Grab và VinaSun tiếp tục đối mặt tại tòa

Liên quan tới vụ VinaSun kiện đòi GrabTaxi bồi thường 41 tỷ đồng, Tòa án lại vừa triệu tập GrapTaxi đến tòa.
Đại diện VinaSun tại phiên tòa hồi tháng 2 qua. Ảnh: Tân Châu . Đại diện VinaSun tại phiên tòa hồi tháng 2 qua. Ảnh: Tân Châu .

Tòa Kinh tế- TANDTP.HCM vừa có giấy triệu tập GrabTaxi đến tòa này vào ngày 4/5 tới đây. Theo đại diện GrabTaxi, đơn vị này sẽ cử đại diện tới tòa như giấy triệu tập.

“Chúng tôi hiểu rằng theo giấy triệu tập, đây chỉ là buổi làm việc, trao đổi giữa tòa và các bên có liên quan đến vụ tranh chấp, và không phải là một phiên xét xử. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tòa và các cơ quan chức năng có liên quan”, đại diện Grab nói.

Chiều ngày 7/2, phiên tòa của TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Cty Ánh Dương-VinaSun) - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi VinaSun đối với bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi) kết thúc mà không phải bằng một bản án.

Thay vào đó, chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Lê Công Toại - đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Theo Tòa, việc tạm đình chỉ này là để đợi kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ tại Sở GTVT, Sở KH-ĐT TP.HCM và Bộ GTVT theo yêu cầu của TAND TP.HCM.

Quyết định của Tòa cũng nói rõ rằng các bên liên quan có thể kháng cáo, kháng nghị Quyết định tạm đình chỉ xét xử trong 7 ngày. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

Tại phiên xử hồi tháng 2 qua, phía VinaSun là nguyên đơn, nói rằng các tài liệu kiểm toán thể hiện, lợi nhuận năm 2016, quý I và II/2017 của VinaSun bị mất là 75 tỷ đồng. Tổng số thiệt hại do GrabTaxi gây ra cho VinaSun trong năm 2016, quý I và II/2017  số tiền trên 41 tỷ đồng, và yêu cầu Tòa tuyên buộc GrabTaxi bồi thường thiệt hại.

GrabTaxi đáp trả rằng để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, VinaSun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của họ. Đối với cáo buộc cho rằng GrabTaxi có hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi trái pháp luật. Phía bị đơn lập luận rằng cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải là Bộ GTVT.

GrapTaxi cũng nói VinaSun chưa cung cấp được quyết định của cơ quan quản lý về giao thông vận tải về hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi đối với GrabTaxi.

GrapTaxi hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT cấp phép theo chấp thuận của Thủ tướng có tham khảo ý kiến của các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông dựa trên đề án thí điểm được GrabTaxi đệ trình.

Đối đáp thẳng vào nội dung GrapTaxi không thực hiện đúng đề án thí điểm được Bộ GTVT cho phép, GrabTaxi nói có tuân thủ đúng đề án thí điểm hay không là thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, nếu khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm thì khiếu nại lên Bộ trưởng GTVT hoặc khiếu kiện hành chính.

Trong một lần đề cập tới vụ kiện vào ngày 27/4, ông Tạ Long Hỷ (phó Tổng giám đốc VinaSun) nói: “Sau hai năm đằng đẵng đấu tranh đòi công bằng, cuộc chiến với GrabTaxi sắp đến hồi kết. Bây giờ, VinaSun tự tin đứng vững trên hai chân của mình và bắt đầu chiếm lại thị trường”.


zing.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục