Ông Chủ tịch cho rằng, nếu để lấy tiền cho các cơ quan này xây trụ sở mới mà buộc phải bán diện tích trụ sở cũ cho tư nhân, chuyển làm chung cư, thì sẽ làm gia tăng mật độ dân số.
Tuyên bố này đã nhen lên hy vọng giải quyết ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Cho đến thời điểm này, Hà Nội vẫn khá loay hoay với những biện pháp giảm ùn tắc giao thông. Hết phân làn, rào ngã tư rồi cấm đường, đổi giờ làm. Không chỉ vậy, Hà Nội còn đề xuất phương án thu phí cao đối với người đi ôtô và mới đây, lại cấm thêm 262 tuyến phố không được lập điểm trông giữ ôtô, xe máy, nhưng đến nay đường tắc vẫn cứ hoàn tắc.
Vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội hiện nay là do hạ tầng đã quá tải, không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Cách đây nhiều năm, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không cho phép xây những nhà cao tầng, khu chung cư lớn trong nội đô nhằm không tập trung thêm dân vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông. Nhưng chỉ vài tháng sau, hàng loạt doanh nghiệp kêu than, Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội lại đồng loạt “kêu” Thủ tướng xin cho được tiếp tục triển khai một số công trình nằm trong danh sách cấm. Chính vì không giải quyết được tận gốc vấn đề hạ tầng, không mở rộng đường sá, nhưng lại vẫn tiếp tục cho xây những chung cư cao tầng, trung tâm thương mại trong nội đô, nên những giải pháp mà Hà Nội và thậm chí là Bộ GTVT đưa ra như đổi giờ làm, tăng phí, cấm xe và thậm chí tới đây là thu phí xe vào nội thành vẫn chỉ như “kiến bò miệng chén”, không thể chấm dứt được ùn tắc giao thông, vì người dân vẫn bắt buộc phải tập trung vào trung tâm thành phố.
Tuyên bố của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nêu trên nếu thực hiện được có lẽ sẽ phá được thế “kiến bò miệng chén” của tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.