Gói kích cầu đa mục tiêu

(ĐTCK) “Phát triển nhà xã hội chính là gói kích cầu đa mục tiêu mà cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đều có lợi”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trao đổi với Đầu tư Bất động sản.
Gói kích cầu đa mục tiêu

Đã có nhiều tranh luận xung quanh câu chuyện cứu hay không cứu thị trường bất động sản (BĐS), cuối cùng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ thị trường này, trong đó tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội. Tập trung vào phân khúc này, cơ quan quản lý hướng tới điều gì, thưa ông?

Như chúng ta đều biết, trong những năm gần đây, kinh tế vĩ mô chịu tác động của nhiều yếu tố không thuận lợi, cả từ bên ngoài lẫn nội tại, sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thị trường BĐS trầm lắng, công ăn việc làm giảm sút, đời sống của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp còn rất khó khăn. Để đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội, đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 7/1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP, bao gồm nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có tính đến việc hỗ trợ thị trường BĐS. Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đã cùng với các địa phương tập trung triển khai tại những tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM...

Có thể nói, với việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, chúng ta vừa nhằm mục tiêu giúp người dân có nhà ở, vừa tạo đầu ra cho sản xuất vật liệu xây dựng và nhiều mặt hàng khác, tăng cường được thanh khoản, giảm được nợ xấu ngân hàng và hy vọng điều đó sẽ lan tỏa sang các phân khúc khác của thị trường BĐS. Đây là một quyết định rất đúng đắn, vì nếu để thị trường rơi tự do thì hậu quả sẽ khôn lường. Bài học khủng hoảng ở các nước đã cho thấy, nếu Nhà nước bỏ mặc thị trường, thì không chỉ doanh nghiệp và người dân bị thiệt, mà cả Nhà nước và cả xã hội cũng bị thiệt hại. Nếu để khủng hoảng xảy ra và xóa đi làm lại, thì mất mát cho cả xã hội là vô cùng lớn, phải mất nhiều thời gian, tiền của để khôi phục.

Cho đến thời điểm này, dù hầu hết các giải pháp đều đã có văn bản hưởng dẫn thực hiện, nhưng lại có nhiều vướng mắc khi triển khai. Có ý kiến cho rằng, những giải pháp chủ yếu để “giải cứu đại gia” là chính?

Trước hết cần phải nói rằng, các chính sách gần đây của Nhà nước không phải là hướng tới việc “giải cứu” riêng ngành BĐS, càng không phải là “giải cứu đại gia”, mà là hỗ trợ khai thông thị trường, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ người dân.

Cái chính ở đây không phải là đổ một khối tiền ra giải cứu, mà là đưa ra các định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp để thị trường phục hồi và phát triển thuận lợi.

Tôi rất chia sẽ những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận những gói hỗ trợ, nhưng những chính sách bao giờ cũng có “độ trễ” nhất định, trong khi các thông tư hướng dẫn mới có hiệu lực được vài ngày. Hơn nữa, khó có chính sách nào thỏa mãn 100% quyền lợi của mọi người, mà sẽ có đụng chạm đến một bộ phận nào đó. Tuy nhiên, thực thi chính sách cần gắn với tổng hòa lợi ích xã hội.

 

Khi triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, có vẻ như những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hơn là doanh nghiệp nhỏ và người dân. Liệu có lợi ích nhóm ở đây không, thưa ông?

Tôi xin khẳng định là không hề có việc phân biệt đối xử hay lợi ích nhóm ở đây. Các doanh nghiệp có dự án nhà ở xã hội, được chính quyền địa phương phê duyệt, có quỹ đất sạch, có quyết định giao đất hoặc sổ đỏ đều được Bộ Xây dựng giới thiệu sang ngân hàng để vay vốn. Hơn nữa, đối với các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS, chúng tôi không nhấn mạnh sự hỗ trợ bằng tiền, mà là hỗ trợ bằng công cụ chính sách, cơ chế. Cụ thể, chính sách phát triển thị trường phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với quy luật thị trường. Cơ quan quản lý cần đưa ra thông tin cụ thể, quản lý giá cả để phù hợp với sức mua của người dân, qua đó thúc đẩy giao dịch.

Đối với doanh nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ về cơ chế để tái cơ cấu hàng hóa, thể hiện qua việc chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép chia tách căn hộ để phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện nay, phân khúc đang được tập trung tháo gỡ là nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội có quy định và kiểm soát rất chặt chẽ về giá cả, đối tượng người mua. Khu vực nhà thương mại thì chỉ hỗ trợ bằng cơ chế, công cụ quản lý và công cụ thị trường để lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng, thúc đẩy giao dịch.

 

Thưa ông, ngoài những giải pháp hỗ trợ trước mắt cho thị trường, ở tầm nhìn dài hơi hơn, chúng ta sẽ phải làm gì?

Chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển thị trường BĐS để thị trường này đi đúng hướng và bền vững hơn, kết hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành quản lý đất đai, ngân hàng, tài chính và xây dựng, phân cấp giữa Trung ương và địa phương hợp lý hơn. Trước mắt, triển khai thực hiện tốt Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đây là bước đột phá trong những quan điểm phát triển nhà ở, khẳng định việc phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã cùng các địa phương xây dựng nhiều chính sách và chương trình nhà ở, đặc biệt, đã trình Chính phủ Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong Nghị định này, các đối tượng cần được hỗ trợ nhà ở xã hội sẽ được phủ kín, quy định rõ các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước khi đầu tư nhà ở xã hội, như không thu tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT đầu ra, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và nhiều ưu đãi khác, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hộ gia đình cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có cả phát triển nhà ở cho thuê dành cho những hộ gia đình thu nhập thấp, trước mắt chưa có khả năng mua được nhà ở.

Đức Minh thực hiện
Đức Minh thực hiện

Tin cùng chuyên mục