TP.HCM sẽ thí điểm cho xây nhà trên đất nông nghiệp

(ĐTCK) Mặc dù chính quyền các quận/huyện của TP.HCM đã tăng cường kiểm soát tình trạng xây dựng trái phép, nhưng thời gian qua thực trạng này vẫn diễn biến khá phức tạp.
Nhiều lãnh đạo UBND quận Thủ Đức bị kỷ luật vì liên quan đến công trình xây dựng trái phép khu nhà ở Vietnam House Tower Nhiều lãnh đạo UBND quận Thủ Đức bị kỷ luật vì liên quan đến công trình xây dựng trái phép khu nhà ở Vietnam House Tower

Nóng chủ trương, nguội thực thi

Thông qua phản ánh của các cơ quan báo chí và người dân, chính quyền TP.HCM đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, số vụ phát hiện được vẫn còn khiêm tốn khi tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến, không chỉ địa bàn vùng ven với người dân tự phát, mà ngay cả doanh nghiệp khi triển khai dự án lớn tại khu vực trung tâm.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP.HCM khóa IX cho thấy, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, số công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng là 4.252 trường hợp, chiếm khoảng 62,3% tổng số công trình vi phạm trên địa bàn. Đối với loại công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng là 2.573 trường hợp, chiếm khoảng 37,6% số công trình vi phạm trên địa bàn.

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, các vi phạm phổ biến là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất không được phép xây dựng. Vụ việc vi phạm xảy ra nhiều ở các quận, huyện ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như quận 2, 12, Bình Tân, huyện Củ Chi và Bình Chánh.

Ở các quận, huyện này, người dân đã tự ý phân lô, bán nền để xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, đã phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ, tiện ích… và tạo ra nguy cơ mất an ninh trật tự.

Cũng tại kỳ họp này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, hiện Thành phố vẫn còn tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định để phân lô bán nền, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng xây dựng không phép trên một số địa bàn ngoại thành có diễn biến phức tạp.

TP.HCM sẽ thí điểm cho xây nhà trên đất nông nghiệp ảnh 1

Tình trạng xây dựng không phép, trái phép ngày càng diễn ra phức tạp

“Điều này gây phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ, tiện ích..., gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Hoan nói.

Cũng theo ông Hoan, việc xử lý không nghiêm đối với các công trình vi phạm đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả trong quản lý trật tự xây dựng tại TP.HCM, do thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố diễn ra phổ biến, phức tạp với nhiều hình thức và quy mô khác nhau.

Nguyên nhân của tình trạng trên cũng được các cơ quan chức năng Thành phố viện dẫn, từ khách quan đến chủ quan. Chẳng hạn, đặc thù của Thành phố với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao; ý thức chấp hành quy định pháp luật chưa cao của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng...

Song song với đó là sự quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương, công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế; còn tình trạng công chức cố tình buông lỏng quản lý địa bàn để công trình vi phạm trật tự xây dựng chậm xử lý hoặc không bị xử lý.

Chưa kể, sự phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng giữa các cơ quan chức năng, địa phương với lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng còn bất cập; việc giám sát của chính quyền địa phương về trật tự xây dựng còn chưa chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc của cơ quan cấp trên.

Ngoài ra, một số địa phương còn tình trạng buông lỏng quản lý, dẫn đến một số trường hợp công trình xây dựng vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời.

Thí điểm xây nhà trên đất nông nghiệp

Để từng bước chấn chỉnh tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” trong lĩnh vực xây dựng, ông Hoan cho rằng, trước mắt, Thành phố tiếp tục tập trung xử lý các công trình vi phạm xây dựng theo quy định, đề nghị ngưng cung cấp điện, nước cho các công trình vi phạm xây dựng. Cùng với đó, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có vi phạm trong hoạt động công vụ; các đầu nậu vi phạm, cần thiết sẽ chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Trên thực tế, không ít lãnh đạo địa phương nơi tồn tại những công trình xây dựng không phép, trái phép đã bị kỷ luật, khiển trách do lơ là trong công tác quản lý trực tự đô thị tại địa phương.

Đơn cử, liên quan đến vụ việc bà Nguyễn Thị Nga - vợ của ông Nguyễn Công Dẫn (Phó chánh Văn phòng HĐND và UBND quận 9) đã vi phạm nhiều lần trong lĩnh vực trật tự xây dựng và đất đai. Cụ thể, bà Nga có 5 công trình xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp tại phường Long Bình, 7 công trình cải tạo, sửa chữa không có giấy phép xây dựng và 9 công trình xây dựng mới không có giấy phép xây dựng cũng trên địa bàn phường Long Bình.

Vụ việc này UBND quận 9 đã tiến hành kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Công Dẫn, ông Nguyễn Gia Hưng (Chủ tịch UBND phường Long Bình), bà Nguyễn Thị Thu Vân (Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình) và 3 cán bộ địa chính - xây dựng của phường Long Bình.

Trước đó, tại Thủ Đức, liên quan đến vi phạm tại công trình nhà ở Vietnam House Tower (đường 36, phường Linh Trung) do Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại xây dựng địa ốc Việt Nam House đứng ra phân phối. Hàng loạt lãnh đạo, đảng viên cũng bị kỷ luật vì để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Dũng (Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức), ông Nguyễn Nam Hải (Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức), ông Nguyễn Tấn Phát, Bí thư chi bộ Đội thanh tra địa bàn quận Thủ Đức bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng và yêu cầu Sở Xây dựng cách chức Đội trưởng đội thanh tra địa bàn.

Về phương án “dẹp loạn” tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cũng đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm lập lại trật tự xây dựng. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp liên thông giữa thanh tra hai ngành Tài nguyên môi trường và Xây dựng, chấn chỉnh, xử lý tình trạng mua bán nhà “3 chung” (chung giấy phép, số nhà và sở hữu) qua vi bằng.

Ngoài ra, ông Bình còn cho biết thêm, sắp tới Thành phố sẽ thí điểm cho phép người dân xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.

“Lãnh đạo UBND Thành phố đã họp, thống nhất cách thức thực hiện xây dựng trên đất nông nghiệp và cho phép thí điểm tại 2 huyện. Sở Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo để UBND Thành phố trình HĐND quyết định, cho phép triển khai.

Quá trình thí điểm sẽ được làm chặt chẽ để chủ trương này phục vụ những đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở; ngăn chặn được hiện tượng đầu nậu lợi dụng xin phép xây nhà ở riêng lẻ nhưng xây nguyên dãy, sau đó chia cắt thành nhiều căn để bán”, ông Bình nói.

Qua những giải pháp căn cơ và sự quyết liệt của cơ quan chức năng cho thấy, TP.HCM đang thể hiện sự quyết tâm trong việc “dẹp loạn” tình trạng xây dựng không phép, trái phép cũng như chấn chỉnh trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, lấy lại sự nghiêm minh của pháp luật trong công tác quản lý đô thị.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín ​
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục