“Tốc độ tăng trưởng GRDP tổng hợp chỉ cao hơn GDP chưa đến một điểm phần trăm, thay vì 5-6 điểm phần trăm của giai đoạn trước”, TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết.
Người dân, đặc biệt là các chuyên gia kinh tế thường bày tỏ sự hoài nghi về số liệu liên quan đến GRDP cả quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng. Vì sao vậy, thưa bà?
Đó là trước đây, vì GRDP do cục thống kê địa phương biên soạn và công bố chưa phản ánh sát thực trạng quy mô và tốc độ tăng trưởng tại địa phương. Trong một thời gian dài, chênh lệch giữa GRDP tổng hợp từ 63 địa phương và GDP của cả nước diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng qua từng năm.
Trong một thời gian dài, hiện tượng GRDP tổng hợp chênh lệch lớn so với GDP của cả nước. Đơn cử, năm 2011, GDP của cả nước do TCTK công bố chỉ tăng 6,24%, trong khi đó, 61 địa phương có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP, trong đó 27 địa phương tăng trên 10%. Tương tự, năm 2012, tốc độ tăng tổng GRDP của các địa phương là 9,13%, gấp 1,74 lần so với tốc độ tăng GDP cả nước (5,25%). Đáng nói là, năm 2012, kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính, nhưng vẫn có tới 21 địa phương công bố GRDP tăng trưởng “thần kỳ” - tăng trên 10%.
Sự không thống nhất này khiến nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ nghi ngờ trước các số liệu thống kê do ngành thống kê công bố, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như quy mô GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người…
Theo bà, vì sao lại có tình trạng vênh nhau rất lớn giữa GRDP tổng hợp từ 63 địa phương và GDP chung của cả nước?
GRDP do địa phương biên soạn và công bố những năm trước đây hầu hết chưa phản ánh sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chênh lệch này là do khó khăn trong việc thu thập thông tin theo nguyên tắc thường trú, dẫn đến có sự tính trùng giữa các địa phương. Việc tính trùng cũng tương tự như một nữ thanh niên nuôi được một con bò thì Đoàn thanh niên cũng tính, Hội phụ nữ cũng tính, Hội nông dân cũng tính vào thành tích của hội mình… nên chỉ có một con bò thành ra 3 con bò.
Nguyên nhân thứ hai là đội ngũ cán bộ thống kê chuyên sâu về tài khoản quốc gia ở các địa phương còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Cuối cùng, cũng phải nói thẳng là ở nhiều địa phương, lãnh đạo rất thích thành tích. Đây là căn bệnh tương đối phổ biến. Nhiều lãnh đạo địa phương muốn những con số thống kê của tỉnh mình phải thật “đẹp”, năm sau phải cao hơn năm trước, địa phương mình phải hơn địa phương bạn… nên tạo ra sức ép rất lớn đối với những người làm thống kê ở địa phương.
Nếu GRDP không chính xác, thưa bà, sao không bỏ việc tính GRDP đi?
GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được tính toán trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế do nhiều thông tin đầu vào chỉ có ở mức độ tổng hợp trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, do nhu cầu thông tin trên địa bàn phục vụ chính quyền địa phương, một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… ngoài tính GDP cũng tính GRDP như Việt Nam. Ở các nước tính cả GRDP và GDP đều có sự chênh lệch giữa GRDP tổng hợp và GDP chung, tùy thuộc khả năng thu thập thông tin và kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, năng lực thống kê… mà chênh lệch số liệu GRDP và GDP ở mỗi nước khác nhau, nhưng mức chênh lệch thấp hơn Việt Nam rất nhiều.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 715/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh (Đề án 715). Nhờ đó, tình trạng chênh lệch số liệu GRDP và GDP đã giảm hẳn.
Khắc phục được những điểm nào, thưa bà?
Trước đây, GRDP của địa phương nào do cơ quan thống kê địa phương đó tự tính, và như tôi nói, có nhiều nguyên nhân khiến GRDP ở địa phương thường cao hơn thực tế, trong đó có “bệnh thành tích” của lãnh đạo địa phương. Nhưng kể từ năm 2017, triển khai Đề án 715, TCTK bắt đầu biên soạn và công bố GRDP cho từng địa phương, nên không bị áp lực bởi bệnh thành tích. Mặc dù GRDP biên soạn và công bố tập trung tại TCTK, nhưng các cục thống kê địa phương vẫn có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong khâu thu thập, xử lý, tổng hợp thông tin đầu vào trên địa bàn, gửi TCTK xử lý, tổng hợp chung theo ngành, lĩnh vực, sau đó rà soát, giải trình kết quả đầu ra nên khách quan và chính xác hơn trước đây rất nhiều.
Kết quả là, khoảng cách chênh lệch số liệu giữa GRDP và GDP giai đoạn 2017-2020 về quy mô chỉ còn dưới 4% so với mức trên 30%, về tốc độ tăng trưởng chỉ còn dưới 1 điểm phần trăm so với 5-6 điểm phần trăm của những năm trước.
Thưa bà, các địa phương “tăng trưởng cao”, bây giờ bị tụt xuống do phản ánh đúng thực tế đã phản ứng ra sao?
Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, GDP chỉ tăng 5,91%, nhưng có tới có 62/63 địa phương công bố GRDP tăng bình quân trên 10%, thì sang giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 16/63 địa phương xây dựng kế hoạch tăng trưởng GRDP trên 10%. Con số này đã minh chứng các địa phương thừa nhận cách tính GRDP của Trung ương là sát thực tế.
Theo kết quả 2 cuộc khảo sát đánh giá thực hiện Đề án 715 được thực hiện vào tháng 9/2020 và tháng 11/2020 thì có 49/63 địa phương cho rằng số liệu GRDP do TCTK thực hiện phù hợp với quy mô kinh tế của địa phương; 47/63 cho biết tốc độ tăng trưởng sát thực tế và 51/63 thừa nhận GRDP phù hợp về cơ cấu kinh tế trên địa bàn.