Đó là nợ xấu tăng cao, tái cấu trúc ngành sẽ quyết liệt hơn trong giai đoạn cuối, nhiều nhà băng lớn sẽ bị kéo lùi khi phải “ôm vào” ngân hàng yếu.
Thông tin DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chức vụ với hai lãnh đạo cấp cao của nhà băng này không chỉ tác động đến giá cổ phiếu DAB và cổ phiếu ngân hàng nói chung, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến cổ phiếu của PNJ, một trong những cổ đông lớn của DongA Bank.
Cổ phiếu PNJ đã mất giá 15%, cho dù lãnh đạo Công ty tuyên bố đã trích lập dự phòng một phần với khoản đầu tư này và có phương án khi DongA Bank rơi vào tình trạng xấu nhất là phải bán với giá 0 đồng, khiến PNJ mất khoản vốn trên. Lãnh đạo PNJ phải thẳng thắn thừa nhận, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng một thời được mệnh danh là “cổ phiếu vua” quá rủi ro.
Giữa tháng 7 vừa qua, không ít nhà đầu tư tranh thủ gom cổ phiếu EIB để đón đầu thông tin sáp nhập giữa NamA Bank và Eximbank, khi NamA Bank tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 15/7 miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Quốc Toàn. Điều này khiến nhiều người liên tưởng NamA Bank chuẩn bị cho việc tiếp nhận ghế “nóng” tại Eximbank.
Thế nhưng, ĐHCĐ Eximbank diễn ra trong ngày 21/7 vừa qua đã không bàn đến nhân sự cấp cao, cùng với đó là lãnh đạo Vietcombank trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư tại HOSE đã phủ nhận thông tin chuyển nhượng 8,2% cổ phần tại Eximbank cho người cũ của NamA Bank.
Hay câu chuyện sáp nhập SouthernBank vào Sacombank sẽ tạo gánh nặng nợ xấu cho Sacombank một lần nữa lại được giới đầu tư nêu ra. Sacombank cũng đã dự kiến cho kịch bản nợ xấu sau 3 năm đầu sáp nhập thêm SouthernBank giảm từ 2/3 đến một nửa so với trước khi “gánh” thêm khoản nợ xấu hơn 4.000 tỷ đồng của SouthernBank.
Theo phân tích của CTCK Maybank KimEng, khá nhiều thông tin tiêu cực về hoạt động tại các ngân hàng dồn dập xuất hiện trong thời qua.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa tài chính – ngân hàng, Trường đại học Mở TP. HCM cho rằng, lý do chính khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa sôi động chủ yếu nằm ở các vấn đề nội tại của ngành.
Tính đến cuối tháng 6/2015, 13 ngân hàng (BIDV, VCB, VietinBank, STB, VIB, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, MB, PGBank, EIB...) có tới 23.850 tỷ đồng nợ xấu có khả năng mất vốn, chiếm đến 50,6% tổng số nợ xấu. Điều này khiến giới đầu tư quan ngại việc rót vốn vào các cổ phiếu ngân hàng, kể cả cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết.
Theo CTCK Bản Việt (VCSC), quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng về cơ bản đang chậm đi bởi tâm lý hoài nghi của thị trường. Phần lớn các nhà môi giới tại Việt Nam vẫn đánh giá thấp các cổ phiếu ngân hàng, do nguồn tham khảo chính của họ là số liệu toàn hệ thống của NHNN, thay vì các phân tích tài chính. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên quan tâm hơn về tình trạng các cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết, bởi nhìn chung không còn rủi ro hệ thống ngành.
Với mục tiêu đến năm 2016, cả nước có 15-20 ngân hàng mạnh và xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, rõ ràng, các ngân hàng sẽ có sự phân hóa đáng kể nên việc chọn cổ phiếu ngân hàng để rót vốn phải căn cứ trên bình diện rộng này.
Nhận định được một số chuyên gia đưa ra, cổ phiếu ngân hàng còn đối mặt với đợt giảm mạnh trong thời gian tới trước áp lực các TCTD phải thoái vốn theo lộ trình tại Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Điều 20 của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định NHTM chỉ được nắm giữ vốn tại không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác và phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực. Trong khi đó, nhiều TCTD đang có tỷ lệ sở hữu tại các TCTD khác vượt quá quy định này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại vị thế trong năm 2016 khi quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đạt được các bước tiến cần thiết và ngành ngân hàng “dọn sạch” nợ xấu.