Hà Nội bắt tay với các địa phương phát triển du lịch golf

0:00 / 0:00
0:00
Phát triển du lịch golf không chỉ giúp các địa phương đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến, mà còn thu hút được dòng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.
Việc phát triển du lịch golf sẽ thu hút du khách có mức chi tiêu cao đến Việt Nam Ảnh: Chí Cường Việc phát triển du lịch golf sẽ thu hút du khách có mức chi tiêu cao đến Việt Nam Ảnh: Chí Cường

Tiềm năng, dư địa còn nhiều

Hà Nội đang sở hữu hệ thống hạ tầng, dịch vụ golf chuyên nghiệp, bao gồm 6 cụm sân golf với 10 sân tiêu chuẩn như Kings Island Golf, Skylake, Long Biên… Đây đều là những sân golf lớn, chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn.

Với mật độ dân số ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng, số lượng người chơi golf đã có sự tăng trưởng mạnh. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, các giải đấu chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư đang phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Dự báo, trong tương lai gần, golf sẽ trở nên phổ thông như các nước trong khu vực.

Được biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ liên kết du lịch golf với các sản phẩm du lịch khác như du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng… trong mối liên kết với các địa phương khu vực phía Bắc nhằm thu hút nhiều “khách sộp” cả trong nước và quốc tế.

Thị trường sản phẩm du lịch golf hướng đến trong ngắn hạn gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đông Nam Á. Trong dài hạn sẽ mở rộng ra các thị trường tiềm năng như Bắc Mỹ, Australia, Trung Đông…

Sức hấp dẫn của du lịch golf không nên bị giới hạn ở một địa phương hay một vùng, bởi nhu cầu khám phá điểm đến của các du khách luôn rộng mở, nhất là khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf. Việc tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố để tạo thêm các sản phẩm mới bổ trợ, cùng với việc phát triển loại hình du lịch golf sẽ tạo thêm lợi thế cho ngành du lịch các địa phương có sân golf cũng như những địa điểm lân cận.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Đánh giá về lợi thế và tiềm năng du lịch golf của Việt Nam nói chung, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, các sân golf tại Việt Nam có thiết kế độc đáo, đem đến nhiều trải nghiệm khác biệt, được ưu tiên xây dựng ở những vị trí đẹp, gắn liền với các khu nghỉ dưỡng sang trọng trải dài khắp ba miền của đất nước.

“Việc phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch, mà còn thu hút được đối tượng khách hạng sang, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp”, ông Khánh nhấn mạnh.

Về hạ tầng và tiềm năng du lịch golf của Hà Nội nói riêng, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận xét, Hà Nội có hệ thống sân golf hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở lưu trú đa dạng, chuyên nghiệp, đẳng cấp. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của du lịch không chỉ giới hạn ở một địa phương, một vùng, bởi nhu cầu khám phá điểm đến của du khách luôn rộng mở.

Do đó, việc tăng cường liên kết giữa các địa phương để có thêm các sản phẩm mới bổ trợ, cùng với việc phát triển du lịch golf sẽ tạo lợi thế cho ngành du lịch các địa phương nói chung, Hà Nội nói riêng.

Đầu tư xứng tầm, khẳng định vị thế

Đầu tư phát triển du lịch golf đang là một trong những trọng điểm của chiến lược phát triển du lịch Thủ đô. Việc phát triển du lịch golf sẽ thu hút du khách có mức chi tiêu cao đến Việt Nam, nhưng quá trình xây dựng, khai thác vẫn còn nhiều khó khăn.

Sở dĩ du lịch golf chưa phát triển tương xứng với lợi thế vốn có là bởi sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với sân golf chưa chặt chẽ, đồng thời du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như du lịch MICE, du lịch tàu biển, nghỉ dưỡng...

Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist đánh giá, mặc dù du lịch golf là sản phẩm trọng tâm, nhưng hiện nay còn manh mún. Cần có sự thống nhất giữa các công ty lữ hành, các hãng hàng không, sân golf và khách sạn trong quảng bá loại hình du lịch này.

“Các địa phương cần tập trung vào đối tượng khách tại thị trường Đài Loan, châu Âu, bởi đây là tệp khách hàng tiềm năng, họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để chơi bộ môn này”, ông Thái nhấn mạnh.

Về chiến lược dài hạn, Hà Nội cần tăng cường liên kết với các địa phương, kết hợp phát triển du lịch golf với du lịch MICE, du lịch trải nghiệm văn hóa… để du khách không chỉ đến chơi golf, mà còn được tham quan các di tích, di sản độc đáo, thưởng thức ẩm thực và được phục vụ bởi hệ thống hạ tầng du lịch tiện nghi, sang trọng.

Chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động của sân golf Sky Lake (Chương Mỹ, Hà Nội), bà Kim Young Mi, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Sky Lake cho biết, ngoài những yếu tố quan trọng như chất lượng sân golf, chất lượng phục vụ, thì Sky Lake có sự kết hợp với văn hóa ẩm thực của 2 quốc gia, do đó những người Hàn hay Việt Nam đều có được trải nghiệm đúng với lựa chọn của mình và rất thích thú.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, du lịch golf là một trong những sản phẩm du lịch tiềm năng, định hướng sẽ phát triển để trở thành sản phẩm chủ lực. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương để đẩy mạnh sản phẩm du lịch golf. Qua đó, từng bước hình thành sản phẩm, tour du lịch hoàn chỉnh, có thương hiệu của Thủ đô, phục vụ du khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.

Phương Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục