Golf sẽ đưa du lịch thoát... "hố cát"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bunker (hố cát) là một loại chướng ngại vật trên sân golf, nhưng sự thú vị và giá cả còn rất rẻ của du lịch golf Việt Nam có thể là cú swing rất đẹp đưa ngành du lịch nghỉ dưỡng thoát khỏi "hố cát" khó khăn, giãn cách.
Golf tour đang là phân khúc đầy tiềm năng (ảnh chụp trước dịch Covid-19). Ảnh: Thành Nguyễn Golf tour đang là phân khúc đầy tiềm năng (ảnh chụp trước dịch Covid-19). Ảnh: Thành Nguyễn

Tiềm năng lớn từ khách ngoại

Khi chúng tôi có mặt tại FLC Hạ Long, toàn bộ quá trình làm thủ tục xét nghiệm nhanh Covid-19 diễn ra chỉ trong khoảng 30 phút. Tại quần thể nghỉ dưỡng này, có khu vực dành riêng đón khách có “hộ chiếu vắc-xin” hay khách nội địa, các hoạt động diễn ra tách biệt theo mô hình “bong bóng du lịch”. Hiện tại, Quảng Ninh là 1 trong 5 địa phương được đón khách du lịch quốc tế và golf tour được kỳ vọng là một động lực mới đầy tiềm năng.

Bắt đầu câu chuyện về tiềm năng của ngành “công nghiệp cỏ xanh” - golf, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch của Việt Nam được xem là “ngôi sao đang lên” của châu Á và riêng với golf, đã 5 năm liền, Việt Nam được vinh danh là điểm đến golf tốt nhất châu Á và năm 2021, Việt Nam được đánh giá là điểm đến golf tốt nhất thế giới. Trong bối cảnh mở cửa du lịch an toàn, du lịch golf chính là một trong những câu trả lời đáng giá.

“Khách của golf tour có đặc điểm ít tiếp xúc, tác động thấp, ở lâu, chi tiêu nhiều. Golf tour cũng ngược với du lịch đại trà, đám đông nói chung và là loại hình du lịch hiệu quả, an toàn”, ông Siêu nhấn mạnh.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, tại 5 địa phương được mở cửa đón du khách quốc tế là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Kiên Giang, có một tỷ lệ không nhỏ là các du khách tham gia golf tour.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, chúng ta đang có nhiều cơ hội thuận lợi để đón các golfer quốc tế với nhiều đường bay thẳng tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc - là những thị trường golf tour rất tiềm năng, bởi điểm chung của các quốc gia này là đều có mùa Đông - thời điểm các golfer không thể ra sân tập luyện, thi đấu. Cùng với đó, thói quen du lịch golf cũng ngày càng được khách Âu, Mỹ quan tâm và Việt Nam là một điểm đến sáng giá.

Sau nhiều năm phát triển, Việt Nam hiện có được một hệ thống sân golf 5 sao đủ khả năng phục vụ du khách quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn mở cửa sau giãn cách xã hội, các quy định về đón khách nước ngoài, thời gian lưu trú đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways cho rằng, với quy định về thời gian lưu trú 7 ngày như hiện nay, việc tổ chức các tour du lịch để giữ chân khách hàng trong suốt thời gian này là một thách thức, đặc biệt với du lịch golf.

“Tại Quảng Ninh, địa phương này có 3 sân golf, một sân ở rất xa, còn 2 sân tại trung tâm Thành phố. Với thời gian lưu trú như vậy mà du khách chỉ chơi được ở 2 sân là không đủ. Do đó, tour thiết kế về Quảng Ninh ‘đẹp nhất’ hiện nay là kết hợp giữa golf và du thuyền”, ông Quân nêu dẫn chứng, đồng thời cho biết thêm, trong quý I/2022, Bamboo Airways sẽ đưa hơn 3.000 golfer về Hạ Long, song điều băn khoăn là thời gian lưu trú chưa phù hợp, nên hoặc có thể rút ngắn thời gian, hoặc phải có thêm nội dung khác ngoài đánh golf, trong đó du thuyền là một giải pháp.

Còn theo ông Đỗ Việt Hùng, Tổng giám đốc FLC Biscom, Công ty đã ký hợp đồng thực hiện gần 30 chuyến bay charter từ Hàn Quốc đến Hạ Long đánh golf. Với các đoàn khách này, khu nghỉ dưỡng FLC Hạ Long đã đưa ra các gói dịch vụ trải nghiệm toàn diện như “combo 4 ngày 3 đêm” hay dài nhất là “8 ngày 7 đêm” với giá gói gọn khoảng 780 USD.

“Hiện chương trình đón khách quốc tế được đưa ra là ‘7 ngày 6 đêm’, tuy nhiên, nếu tổ chức golf tour thì việc rút ngắn thời gian xuống ‘4 ngày 3 đêm’ là hợp lý, thuận tiện cho việc thu hút khách và công tác quản lý”, ông Hùng nói.

Khách nội triển vọng

Du lịch golf đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh, song theo các chuyên gia và thành viên thị trường, với hình thái du lịch này, các doanh nghiệp lữ hành - du lịch, các chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng không nên chỉ hướng đến golfer ngoại, mà quên đi một phân khúc đầy tiềm năng khác là golfer nội địa.

Trên thực tế, golf đang là môn thể thao có mức tăng trưởng người chơi vào loại nhanh nhất. Từ góc nhìn của đơn vị nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc VGS Media - Golf News cho biết, nếu trong giai đoạn 2019-2020 số lượng golfer nội địa vào khoảng 26.000 người, thì sang năm 2021 đã tăng gần gấp đôi, đạt khoảng 51.000 người.

“Tỷ lệ người Việt tiếp cận và chơi golf sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta mở cửa đón các golfer quốc tế và tạo nên hiệu ứng tốt về môn thể thao này", ông Minh nhấn mạnh.

Củng cố thêm nhận định này, ông Nguyễn Văn Linh lấy thêm ví dụ, nếu như năm 2015 số người chơi golf ở Bắc Giang chỉ là 25 người, thì nay đã đạt 500 người. Do đó, nói đến du lịch golf thì không nên chỉ tập trung vào các golfer quốc tế.

Ông Linh cho rằng, trong ngắn hạn, để phù hợp bối cảnh và thu hút khách du lịch trở lại, các địa phương được phép có thể hướng nhiều hơn đến du khách quốc tế, nhưng trong tương lai, cần coi trọng và tập trung phát triển hơn mảng khách nội địa vì đây là nguồn khách thường xuyên, cố định và đang có mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Về dài hạn, để kinh tế golf, du lịch golf phát triển đúng tiềm năng, theo ông Nguyễn Hữu Thủy, Chủ tịch Hội Golf Quảng Ninh, cần có nhiều giải pháp đồng bộ như đưa ra mức giá golf tour phù hợp với mặt bằng chung của khu vực Đông Nam Á; tăng thêm dịch vụ ngoài trải nghiệm golf; áp dụng chế độ một cửa giải quyết tất cả các vấn đề về golf tour để thuận tiện cho du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ (nhân sự, cơ sở hạ tầng), có cơ quan hỗ trợ du khách về pháp lý, thủ tục; tổ chức các giải golf mang tầm quốc tế...

Người đến Việt Nam chơi golf hiện chỉ khoảng 1% tổng lượng du khách mỗi năm

Ông Lê Hùng Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam
Ông Lê Hùng Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam

Thái Lan đang là điểm đến chơi golf của Đông Nam Á với lượng golfer chiếm khoảng 9% trong tổng lượng du khách mỗi năm, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam mới chỉ khoảng 1%.

Trên thế giới, hiện có khoảng 60 triệu người chơi golf, lực lượng người chơi trong nước cũng đang tăng mạnh.

Do đó, với việc Việt Nam đang là điểm đến golf châu Á và thế giới trong suốt 5 năm qua sẽ mang đến cơ hội khai thác nguồn khách hàng tiềm năng, cả quốc tế và nội địa.

Đã đến lúc phải thích ứng, không sợ sệt mà đánh mất cơ hội

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Thống kê cho thấy, cứ 200 du khách tới Phú Quốc thì có 30 người chơi golf, một tỷ lệ rất cao cho thấy xu hướng du lịch golf đang ngày càng phát triển.

Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải thích ứng, không sợ sệt mà đánh mất cơ hội.

Riêng về thời gian lưu trú, theo quy định với khách quốc tế là “7 ngày 6 đêm” như hiện nay được hiểu là điều kiện để khách ra ngoài cộng đồng, trường hợp khách chỉ đến đánh golf khép kín rồi trở về nước thì thời gian cần được rút ngắn.

Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện quy định chống dịch và phù hợp với yêu cầu thực tế.

Để tăng sức cạnh tranh cho du lịch golf Việt Nam, cần sự vào cuộc của Chính phủ

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel

Tiềm năng du lịch golf của Việt Nam là rất lớn, có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực, nhưng đến nay chưa phát triển xứng tầm có nguyên nhân xuất phát từ việc Chính phủ chưa vào cuộc.

Tại nhiều quốc gia có hoạt động du lịch golf phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…, sự hỗ trợ từ chính phủ, các cơ quan, ban ngành, hệ thống cung ứng khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành rất mạnh mẽ, giúp tạo nên sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục