“Gót chân Asin” của nền tài chính

(ĐTCK) Tuy đạt được những bước tiến cả về lượng và chất trong năm qua, nhưng thị trường tài chính Việt Nam đang bộc lộ không ít “gót chân Asin” cần được khắc phục.
Cần phát huy vai trò huy động, phân bổ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán
Cần phát huy vai trò huy động, phân bổ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán

Nhận diện "gót chân Asin"

Kết quả nghiên cứu tổng quan về thị trường tài chính Việt Nam năm 2017 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố cho thấy, đến cuối năm 2017, tổng tài sản của các định chế tài chính Việt Nam ước tương đương 200% GDP, tăng 17,3% so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực, quy mô của hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chẳng hạn Thái Lan ước tương đương 270% GDP, Malaysia gần 400% GDP, Hàn Quốc khoảng 450% GDP...

Ngoài ra, tỷ trọng tài sản giữa các khu vực có sự mất cân đối lớn khi tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm 95,9% toàn thị trường tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 3%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chiếm 1,1%. Trong hệ thống vẫn còn một số định chế tài chính quy mô nhỏ có mức đủ vốn thấp hơn mức quy định.

Mặt khác, việc huy động vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và bản thân các tổ chức này đang bộc lộ không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể, một số ngân hàng gặp khó khăn về cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn cao (70 - 80%), tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm gần 50% (sát ngưỡng quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/T-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các ngân hàng cần chú trọng cân đối lại kỳ hạn huy động và cho vay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đồng thời đảm bảo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.

Trong năm 2017, các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016, nhưng kết quả này chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá trị trường còn hạn chế, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua 0 đồng chậm.

Một điểm hạn chế khác của thị trường tài chính là sự phát triển không “đều tay” của các khu vực thị trường. Trong khi thị trường ngân hàng, trái phiếu chính phủ phát triển sôi động, thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ thể hiện sự phát triển èo uột, mà đáng ngại hơn là có dấu hiện yếu...

Cần “nhạc trưởng”

Để khắc phục những hạn chế trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần một “nhạc trưởng” ở tầm chính phủ với mô hình Ban chỉ đạo quốc gia phát triển thị trường tài chính nhằm điều phối, thúc đẩy các giải pháp phát triển thị trường. Sở dĩ cần giải pháp này bởi thực tế cho thấy, quá trình tái cấu trúc thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm có tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự gắn kết, điều phối tổng thể ở tầm quốc gia, khiến những điểm yếu, hạn chế của thị trường tài chính chậm được
khắc phục.

Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo sẽ là nắm bắt sâu hiện trạng phát triển của các khu vực thị trường, trên cơ sở đó hoạch định chính sách cũng như điều phối chỉ đạo triển khai nhằm phân vai rõ nét hơn nhiệm vụ huy động, tài trợ vốn cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế của thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm theo hướng giảm dần gánh nặng huy động và tài trợ vốn cho nền kinh tế của thị trường tiền tệ, nhất là vốn trung và dài hạn, đồng thời triển khai có hiệu quả các giải pháp để gia tăng vai trò huy động, tài trợ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán.

“Việc triển khai các giải pháp điều phối phát triển các khu vực thị trường cần được tiến hành với các bước đi cụ thể, phù hợp với bối cảnh thị trường trong nước và thế giới trong từng giai đoạn. Qua đó, phát huy vai trò huy động, phân bổ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán, giảm thiểu rủi ro cũng như gánh nặng chi phí cho nền kinh tế do quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng như hiện tại”, một chuyên gia tài chính nói.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục