Hà Nội: Chiếm đoạt 26 tỷ đồng chỉ bằng chiêu giả giọng nói, nữ quái lĩnh án chung thân

(ĐTCK) Bằng cách giả giọng nam giới và giọng miền Trung, Nguyệt đã chiếm đoạt 26 tỷ đồng của 4 người, trong đó có cả chủ doanh nghiệp.
 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Vũ Thị Nguyệt (SN 1979, ở huyện Thạch Thất) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị hại cũng yêu cầu áp dụng biện pháp tạm giam với bị cáo, vai trò đồng phạm của chồng bị cáo, làm rõ các tài sản…

Giả giọng lừa đảo tiền tỷ

Bản án sơ thẩm thể hiện, Nguyệt làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam từ năm 2013-2017 với vị trí tạp vụ và nhân viên xưởng sản xuất. Tháng 4/2017, Nguyệt tham gia họp nhóm với các bạn học cùng cấp 2 và gặp chị Đỗ Thị Thanh H.

Nguyệt giới thiệu có khả năng giúp các doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Meiko. Chị H. tin tưởng nên đã nói lại với anh Nguyễn Văn T. và Phí Văn P. là chủ hai doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn. 

Thời điểm khoảng tháng 6/2017, Nguyệt đã nghỉ làm tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam nhưng vẫn nhận lời hẹn với anh T. và chị H. Tối ngày 12/6/2017, Nguyệt nói với mọi người có một hợp đồng vận tải song sẽ phải chi 200 triệu đồng. Anh T. đã chấp nhận chi số tiền trên. Nguyệt hứa hẹn hai ngày sau sẽ đưa anh T. đến gặp Giám đốc Công ty để ký hợp đồng.

Tuy nhiên, đến ngày hẹn, Nguyệt nói với anh T. đợi bên ngoài Công ty, còn Nguyệt cầm tiền đưa cho trưởng phòng kinh doanh. Thực chất bị cáo để tiền trong tủ cá nhân (Nguyệt nghỉ việc nhưng chưa trả lại tủ đồ cho Công ty).

Để kế hoạch hoàn hảo, khi về nhà, Nguyệt dùng các sim điện thoại khác giả giọng nam giới và tự xưng là Trưởng phòng nhân sự của Công ty Meiko, đồng thời giả giọng người phụ nữ miền Trung nói là lãnh đạo phòng mua bán của Công ty gọi cho chị H. nói đã nhận được tiền.

Bị cáo còn dùng các số điện thoại khác nhau để nói chuyện với các bị hại về các hợp đồng khác như thu gom xử lý phế liệu rác thải bo mạch điện tử. Nếu muốn, anh T. phải mua lại hợp đồng và chi tiền cho lãnh đạo nhà máy. Thậm chí, Nguyệt còn lập trang Facebook giả tên của Tổng giám đốc và nhắn tin qua lại với các nạn nhân.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 6/2017-1/2018, Nguyệt đã chiếm đoạt của anh T. và chị H. số tiền 22 tỷ đồng. Tương tự, vào tháng 8/2017, Nguyệt cũng chiếm đoạt số tiền 3 tỷ đồng của anh P.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt, Nguyệt sử dụng mua nhà và tiêu xài cá nhân.

Đến khi bị khởi tố và bị cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo còn thuê một căn hộ chung cư, hứa bán cho một người phụ nữ để chiếm đoạt tiền đặt cọc số tiền 850 triệu đồng.

Với hành vi chiếm đoạt hơn 26 tỷ đồng, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án chung thân. Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hiện bị cáo đã khắc phục một phần, còn chiếm đoạt tổng cộng 18,9 tỷ đồng.

Tòa án cho rằng, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khắc phục thêm 230 triệu đồng nhưng không đáng kể so với số tiền chiếm đoạt. Do đó, tòa không chấp nhận đơn kháng cáo, tuyên y án tù chung thân với bị cáo.

Không có đồng phạm

Quá trình tố tụng, các bị hại thừa nhận trực tiếp thỏa thuận, giao tiền cho bị cáo và không trao đổi với ai khác. Vì vậy, tòa án xác định không có đồng phạm.

Các bị hại còn đưa ra yêu cầu áp dụng biện pháp tạm giam với bị cáo, xác minh tài sản… nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Tòa phúc thẩm xác định những nội dung trên không thuộc phạm vi xét xử nên không giải quyết. Các bị hại có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra hoặc cơ quan thi hành án khi có căn cứ chứng minh.

HLinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục