Gói QE kích cầu quá “hẻo” của ECB

(ĐTCK) Chỉ vài ngày sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố kế hoạch mua trái phiếu mới nhất của mình, các nhà đầu tư đã phản đối ầm ĩ và kêu gọi Ngân hàng tham gia vào các thị trường rủi ro hơn để kéo nền kinh tế khu vực khỏi sự trì trệ.

Hôm thứ Hai, ECB bắt đầu mua các trái phiếu có mức bảo đảm cao, bước đầu của chương trình mua tài sản khu vực tư nhân mà Ngân hàng công bố hồi tháng 9, trong đó cũng bao gồm các chứng khoán có tài sản đảm bảo.

Nhưng đúng 24 giờ sau đó, những hy vọng về việc cơ quan tiền tệ châu Âu sẵn sàng đi những bước xa hơn đã bị xáo trộn bởi một bài báo của Reuters. Bài báo khẳng định rằng, ECB có thể xem xét mua trái phiếu doanh nghiệp từ tháng 12 và sẽ bắt đầu mua từ quý đầu năm sau.

Ba quan chức ngân hàng trung ương ở khu vực đồng euro cho biết, họ không nắm được bất cứ kế hoạch sắp tới nào về việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo ba vị này thì lịch làm việc của cuộc họp cuối năm 2014 vẫn chỉ là một tập giấy trắng.

Nhưng cú nhảy của các thị trường cổ phiếu châu Âu sau những tin đồn kể trên đã chứng tỏ một thách thức mà ECB đang đối mặt: các nhà đầu tư không tin Ngân hàng có thể đạt được các mục tiêu chính sách của mình mà không mở rộng phạm vi của chương trình mua tài sản.

ECB đã hứa sẽ “thổi” bảng cân đối của mình từ mức 2.000 tỷ euro hiện nay lên 3.000 tỷ euro khi Ngân hàng tìm cách đẩy kỳ vọng lạm phát và làm yếu đồng euro. Nhưng các nhà đầu tư đang tự hỏi, liệu mục tiêu này có thực tế.

Cho đến gần đây, ECB vẫn yêu cầu các ngân hàng thương mại phải kiểm soát quy mô bảng cân đối thông qua điều kiện đối với các khoản vay giá rẻ từ Ngân hàng Trung ương. Nhưng ECB đã thay đổi chính sách từ tháng 9, khi ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng, nói rằng, Ngân hàng Trung ương muốn mở rộng thanh khoản lên các mức từng có hồi đầu năm 2012.

Guntram Wolff, Giám đốc Bruegel, một tổ chức tư vấn cho Brussels, nói rằng: “ECB gần đây đã thực hiện một thay đổi lớn về triết lý của mình khi cho biết, Ngân hàng sẽ tích cực kiểm soát quy mô của bảng cân đối. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn trong việc quyết định những chứng khoán nào sẽ được mua”.

Kế hoạch của ECB, như cơ quan này đang thực hiện, là bổ sung thanh khoản thông qua 8 lần chào bán các khoản tín dụng giá rẻ kỳ hạn 4 năm, mua các chứng khoán có tài sản bảo đảm và trái phiếu có bảo lãnh. Nhưng một số người cho rằng, những kế hoạch này không giúp được gì cho mục tiêu của ECB.

Mục tiêu của ECB là mua vào khoảng 1.000 tỷ euro tài sản, nhưng các nhà hoạch định chính sách không thể mua vào hơn một nửa số đó mà không bóp méo thị trường.

ECB cũng sẽ phải bơm thêm 1.000 tỷ euro vào hệ thống khi các ngân hàng thanh toán một loạt quỹ mà họ đã vay từ ECB thời cao điểm khủng hoảng tài chính. Những khoản trả lại này thậm chí gây khó khăn hơn cho Ngân hàng trong việc đạt được mục tiêu chính sách.

Nếu dữ liệu được công bố trong những tuần tới cho thấy tăng trưởng tiếp tục lảng tránh khu vực đồng euro trong quý III và lạm phát vẫn lẹt đẹt gần mức thấp 5 năm (0,3%), sức ép buộc ECB phải mua thêm tài sản từ khu vực tư nhân hay trái phiếu công sẽ tăng lên. Các quan chức đã thảo luận về cả hai lựa chọn này trong những tháng gần đây.

Frederik Ducrozet, kinh tế trưởng của Crédit Agricole, nói: “Việc mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một giải pháp trung gian tốt để nhanh chóng hướng tới một sự mở rộng bảng cân đối”.

“Việc mua trái phiếu doanh nghiệp làm cho kế hoạch (mở rộng bảng cân đối) trở nên đáng tin hơn”, ông Wolff nói.

Theo dữ liệu của ECB, có 1,4 tỷ euro giá trị trái phiếu doanh nghiệp đủ điều kiện để được thế chấp đổi lấy tiền mặt từ ECB.

Các ngân hàng trung ương cũng có hình mẫu trong thị trường này: Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật đã mua trái phiếu doanh nghiệp trong quá khứ.

Trái phiếu doanh nghiệp rủi ro hơn trái phiếu có bảo lãnh và các chứng khoán có tài sản bảo đảm. Nhưng việc tham gia vào thị trường này sẽ giúp ECB cân bằng được danh mục, giữa nợ ngân hàng và nợ doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng, lợi ích kinh tế rộng hơn của việc mua trái phiếu doanh nghiệp là không đáng kể.

Lorcan Roche Kelly, kinh tế trưởng của Agenda Research, nói rằng: “Rất khó để xác định việc mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ có lợi cho tăng trưởng cỡ nào”.

Quang Huy (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục