Góc nhìn kỹ thuật phiên 31/8: Khả năng có rung lắc

(ĐTCK) ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 31/8.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

Đồ thị tuần VN-Index xuất hiện một hammer với đuôi nến khá dài với thanh khoản tăng mạnh so với các tuần giảm điểm trước. Đây là mẫu hình đảo chiều điển hình. Tuy vậy, VN-Index đang đối mặt với các đường SMA trung, dài hạn bên trên quanh vùng 570-590 điểm. Rung lắc do vậy có khả năng sẽ xảy ra. Đồ thị ngày cho thấy dòng tiền bắt đáy phản ứng khá tích cực với mốc hỗ trợ 510 điểm-mốc đáy trung hạn của chỉ số này.

Tuy vậy, các phiên cuối tuần chỉ số liên tiếp xuất hiện các Doji và gap cho thấy động lực tăng có dấu hiệu suy yếu. Vùng 545-550 là mốc hỗ trợ ngắn hạn trong trường hợp trạng thái điều chỉnh xảy ra. Các chỉ báo kỹ thuật cho tín hiệu tích cực về đà hồi phục trong ngắn hạn của chỉ số này.

Đồ thị tuần HNX-Index tạo thành một Doji với đuôi nến rất dài phản ứng rất tích cực với đường SMA200. Tuy vậy, chỉ số đang đối mặt với đường SMA100 tương đương mốc 80 điểm, do vậy, khả năng rung lắc sẽ xảy ra. Đồ thị ngày cũng liên tiếp tạo thành các doji về cuối tuần cho thấy giao dịch giằng co bắt đầu diễn ra sau khi thị trường tăng mạnh. Mốc 76 điểm là mốc hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số này. Các chỉ báo kỹ thuật đều cho tín hiệu kỹ thuật tích cực trong ngắn hạn.

CTCK MB – MBS

Về mặt kỹ thuật, các chỉ số đã vượt ngưỡng kháng cự 560 điểm của VN-Index và tiến sát ngưỡng kháng cự 79 điểm của HNX-Index với thanh khoản thị trường tích cực. Trong tuần tới, các chỉ số sẽ tiến tới các vùng kháng cự cao hơn với VN-Index là ngưỡng 580 điểm và HNX-Index vẫn là vùng 79 điểm.

Nhà đầu tư tiếp tục duy trì trạng thái cổ phiếu ở mức 80% danh mục, chờ đợi các phiên kiểm nghiệm các vùng kháng cự mới để có các quyết định phù hợp.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK FPT - FPTS

Với phiên tăng điểm 28/8, VN-Indẽ đã có 4 phiên liên tiếp tăng điểm và nhanh chóng hoàn thành việc tăng hoàn bù từ đáy 511 điểm sau hàng loạt các tín hiệu cảnh báo chỉ số vào khu vực “quá bán”.

Cho tới phiên 28/8, chỉ số dừng ở mức điểm 570 cho thấy nhịp hồi đã hoàn thành và hoàn toàn khớp với kịch bản đã được đề cập với mục tiêu là khu vực kháng cự 550-570 điểm. Kênh hồi quy được vẽ từ đỉnh 28/7 đến nay cho thấy rõ ràng 04 phiên tăng giá vừa qua là một nhịp hồi kỹ thuật trong một xu hướng giảm. Vì vậy, diễn biến tuần giao dịch tới sẽ là giao điểm rất quan trọng đối với khả năng bứt phá khỏi xu hướng giảm từ 28/7 đến nay. Cụ thể, khu vực kháng cự tại 580-590 điểm tạo bởi đường trung bình động MA 200 và kênh xu hướng giảm từ đỉnh 28/07 sẽ xảy ra sự giằng co lớn của chỉ số.

Các chỉ báo chậm nhưng có độ tin cậy cao như MACD và RSI cũng đang tích cực dần và ủng hộ cho lập luận trên. Trong khi đó, các nhóm chỉ báo nhanh như Wm%R, CCI, Stoch đều không còn cảnh báo “quá bán” đối với xu hướng ngắn hạn, hàm ý rủi ro sẽ càng cao hơn đối với các giao dịch giải ngân mới trong tuần tới.

Theo đó, kịch bản chỉ số sẽ tiếp tục giằng co và có khả năng điều chỉnh giảm trở lại khi chạm khu vực kháng cự mạnh 580-590 điểm tỏ ra phù hợp với diễn biến tăng mạnh mạnh, có độ dốc lớn nhưng thiếu sự hiệu chỉnh cần thiết. Sự xuất hiện của “khoảng trống tăng giá – Gap” sau 02 phiên 27/8 và 28/8 cho thấy sự hình thành của một ngưỡng hỗ trợ mới tại 545-550 điểm và 560 điểm trong trường hợp chỉ số xảy ra nhịp điều chỉnh.  

CTCK BIDV – BSC

Ngưỡng kháng cự 561 điểm, tương ứng mốc 38.2% của Fibo Retracement 511-640 đã bị vượt qua, VN-Index sẽ tìm đến ngưỡng kháng cự tiếp theo 576 điểm (mốc 50%). Chỉ báo xu hướng MACD vẫn chưa xác nhận xu hướng Tăng khi đường MACD vẫn đang nằm dưới đường tín hiệu.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là VN-Index đóng cửa tại giá cao nhất với khối lượng tăng 30% so với phiên 27/8. Nhiều khả năng, động lực tăng có thể tiếp tục được kéo dài trong phiên tiếp theo trước khi có sự điều chỉnh nhẹ.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục