Năm nay, hoa sữa Hà Nội nở muộn. Dường như cái oi nồng của Hạ kéo muộn qua Thu khiến Thu cũng bớt đi sự dịu hiền vốn có. Thu muộn, Đông chậm khiến hoa sữa cũng trễ hẹn và mãi mới chịu tỏa hương.
Tôi từng đi nhiều nơi, nhất là các thành phố phía Bắc. Thi thoảng, đâu đó, tôi chợt giật mình khi chạm tới mùi hoa sữa ở vùng đất lạ. Nó là hương, nhưng chính xác hơn, có lẽ là cảm xúc.
Hương hoa sữa xác lập một vị thế riêng có, khi khơi gợi trong con người ta nhiều điều. Về những trải nghiệm, hương vị tình yêu thời trẻ tuổi, của những buổi hẹn hò. Và có khi, cả những cuộc chia ly….
Gặp hương hoa, cảm xúc nhiều người hẳn cũng bồng bềnh ít nhiều. Những lần như vậy, chẳng hiểu sao, nó gợi tôi nhớ về hoa sữa, về Hà Nội nhiều hơn là để tận hưởng hương hoa ngay tại nơi mình đang đứng.
Với bản thân người viết, hoa sữa chỉ đáng yêu nhất khi gắn với Hà Nội, với những con phố thân quen, với các con ngõ nhỏ, với quán cóc liêu xiêu, những câu thơ dang dở. Thậm chí, vẫn mùi hương đó, nhưng với những khu đô thị mới hay cả ở vùng ven đô, cảm giác cũng phai lạt đi nhiều.
Tôi biết về hoa sữa qua bài hát cùng tên của nhạc sĩ Hồng Đăng, trước cả khi chạm mặt loài hoa này. Bài hát được viết cho bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ". Và tôi tin, như một định mệnh, cái cách bài hát ra đời hình như cũng giống với cách mà nhiều người biết về hoa sữa.
Nhạc sĩ Hồng Đăng từng kể, ngày đó, khi được đặt hàng sáng tác ca khúc cho bộ phim, bản thân ông cũng chưa hề biết về hoa sữa. Đúng lúc bí đề tài và sát ngày giao sản phẩm, một người bạn của ông nhắc: Anh Đăng ơi, có một loài hoa sữa ở Hà Nội, ít người biết nhưng hay lắm. Anh xem thử thế nào, hoa có mùi thơm rất nồng nàn, rất quyến rũ mọc ở hồ Hale, với con đường Nguyễn Du.
“Nào tôi có biết đến hoa sữa là thế nào đâu, nghe đến đấy tôi lấy cái ý đấy viết ngay một bài hát cũng chỉ trong mấy phút là xong”, nhạc sĩ Hồng Đăng từng chia sẻ.
Bài hoa sữa ra đời như thế, trong thoáng cảm xúc của người nhạc sĩ, dù ngay bản thân ông cũng chưa từng diện kiến. Nhưng, không chỉ có vậy, vượt qua vòng đời ngắn ngủi và sứ mệnh của một ca khúc trong phim, “Hoa sữa” đã trở thành ca khúc được nhiều người yêu thích, vượt thời gian.
Vòng đời bộ phim thì ngắn mà vòng đời của ca khúc lại dài. Để rồi, nó trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Hồng Đăng và cả Hà Nội sau này.
Trong bài hát "Nhớ mùa Thu Hà Nội", nhạc sĩ tài ba họ Trịnh từng viết những câu: “Hà Nội mùa Thu, mùa Thu Hà Nội, mùa hoa sữa về, thơm từng con gió, mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua...”.
Cách đây ít ngày, trong một sự kiện ca nhạc, cô Bống (ca sĩ Hồng Nhung) đã kể về những kỷ niệm của mình với nhạc sĩ Trịnh Công sơn, trong đó cũng có đoạn kể về hoa sữa.
Trong bài hát này, nhạc sĩ đã đưa ra một khái niệm mới – “cốm sữa”. Bài hát được nhạc sĩ sáng tác sau dịp ghé qua Hà Nội ít ngày. Và khi Hồng Nhung tò mò hỏi: “Cốm sữa là gì hả anh? Em là người Hà Nội mà còn chưa nghe đến”.
Nhạc sĩ trả lời cô rằng: “Khi nhìn thấy những chiếc lá xanh non rơi trên mặt đường, cùng với hình ảnh người bán cốm và hương cốm thơm trên tay em, anh đã biết vậy. Chứ làm gì có loại cốm nào là cốm sữa”.
Một cách lý giải rất đáng yêu và đặc biệt, nó rất hợp logic khi Trịnh Công Sơn vốn là người nổi tiếng với những sự sáng tạo trong ngôn ngữ cũng như khái niệm mới.
Giờ, mùa Thu vừa qua, mùa Đông mới đến, cũng là lúc trong danh sách nhạc nhiều người, "Nhớ mùa thu Hà Nội" tạm nhường cho "Hoa sữa" của Hồng Đăng.
Và với quan điểm của người viết, có lẽ, dù không ít ca sĩ thành danh từng hát qua "Nhớ mùa thu Hà Nội" và "Hoa sữa", nhưng có lẽ, đóng đinh tên tuổi với nhiều người vẫn là những bản thu của Hồng Nhung và Thanh Lam. Mà phải là những bản thu từ thời hai Diva này còn trẻ.