Gọi tên lợi thế khu công nghiệp Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao khi sở hữu những lợi thế cạnh tranh khá “đặc thù”…
Việt Nam ngày càng có nhiều khu công nghiệp quy mô. Ảnh: Thành Nguyễn Việt Nam ngày càng có nhiều khu công nghiệp quy mô. Ảnh: Thành Nguyễn

Sáng cửa hút vốn ngoại

“Việt Nam có nhiều yếu tố cạnh tranh để thu hút đầu tư và hiện không chỉ là điểm đến sáng giá tại khu vực Đông Nam Á, mà còn ở mức độ châu lục”.

Đây là khẳng định của đại diện một doanh nghiệp về triển vọng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Cũng theo các chủ đầu tư, xu hướng “Trung Quốc +1”, Hàn Quốc và Nhật Bản hướng Đông… đang đặt Việt Nam vào vị thế “ưu tiên” trong mắt khách thuê.

Chia sẻ tại tại “Tọa đàm kết nối đầu tư” do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Watanabe Nobuhiro cho rằng, một trong những yếu tố nổi bật để định vị Việt Nam với những quốc gia khác trong khu vực là tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đặn qua các năm được củng cố bởi nền tảng chính trị ổn định.

“Trong khoảng 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam luôn đạt mức 6%/năm và việc tiếp tục duy trì tăng trưởng dương trong năm 2021 cũng là một thành công lớn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Trong đó, khu vực phía Nam với tâm điểm TP.HCM đang là động lực phát triển và đón nhận dòng vốn FDI cho cả nước”, ông Watanabe Nobuhiro nói.

Còn ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, năm 2021, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% so với năm 2020, đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD; xuất khẩu tăng 19%, đạt 336,25 tỷ USD. Vừa qua, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD.

“Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam để mở rộng đầu tư, xem Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Từ góc nhìn thực tế ở địa phương, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo tìm hiểu của các đoàn xúc tiến đầu tư, hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam được đánh giá là điểm đến tiềm năng nhất khu vực, song trên thực tế, mới có khoảng 3% số doanh nghiệp đầu tư thành công. Cùng với đó, các doanh nghiệp đặt nhà máy tại Trung Quốc cũng đang muốn “chia trứng ra nhiều giỏ”, thành lập thêm các nhà máy, chi nhánh ngoài Trung Quốc. Đây đều là cơ hội tốt cho Việt Nam, cho các khu công nghiệp Việt Nam trong việc thu hút FDI.

“Vĩnh Phúc đang tận dụng tốt những thế mạnh sẵn có về vị trí địa lý, nguồn lao động và hệ thống khu công nghiệp được quy hoạch bài bản để đón các nhà đầu tư. Tỉnh đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư lớn để mời gọi đầu tư vào địa phương, đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp mới, cải cách hành chính, nâng cao PCI… để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư”, ông Thành nói.

Nhận diện lợi thế

Theo ông Lê Tuấn Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 1369, Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số và chi phí nhân công, chi phí vận hành cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Dẫn số liệu báo cáo của TMX - công ty chuyển đổi kinh doanh hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, ông Nghĩa cho biết, với việc sở hữu gần 100 triệu dân, trong đó tỷ lệ dân số trẻ trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng lớn (trên 69%), Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công rẻ.

“Trong khu vực châu Á, Việt Nam là thị trường có giá lao động hợp lý thứ 4 (sau Campuchia, Myanmar và Philipines) với tổng chi phí nhân công trung bình khoảng 108 USD/tháng, chi phí vận hành thuộc nhóm thấp nhất khu vực, dao động từ 79-209 USD/tháng (chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar). Việt Nam đứng thứ 5 về các yếu tố môi trường kinh doanh, nhân tài, hậu cần và số hóa (xếp sau Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan). Về chi phí thuê kho, Việt Nam có giá cả hợp lý thứ tư với giá thuê trung bình 5 USD/m2/tháng (sau Thái Lan, Myanmar và Campuchia), ông Nghĩa thông tin.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền chính trị ổn định, thủ tục hành chính liên tục được cải cách, môi trường đầu tư cởi mở... Tốc độ tăng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực và đứng trong tốp 20 nước dẫn đầu về thu hút FDI năm 2021.

Một lợi thế khác, theo ông Nghĩa, đó là doanh số thương mại điện tử tại Việt Nam được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép 44,9% trong giai đoạn 2020-2025, lên mức 52 tỷ USD, cùng với đó là có vị trí địa lý thuận lợi, nằm sát thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - Trung Quốc với quy mô 1,5 tỷ dân.

Còn bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển TNI Holdings Vietnam cho hay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có tầm vóc lớn như CPTPP, EVFTA, RCEP…, tạo cơ sở hội nhập sâu rộng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, trình độ lực lượng lao động tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, chi phí lao động thấp hơn so với thị trường lao động trong khu vực, môi trường đầu tư ngày một thông thoáng…

Cùng góc nhìn, ông Trần Đại Nghĩa, đồng sáng lập Realcom, cũng là chuyên gia pháp lý, tư vấn đầu tư bất động sản công nghiệp đề cập tới một số lợi thế nổi bật của Việt Nam, đó là lao động giá rẻ, hạ tầng được cải thiện với đặc điểm quy mô tập trung kinh tế (tập trung nhiều ở các vùng đồng bằng, thuận lợi phát triển các khu công nghiệp). Ngoài ra, tình hình kinh tế - chính trị ổn định cũng khiến các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Ông Phạm Văn Nam, chuyên gia nghiên cứu bất động sản công nghiệp đến từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, có thể xác định đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong thu hút FDI hiện nay là Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, nếu so sánh, Việt Nam có 3 lợi thế nổi bật.

Một là sự thống nhất sắc tộc và ổn định về chính trị. Đây là khác biệt quan trọng của Việt Nam so với nhiều nước ASEAN khác.

Hai là tốc độ hồi phục và tăng trưởng kinh tế tốt. Mặc dù năm 2021 chưa đạt tốc độ tăng trưởng cao như kỳ vọng, nhưng trong năm 2022, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 7,5% (theo Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN +3, gọi tắt là AMRO), cho thấy lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam là rất lớn.

Ba là chi phí sử dụng lao động cạnh tranh, song đây sẽ không phải là lợi thế lâu dài, khi Việt Nam đang dần đi tới cuối thời kỳ dân số vàng và thế hệ gen Z sẽ định hình lại thị trường lao động.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục