Đây là số tiền trong tài khoản vốn được dùng để trả cho tài xế. Chưa kể, tới cuối năm nay, khách hàng của Grab có thể sử dụng khoản tín dụng này tại hơn 1.000 nhà hàng và cửa hiệu bán lẻ. Nếu quá trình này diễn ra suôn sẻ, Grab sẽ trở nên nổi tiếng không chỉ vì dịch vụ chia sẻ xe của mình, mà còn vì đã trở thành một nền tảng thanh toán điện tử.
Theo Ngân hàng Thế giới, hiện có khoảng 2 tỷ người thiếu khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính truyền thống trên toàn cầu, đa phần tập trung tại các quốc gia đang phát triển với nền kinh tế phụ thuộc vào tiền mặt, nơi các nhà băng mới chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản như cho vay, kiểm tra tài khoản và thẻ tín dụng.
Khi thu nhập của người dân tại các quốc gia này gia tăng, công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp có cách làm sáng tạo, hiệu quả hơn nhiều trong cung cấp dịch vụ tài chính và hiện tại, di động thông minh đang thúc đẩy hệ thống tài chính tiến hóa, với những kết quả đáng khích lệ.
Xu hướng thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại bắt nguồn tại Kenya. Năm 2007, Safaricom Ltd giới thiệu M-Pesa, dịch vụ cho phép người dùng chuyển tiền thông qua tin nhắn điện thoại.
Trong một thời gian ngắn, M-Pesa phát triển thành một hệ thống dịch vụ ngân hàng và thanh toán đầy đủ chức năng, nhanh chóng thống trị mảng thanh toán qua di động tại khu vực.
Năm 2016, M-Pesa thực hiện 6 tỷ giao dịch cho 30 triệu khách hàng tại 10 quốc gia. Châu Phi ngày nay đã có nhiều tài khoản “tiền di động” hơn số lượng tài khoản ngân hàng.
Tại châu Á, quá trình chuyển đổi này mới bắt đầu và đã có những bước nhảy vọt. Alibaba và WeChat - dịch vụ thương mại điện tử và mạng xã hội hàng đầu Trung Quốc, đã tạo ra các nền tảng thanh toán giúp khách hàng sử dụng dịch vụ mọi lúc mọi nơi.
Năm 2016, người dân Trung Quốc đã thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử với giá trị 5.500 tỷ USD. Trong khi đó, tại Ấn Độ, khoảng 1/5 dân số đang sử dụng các phương thức thanh toán tương tự, chủ yếu thông qua các startups như Paytm E-commerce Pvt.
Đông Nam Á chính là điểm đến kế tiếp của xu hướng này và là một trong những thị trường hấp dẫn bậc nhất. Với 640 triệu người, khả năng tiếp cận internet và sở hữu điện thoại thông minh không ngừng gia tăng, đây rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho các startup ngành tài chính.
Trong 3 năm qua, thị trường bất ngờ chứng kiến dịch vụ thanh toán được cung cấp từ một bộ phận độc đáo: Lĩnh vực dịch vụ chia sẻ xe. Nếu tại Mỹ, nơi thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng rất phổ biến, công ty chia sẻ xe như Uber Technologies Inc sẽ khó lòng có những hoạt động tương tự, nhưng tại những quốc gia Đông Nam Á thì khác.
Chẳng hạn, tại Indonesia, nơi chỉ 36% người dân có tài khoản ngân hàng và chưa tới 5% có thẻ tín dụng, các công ty dịch vụ chia sẻ xe dễ dàng thu hút người dùng bằng các nền tảng thanh toán qua di động thuận tiện. Hiện tại, hơn 200.000 tài xế đang làm việc cho Go-Jek, dịch vụ chia sẻ xe hàng đầu Indonesia, có thể sử dụng ví điện tử của mình để cất giữ các khoản thu nhập, đồng thời chi tiêu vào các dịch vụ khác. Khách hàng cũng có thể sử dụng ví điện tử để thanh toán cho mọi thứ, từ mua thức ăn cho tới massage, dịch vụ dọn nhà.
Tại Singapore, Grab đã có ý tưởng tương tự, khi mở rộng khả năng sử dụng ví điện tử của khách hàng tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ như quán cà phê, chợ truyền thống, người bán rong. Với việc cho phép khách hàng sử dụng ứng dụng mà họ đã quen thuộc để thanh toán tiền một cách thuận tiện, Grab đang có lợi thế lớn trong lĩnh vực mới này.
Chưa kể, Công ty có thể thu thập một lượng lớn thông tin của người dùng, từ địa điểm, thói quen đi lại cho tới lịch sử mua sắm. Các thông tin này có thể sẽ là chìa khóa thay đổi cuộc chơi của Grab tại địa hạt dịch vụ tài chính.
Như vậy, tại Đông Nam Á, các công ty taxi, doanh nghiệp dịch vụ chia sẻ xe đang có một “cuộc chiến” với các ngân hàng nhằm cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, điều mà vài năm trước đây còn tưởng chừng rất vô lý. Trong bối cảnh này, các nhà băng cũng nhanh chóng thiết lập các nền tảng thanh toán điện tử riêng và cuộc chiến thu hút khách hàng sẽ còn nhiều căng thẳng.