Hà Nam thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Hà Nam xác định đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất mục tiêu phát triển năm 2022.
Buổi làm việc của Tổ công tác số 5 về giải ngân vốn đầu tư công với lãnh đạo tỉnh Hà Nam. (Ảnh: MPI) Buổi làm việc của Tổ công tác số 5 về giải ngân vốn đầu tư công với lãnh đạo tỉnh Hà Nam. (Ảnh: MPI)

Chiều 26/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 về giải ngân vốn đầu tư công đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có ý nghĩa quan trọng đối với các địa phương, trong đó có tỉnh Hà Nam. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được coi là công tác quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho chương trình phát triển và phục hồi kinh tế của cả nước.

Với nhiều giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng và nỗ lực, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đã có bước cải thiện nhất định. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ giải ngân của một số bộ, ngành, địa phương chậm so với yêu cầu.

Để hiện thực hóa cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công cả năm của các địa phương, các Tổ công tác cần làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tổng hợp lại các vấn đề về cơ chế chính sách và đề xuất các nhiệm vụ giải pháp nhằm đạt tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu.

Báo cáo về tình hình giao kế hoạch đầu tư công tính đến ngày 15/7/2022, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, nguyên nhân chưa giao hết kế hoạch vốn trung ương giao là do số vốn nguồn bội chi ngân sách địa phương (vốn vay ODA) chưa giao (19.255 triệu đồng). Do vốn vay lại của các dự án ODA phải bố trí theo tỷ lệ với số vốn cấp phát.

Năm 2022, số vốn ODA cấp phát được giao kế hoạch 2022 là 29.569 triệu đồng, theo tỷ lệ số vốn được giao kế hoạch tương ứng là 51.245 triệu đồng. Tỉnh Hà Nam đã có văn bản về việc hoàn trả nguồn bội chi ngân sách địa phương năm 2022 với số vốn 19.255 triệu đồng.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tính đến hết ngày 15/7/2022, tổng số vốn đã giải ngân 1.332.662 triệu đồng, đạt 31,8% kế hoạch tỉnh giao đầu năm và bằng 25,4% so với kế hoạch tỉnh giao bổ sung; vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022 đã giải ngân là 71.518 triệu đồng, bằng 10,4% kế hoạch vốn kéo dài.

Các khó khăn, vướng mắc được ông Huy nêu ra như một số dự án sử dụng ngân sách trung ương phải thực hiện chủ trương đầu tư do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định khiến thời gian thực hiện kéo dài. Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đối với Khu du lịch Tam Chúc chưa được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa tổ chức triển khai thực hiện.

Về các giải pháp triển khai năm 2022, tỉnh Hà Nam xác định việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư các dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm khởi công năm 2022 theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt; tập trung thực hiện tháo gỡ khó khăn cho giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thực hiện dự án; Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Tại buổi làm việc, đại diện UBND các huyện, thị xã, các sở, ngành của tỉnh Hà Nam đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong trình tự thực hiện thủ tục của dự án đầu tư công, trong đó nhấn mạnh vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; đất đai; khó khăn vướng mắc liên quan đến vấn đề tài nguyên môi trường; quy hoạch dự án đầu tư, khu tái định cư; đấu nối các tuyến đường giao thông;…

Các vấn đề nêu ra đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải làm rõ.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tỉnh Hà Nam trong việc chuẩn bị báo cáo tương đối đầy đủ, nêu được những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của vấn đề chậm trễ, thể hiện tinh thần cầu thị, quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cam kết của mình, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Hà Nam cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công điện, hướng dẫn của các bộ, ngành. Bám sát tình hình thực tế của từng dự án để xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc giải ngân để có cơ sở triển khai, giám sát, thực hiện; phát huy cơ chế tổ liên ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, trình độ ban quản lý dự án, chủ đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hà Nam, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải nhanh chóng trao đổi với Tổ công tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết. Các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể về các vấn đề được nêu và đề nghị tỉnh Hà Nam tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp, bám sát tình hình thực tế để triển khai các dự án theo đúng lộ trình cam kết.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục