Hà Nội lên kế hoạch chống ngập mùa mưa 2017

(ĐTCK) Đến mùa mưa bão, Hà Nội lại căng thẳng lên kế hoạch đối phó với úng ngập.
Tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, các miệng ga thu, khi mưa, các túi rác này sẽ theo dòng chảy trôi rất nhanh về các ga thu làm giảm khả năng thu nước (ảnh minh họa) Tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, các miệng ga thu, khi mưa, các túi rác này sẽ theo dòng chảy trôi rất nhanh về các ga thu làm giảm khả năng thu nước (ảnh minh họa)

Theo ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công TNHH Thoát nước Hà Nội, năm 2016, bằng các biện pháp xây lắp, cải tạo sửa chữa, Công ty đã giải quyết và giảm thiếu được 3 điểm úng ngập trong số điểm. Đó là 3 điểm úng ngập Phan Văn Trường, Trần Bình, Lê Duẩn.

Tuy nhiên, trong năm 2017, Công ty này sẽ phải ứng phó với 18 điểm đen úng ngập. Trong đó, có 13 điểm úng ngập vốn đã được bàn giao cho Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội thực hiện quản lý duy tu bào gồm: ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa; Cao Bá Quát; Đội Cấn; ngã ba La pho – Thụy Khê; Minh Khai – chân cầu Vĩnh Tuy; đường Giải Phóng – đoạn trước cửa bến xe phía Nam; Nguyễn Chính; Thanh Đàm; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Hoa Bằng; Phạm Văn Đồng.

Có 5 điểm đen mới phát sinh trên địa bàn quận Hà Đông (ngã ba Phan Đình Giót - Quang Trung; đường Yên Nghĩa – bến xe Yên Nghĩa) và quận Long Biên (Ngọc Lâm; Hoàng Như Tiếp; Cổ Linh). Ngoài ra còn một số điểm úng ngập nhỏ lẻ trong các ngõ, ngách, khu dân cư.

Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo mùa mưa, bão, lũ năm nay tình hình thời tiết, thủy văn sẽ có diễn biến phức tạp: mưa theo vùng và thời gian ngắn.

Dự báo năm 2017, sẽ có nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam và thủ đô Hà Nội.

Trên thực tế, trận mưa ngắn trong sáng sớm ngày 24/5 đã khiến nhiều tuyến phố Hà Nội nằm trong Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 nhưng vẫn bị xảy ra tình trạng ngập.

Ông Võ Tiến Hùng thừa nhận tình trạng ngập là trách nhiệm của Công ty Thoát nước.

Song ông Hùng cũng chia sẻ thêm thông tin về trận mưa ngày 24/5. Theo đó, trận mưa diễn ra từ 3h30 đến hơn 4h sáng, mua tập trung trên địa bàn các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên... với lượng mưa khoảng 50mm trong nửa giờ.

Dự án thoát nước Hà Nội được thiết kế cho cường độ mưa 310mm trong 2 ngày, xấp xỉ 50 – 100mm trong 2 giờ. Với lượng mưa 50mm/2h Hà Nội sẽ không có điểm ngập, với lượng mưa 50 – 100mm/2h, Hà Nội có 18 điểm úng ngập như đã nêu.

Với lượng mưa ngày 24/5 vượt công suất thiết kế, Công ty đã kiểm tra chỉ có 2 điểm ngập chính, trong đó có điểm ngập dốc La pho đến khu vực Trường PTTH Chu Văn An. Theo ông Hùng, khu vực này bị ngập là do Dự án cải tạo kê mương thoát nước Thụy Khê chưa hoàn thành.

“Dự án mới hoàn thành 2/3, dự kiến hết tháng 8, dự án sẽ hoàn thành và thực hiện kết nối, điểm ngập này sẽ hết” – ông Võ Tiến Hùng nói.

Một số hộ dân sử dụng các tấm tôn, gỗ, bịt miệng ga, khi mưa các vật cản này không được tháo dỡ kịp thời gây úng ngập giả tạo.

Theo ông Võ Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với diện tích khoảng 300km bao gồm cống rãnh, mương, sông, kênh, ga thu, hồ điều hòa, trạm bơm thoát nước. Hà Nội có 5 nhà máy xử lý nước thải gồm nhà máy Yên Sở, Kim Liên, Trúc Bạch, hồ Bẩy Mẫu, Hồ Tây.

Hiện, hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch đã được cải tạo đồng bộ, các khu vực còn lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ (lưu vực Tả, Hữu sông Nhuệ, lưu vực Hà Đồng, lưu vực Long Biên).

Hàng năm, Sở Xây dựng đã phối hợp với các đơn vị liên quan duy tu thường xuyên hệ thống cống thoát nước, mương, sông... duy tu bảo dưỡng các công trình đầu mối (trạm bơm, đập đê điều cổng qua đê...) trước mùa mưa, đảm bảo vận hành các trạm bơm, các cửa điều tiết... theo đúng quy trình.

Tuy nhiên, ngoài hệ thống thoát nước, việc chống úng ngập còn đòi hỏi ý thức phối hợp của người dân.

Theo ông Võ Tiến Hùng, trên địa bàn Thành phố vẫn tồn tại tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, các miệng ga thu, khi mưa, các túi rác này sẽ theo dòng chảy trôi rất nhanh về các ga thu làm giảm khả năng thu nước.

Chưa kể, một số hộ dân sử dụng các tấm tôn, gỗ, bịt miệng ga, khi mưa các vật cản này không được tháo dỡ kịp thời gây úng ngập giả tạo.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục