xây dựng. Ảnh: Đình Sơn
Trước tình trạng bùng nổ về vi phạm trong lĩnh vực xây dựng với gần 7.000 công trình vi phạm trong vòng 2 năm rưỡi qua, cộng với việc thanh tra xây dựng "bảo kê" cho vi phạm, nhiều địa phương tại TP.HCM đã tính đến việc áp dụng công nghệ để giám sát vi phạm xây dựng thay con người.

Vi phạm nhiều do được bảo kê

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2017 có 2.856 công trình vi phạm xây dựng trên phạm vi TP, đến năm 2018 con số này là 2.419 công trình và 6 tháng đầu năm 2019 là 1.550 công trình. Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho rằng, sở dĩ công trình vi phạm xây dựng bùng nổ do có thanh tra xây dựng bảo kê, tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng.
Cụ thể, trong một báo cáo gửi Thành ủy TP.HCM mới đây, Ban Nội chính Thành ủy nhận định hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng nhiều nhất chính là xây dựng công trình không phép, sai phép, xảy ra ở hầu hết các quận, huyện.
Ở những quận, huyện vùng ven, bên cạnh xây dựng không phép đơn lẻ còn có cả khu, lên đến hàng chục công trình, điển hình như: xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh); Bình Mỹ (Củ Chi); Đông Thạnh (Hóc Môn); Phú Hữu, Phước Long B (quận 9); Linh Trung, Tam Phú (Thủ Đức)…
Có thể điểm ra như công trình 51 Nguyễn Chí Thanh (quận 5), chung cư Khang Gia (quận Tân Phú), chung cư 32 Hoàng Bật Đạt (quận Tân Bình), chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân)…
Bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, các cán bộ quản lý trật tự xây dựng, ông Hồ Văn Hiếu, Đội trưởng Đội thanh tra địa bàn quận 12, thuộc Thanh tra Sở Xây dựng, cho rằng một số nội dung Nghị định 139 của Chính phủ quy định xử lý các công trình xây dựng không phép, sai phép còn nhiều bất cập.
Đơn cử không quy định cắt điện cắt nước với công trình sai phạm, quy định về việc cơ quan ra quyết định xử phạt là cơ quan thực hiện cưỡng chế rất khó thực hiện… dẫn đến chưa đủ tính răn đe tổ chức, cá nhân sai phạm.

Hạn chế bàn tay con người

Đại diện UBND quận 12 cho biết, từ đầu năm đến nay toàn quận phát hiện 229 trường hợp vi phạm, tăng 53 vụ so với cả năm 2018. Chính vì vậy, quận 12 đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý, trong đó có việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn quận nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa xây dựng không phép, xây dựng trên đất không được xây dựng.
Bên cạnh đó, xây dựng phần mềm trực tuyến để tiếp nhận phản ánh của người dân về trật tự xây dựng để liên thông kiểm tra, xử lý kịp thời.
Tại quận 2, chính quyền cũng đã có kế hoạch đưa công nghệ GIS vào quản lý trật tự xây dựng. Khi sử dụng công nghệ này, chỉ cần “quét” toàn bộ căn nhà sẽ biết có xây dựng đúng theo thiết kế hay không. Nếu không đúng giấy phép thì có thể biết căn nhà xây dựng sai ở vị trí nào. Chính vì vậy, nếu công nghệ này được áp dụng sẽ hạn chế được sự tác động của con người vào quá trình xử lý vi phạm xây dựng.
Ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết Sở Xây dựng đang nghiên cứu, ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn TP nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa tình trạng xây dựng không phép, xây dựng trên đất không được phép xây dựng.
Hiện đã có 2 đơn vị giới thiệu công nghệ này, TP.HCM sẽ thí điểm ở một số quận huyện có tình trạng vi phạm xây dựng không phép nhiều. Ngoài ra, Sở cũng xây dựng phần mềm trực tuyến, tiếp nhận phản ánh của người dân về trật tự xây dựng để liên thông, kiểm tra, xử lý kịp thời.


Theo Thanhnien

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục