Có thể thấy, trên thị trường bất động sản Hà Nội hiện nay xuất hiện nhiều dự án mang tên eco, khu đô thị sinh thái, tòa nhà thân thiện môi trường… Điều dễ nhận thấy nhất ở những dự án sinh thái này là phối cảnh những ngôi nhà được bao quanh bởi những không gian cây xanh, mặt nước, thư thái nhẹ nhàng đối nghịch hoàn toàn với khung cảnh chật chội, oi bức và ô nhiễm đô thị, thậm chí ngay bên ngoài hàng rào dự án. Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, không gian sống, môi trường sống đang được người dân rất coi trọng, nên những dự án này rất thu hút người mua.
Tuy nhiên, theo nhận định của TS-KTS. Trần Minh Tùng, Trường đại học Xây dựng Hà Nội, chỉ ở một số ít dự án khu đô thị mới, đô thị sinh thái, cây xanh và không gian mặt nước được phát triển mở rộng dựa trên những yếu tố cảnh quan tự nhiên sẵn có của từng địa hình trong khu vực dự án. Còn lại đa phần đều là nhân tạo, nghĩa là các chủ đầu tư dự án phải bỏ ra một khoảng chi phí lớn đưa hệ động thực vật về cấy vào một cách “tự nhiên hóa”, đồng thời tăng thêm các khoản kinh phí khác để có thể duy trì được chúng.
Theo ông Tùng, nếu không tính đến yếu tố cây xanh, mặt nước này, thì phần không gian còn lại của khu đô thị sinh thái hiện này ở Hà Nội không khác một khu đô thị thông thường là bao.
“Nói cách khác, dưới con mắt của các nhà chuyên môn, bản chất các vấn đề sinh thái chưa được giải quyết rõ ràng, các yếu tố sinh thái thực sự xuất hiện rất mờ nhạt trong các nguyên tắc và quan điểm thiết kế, trong quá trình thực hiện và vận hành những khu đô thị sinh thái, khu đô thị mới này”, ông Tùng nói và cho biết, một thực tế nữa là hiện nay ở Việt Nam chưa có một văn bản nào, quy định pháp lý, định nghĩa cụ thể nào về khu đô thị sinh thái để áp dụng làm chuẩn mực.
Đồng quan điểm, KTS. Vũ Quốc An, hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, khu đô thị sinh thái ở đây không có nghĩa là chỉ có không gian và cây xanh, mà còn là chất lượng sống, mức sống, sự giao thoa của khu đô thị với các vùng lân cận. Một thực tế, ở Hà Nội, hầu hết các khu đô thị sinh thái đều rất xa trung tâm, gần như là nằm ở các vị trí giáp tỉnh lẻ và điều này cũng khó trong việc xác định và sinh thái hay không.
“Sống trong khu sinh thái mà lại hưởng các dịch vụ công cộng ngoài bối cảnh này thì chưa trọn nghĩa là sinh thái. Nếu xét một cách không chặt chẽ, thì khu đô thị Ecopark có thể được xem là khu đô thị sinh thái với đầy đủ yếu tố của nó ở Hà Nội”, ông An đánh giá.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia bất động sản, khu đô thị sinh thái không chỉ là xu hướng của Hà Nội, mà của cả thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, nên cần có một quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể về khu đô thị sinh thái. Đồng thời, cần phải có quy hoạch sinh thái, quy hoạch bền vững để khu đô thị sinh thái đúng nghĩa và xứng tầm. Có như vậy, những khu đô thị mang tên sinh thái ở Hà Nội mới thực sự đúng nghĩa của nó.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com