Hà Nội thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Ảnh minh hoạ. Ảnh minh hoạ.

Kế hoạch gồm 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm tiến độ, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó, thành phố sẽ ban hành, thực hiện hiệu quả các chính sách, văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình, đề án trong công tác quản lý an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ thành phố tới cơ sở theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước.

Thành phố cũng bảo đảm 100% ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm và cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm hằng năm.

Song song đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm cho các đối tượng là người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; 100% người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm;

100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được cấp giấy chứng nhận.

Thành phố chỉ đạo 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm toàn, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ theo kế hoạch;

100% vụ ngộ độc thực phẩm báo cáo được điều tra, xử lý kịp thời. Khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 7 người/trên 100.000 dân/năm.

Đáng chú ý, thành phố yêu cầu 100% thông tin phản ánh về không bảo đảm an toàn thực phẩm được kiểm tra xác minh và xử lý kịp thời. 100% hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm được xử lý theo quy định.

Để làm tốt việc này, thành phố sẽ tập trung công tác quán triệt, tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, ngành và nhân dân Thủ đô đối với nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phân công rõ trách nhiệm các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị có liên quan đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Được biết, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy này. Bộ Y tế sẽ cùng với các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ Ban Bí thư, Chính phủ giao.

Theo đó, ở mô hình tổ chức bộ máy mới sẽ được xây dựng theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm hiện đang được thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh thành (TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh).

Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ 2023-2025. Hiện mô hình tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm vẫn chưa được hình thành, chưa rõ tên gọi, việc này Bộ Nội vụ sẽ đề xuất. Tuy nhiên, cơ quan tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm sẽ phải tập trung đủ cả 3 lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương.

D. Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục