Mặc dù đã có chương trình tín dụng kích cầu BĐS, cụ thể là chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhưng vì sao hiệu quả vẫn thấp, thưa ông?
Cần phải nhìn nhận gói vốn 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 5%/năm chỉ dành cho người có thu nhập thấp mua nhà, hay nói cách khác, chương trình tín dụng này chỉ kích cầu ở một phân khúc nhà ở nhất định, nên chưa thể tác động ngay đến thị trường BĐS, mà chỉ có thể làm ấm dần thị trường BĐS.
Hiện những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiếp cận nguồn vốn từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đang được tháo gỡ, như mở rộng đối tượng tiếp cận nguồn vốn, thủ tục hành chính liên quan dễ dàng hơn, thời hạn cho vay mua nhà kéo dài hơn…
Ông đánh giá thế nào về gói 50.000 tỷ đồng liên kết 4 nhà vừa được đưa ra?
Việc triển khai gói liên kết 4 nhà nếu hiệu quả, sẽ tác động tích cực đến ngành xây dựng, giảm được tồn kho vật liệu xây dựng và hỗ trợ thị trường BĐS thời gian tới.
Tuy nhiên, để thành công trong việc triển khai gói này, trước hết phải tổ chức được thị trường vật liệu xây dựng và tiến tới hình thành sàn giao dịch vật liệu xây dựng.
Phải mất bao lâu để làm được điều đó?
Để xây dựng được sàn giao dịch trực tuyến về vật liệu xây dựng nhằm tránh tình trạng mua bán nhỏ lẻ, gây thất thoát và hao tốn chi phí vận tải, chi phí tài chính…, cần phải có một khoảng thời gian nhất định, nhưng sẽ không quá lâu.
Việc liên kết 4 nhà thành công sẽ tác động tích cực không chỉ đến thị trường vật liệu xây dựng, mà cả với thị trường BĐS.
Liệu việc liên kết 4 nhà mà VNCB phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức có tạo ra sự độc quyền trong cung ứng vật liệu xây dựng cho tập đoàn này?
Tập đoàn Thiên Thanh là người tổ chức chợ mua bán vật liệu xây dựng, cung cấp dữ liệu hàng hóa, sản phẩm đang lưu thông và hàng tồn kho. Trong chợ này, có người mua - người bán, chứ chưa hẳn một mình Thiên Thanh đứng ra bán, nên theo tôi, không quá lo việc độc quyền.
Quan trọng hơn, khi tổ chức được một sàn giao dịch vật liệu xây dựng tập trung và trực tuyến sẽ giảm thiểu chi phí, giúp giảm giá thành phẩm, tiến tới khơi thông, giảm tồn kho vật liệu xây dựng, hỗ trợ thị trường BĐS phát triển.
Với các gói kích cầu tín dụng hiện nay, theo ông, khi nào thị trường BĐS sẽ hồi phục?
Các gói tín dụng kích cầu BĐS được đưa ra chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình; xây dựng, sửa chữa nhà ở thông thường, nên chưa thể kỳ vọng thị trường BĐS hồi phục ngay. Nhưng các gói tín dụng này sẽ tạo ra sức lan tỏa và hồi phục nhanh hơn cho thị trường BĐS.
Tôi cho rằng, thị trường BĐS sẽ phục hồi rõ ràng hơn từ quý III/2014, khi nền kinh tế được dự báo phục hồi mạnh mẽ hơn.