Quyết liệt xử lý
UBND TP. Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành phải báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 30/4/2020. Cùng với đó, các sở Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 31/3/2020. Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã; tổng hợp báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/5/2020.
Trước đó, tại Thông báo số 2354-TB/TU ngày 29/11/2019, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở đối với việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Vấn đề xây dựng trên đất nông nghiệp là cấp quận, huyện xử lý, các sở, ngành cùng quận, huyện rà soát thực thi. Các quận, huyện phải thống kê báo cáo về trật tự xây dựng như thế nào, xử lý ra sao. Hiện tại, các ngành đang phối hợp với các quận, huyện, đặc biệt những vi phạm mới phải xử lý nghiêm. Thành phố đã chỉ đạo cụ thể từng trường hợp, từng dạng một và đây là thẩm quyền của các quận, huyện, phải quyết liệt làm. Cái nào không làm được, vướng mắc phải báo cáo lên trên”.
Cũng theo vị này, hiện tại, các quận, huyện cũng đang thực hiện chỉ đạo của Thành phố. Đối với trường hợp vi phạm mới thì triệt để xử lý, còn sai phạm tồn tại từ lâu thì phải xem từng trường hợp cụ thể để xem xét, phân loại và có phương án xử lý theo quy định.
Đại diện UBND quận Thanh Xuân cũng cho biết, quận đang triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Thành phố.
Theo Luật Đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt từ 40 - 50 triệu đồng tùy mức độ và hành vi vi phạm. Hoặc bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình.
Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu diện tích đất trái phép dưới 0,5 ha.
Sai phạm tràn lan
Trước đó, tháng 12/2019, các đoàn thanh tra liên ngành của TP. Hà Nội đã kiểm tra tại 30 quận, huyện và phát hiện gần 63.000 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công với tổng diện tích gần 1.900 ha. Trong đó, nhiều quận, huyện còn từ 900 - 4.000 trường hợp vi phạm tồn tại từ trước năm 2014 chưa được xử lý như: Quốc Oai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thạch Thất…
Đơn cử, tại địa bàn huyện Quốc Oai có 1.668 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây công trình trái phép… tồn tại nhiều năm. Chỉ tính từ tháng 11/2018 đến tháng 12/2019, toàn huyện có 104 trường hợp vi phạm xây công trình trên đất nông nghiệp.
Phường Khương Đình, quận Thanh Xuân là một trong những nơi có nhiều công trình xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp. Ảnh: Kim Đức
Tại địa bàn xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã có 19 trường hợp vi phạm xây dựng lán xưởng trên đất nông nghiệp ở khu đồng Bùi và bờ Cọc. Từ tháng 1 đến tháng 5/2019, UBND xã Hữu Bằng, UBND huyện Thạch Thất đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu các hộ tự tháo dỡ vi phạm, ra các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế khắc phục…, nhưng vì nhiều lý do, các hộ này vẫn chưa chấp hành.
Ông Đào Xuân Ban, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất cho biết, để xảy ra vi phạm này, nguyên nhân do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý và chưa kiên quyết xử lý dứt điểm ngay từ ban đầu, dẫn đến người dân cố tình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình, gây khó khăn cho cấp huyện trong việc xử lý. Hiện trên địa bàn huyện vẫn còn hơn 1.200 trường hợp vi phạm khác, chủ yếu xảy ra từ năm 2014 trở về trước.
Tại nhiều địa phương, ban đầu chỉ có vài hộ xây sai phép trên đất nông nghiệp, sau đó, các hộ khác đua nhau làm theo, thậm chí có cả người ở địa phương khác tới đây mua đất nông nghiệp để xây nhà sinh sống.
Ngoài ra, cũng có không ít các hộ kinh doanh ban đầu sử dụng khu đất của mình để xây nhà xưởng sản xuất nhưng sau một thời gian đã chuyển sang xây nhà kiên cố.
Chẳng hạn, trên địa bàn quận Thanh Xuân, một số khu đất công còn tồn tại các công trình xây dựng từ lâu đến nay vẫn chưa thể xử lý, giải tỏa, như khu đất ở Đầm Hồng do Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Duy Nhất xây dựng sai phép khoảng 4.000 m2, khu đất giáp số 314 Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình)...
Ông N.T.M (người dân gần khu Đầm Hồng) cho biết: “Người dân chúng tôi đã nhiều lần đưa sự việc này ra phường, quận, nhưng vẫn đâu lại vào đấy. Công ty Duy Nhất “qua mặt” bằng cách ngoài bịt tôn kín nhưng bên trong thì cho người tiến hành xây dựng các nhà, phân thành lô vững chắc”.
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều hộ dân rao bán đất nông nghiệp không ngần ngại cho biết, đất này là đất nông nghiệp, không giấy tờ, mua bán bằng giấy viết tay, nhưng khẳng định vẫn làm được nhà. Thậm chí, nhiều trường hợp còn cho biết “nếu mua đất, họ sẽ hỗ trợ can thiệp việc xây nhà”.
Hay tại quận Long Biên, Kết luận thanh tra số 316/KL-STNMT-TTr của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cuối năm 2019 cho thấy, qua công tác thanh tra tại quận Long Biên, Sở này đã phát hiện 304 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp với tổng diện tích đất là hơn 13,7 ha. Trong đó, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép là 286 trường hợp và chuyển nhượng trái quy định 14 trường hợp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện UBND phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, trên thực tế, vấn đề sai phạm xây dựng trên đất nông nghiệp rất phức tạp. Với những trường hợp vi phạm mới, 100% phải lập biên bản xử lý triệt để không có trường hợp nào để lại. Tuy nhiên, những sai phạm tồn tại cũ rất khó xử lý.
“Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để tìm hướng giải quyết từng công trình một. Vì có những sai phạm tồn tại từ rất lâu. Thậm chí, có những trường hợp từ những năm 1990, là đất công, nhưng nhà ở họ đã hình thành từ lâu, muốn xử lý phải báo cáo và có cơ chế vì liên quan đến chỗ ăn, chỗ ở của người dân. Vì có những trường hợp người dân không có chỗ ở khác”, vị đại diện này cho hay.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com