Hiện Hà Nam có 4 khu công nghiệp đang hoạt động đã được lấp đầy trên 80% diện tích; 2 khu công nghiệp đang tiến hành giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Về giao thông, ngoài các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn như Quốc Lộ 1A, đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình, Quốc lộ 21A, 21B, tuyến Phủ Lý- Mỹ Lộc, Tỉnh này đang triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội- Hải Phòng, tuyến tránh quốc lộ 38, tuyến tránh thành phố Phủ Lý và dự án tuyến đường cành đai 5- thành phố Hà Nội. Những dự án giao thông này đều có vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng, phát triển kinh tế xã hội của Hà Nam.
Đánh giá chung về kết quả đạt được của Hà Nam trong 6 tháng đầu năm, ông Đông cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt những kết quả tích cực với mức tăng trưởng bình quân 13,05%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cụ thể, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 58%, dịch vụ 29,4%, nông lâm nghiệp giảm còn 12,6%, thu ngân sách tăng cao, ước đạt 3.630 tỷ đồng trong năm 2015. Các lĩnh vực kinh tế phát triển toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2011- 2015 giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng khoảng 22,1%/năm.
Trong thời gian tới, chủ trương phát triển công nghiệp vẫn tiếp tục xác định sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Hà Nam, trong đó tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sáng tạo, chế tạo, công nghiệp phát triển ở khu vực nông thôn, các dự án đến từ các quốc gia thuộc khối EU.