Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 21/4.
CTCK Bảo Việt – BVSC
VN-Index giảm điểm trở lại và đóng cửa bên dưới đường SMA50. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng 2 phiên tăng điểm vừa qua chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật. Rủi ro chỉ số tiếp tục sụt giảm xuống các mức hỗ trợ sâu hơn có thể sẽ xảy ra trong ngắn hạn.
Thanh khoản tiếp tục sụt giảm so với phiên trước đó. Đường trung bình động khối lượng 10 phiên đang có xu hướng đi xuống cho thấy hiện tượng dòng tiền đang có dấu hiệu bị rút ra khỏi thị trường. Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phải chịu áp lực bán mạnh, thì dòng tiền đầu cơ lại hoạt động khá tích cực, giúp các cổ phiếu đầu cơ tăng điểm.
Sau khi để mất mốc 720-722 điểm, VN-Index đang phải đối mặt với nguy cơ hình thành xu hướng giảm điểm ngắn hạn. Vì vậy, không loại bỏ khả năng nhịp tăng điểm này của chỉ số có thể là hiện tượng “bulltrap”.
Nếu VN-Index tiếp tục suy giảm và xuyên thủng ngưỡng 705 điểm trong một vài phiên kế tiếp, có thể xem đây là tín hiệu xác nhận cho sự hình thành xu hướng giảm ngắn hạn của chỉ số.
Trong kịch bản này, VN-Index có thể sẽ lùi về ngưỡng Fibonacci 38,2% tương ứng với vùng hỗ trợ mạnh 695-700 điểm. Diễn biến có phần tiêu cực của các chỉ báo kỹ thuật (ADX, MACD, RSI...), cùng với áp lực từ nhóm MA ngắn hạn đang ủng hộ cho khả năng giảm điểm của chỉ số.
Mặc dù vậy, vẫn để ngỏ khả năng đường giá sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự quanh 720 điểm một lần nữa, khi các chỉ báo dao động (W%R, STO...) vẫn đang trong xu hướng đi lên từ vùng quá bán.
Vùng kháng cự gần của VN-Index nằm tại quanh 715-720 điểm. Đây được xem là điểm bán cho các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại quanh 715 điểm và 695-700 điểm.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS
CTCK FPT – FPTS
Thất bại trong nỗ lực tiếp cận mốc 720 điểm, VN-Index đảo chiều giảm trở lại trong phiên 20/4. Với diễn biến này, nhận định về nhịp hồi kỹ thuật được khẳng định và nguy cơ giảm giá đã quay lại đối với diễn biến ngắn hạn của sàn HOSE.
Trên đồ thị, thanh khoản khớp lệnh duy trì xu thế giảm dần hàm ý về nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn và hạn chế giao dịch. Trong khi đó, thân nến giảm ngày 20/4 của VN-Index có dạng bearish marubozu, thể hiện bên bán hoàn toàn áp đảo bên mua.
Như vậy, có thể nhận định rằng, cầu đang rất yếu, trong khi một bộ phận nhà đầu tư đã kích hoạt lệnh bán theo chiều biến động tiêu cực của một số cổ phiếu trụ cột. Rõ ràng, sự kết hợp giữa tâm lý yếu và khả năng mốc 710 điểm sẽ tiếp tục bị thử thách là tín hiệu không thực sự lạc quan cho kỳ vọng VN-Index sớm ổn định xu hướng ngắn hạn.
Về chỉ báo, đường MACD tiếp tục mở rộng phân kỳ âm và lùi về sát với đường zero. Nếu VN-Index tiếp tục giảm điểm trong phiên 21/4, thì việc MACD mang giá trị âm sẽ là tín hiệu tăng cường đối với kịch bản bi quan của xu hướng giá xuống.
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
VN-Index điều chỉnh trở lại sau 2 phiên hồi phục trước đó. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn chuyển từ trung tính xuống tiêu cực, với vùng kháng cự trong khoảng 715-721 điểm (MA5-10). Tín hiệu kỹ thuật trong trung hạn chuyển từ tích cực về trung tính, với kháng cự tại 716 điểm (MA50).
Về xu hướng dài hạn, VN-Index tiếp tục duy trì trong thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ gần nhất tại 695 điểm (MA100). Dự báo phiên 21/4, VN-Index sẽ vẫn điều chỉnh để test lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 710 điểm và vùng kháng cự trong khoảng 715-721 điểm.
HNX-Index giảm điểm phiên thứ 2 liên tiếp, với mức giảm khá mạnh. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn duy trì trung tính, với vùng kháng cự trong khoảng 88,9-89,6 điểm (MA5-10). Tín hiệu kỹ thuật trong trung hạn duy trì tích cực, với hỗ trợ và kháng cự lần lượt tại 88,3 điểm (MA50) và 90,2 điểm (MA20).
Về xu hướng dài hạn, HNX-Index tiếp tục trong thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ gần nhất tại 84,9 điểm (MA100). Dự báo phiên 21/4, HNX-Index sẽ tiếp tục giảm điểm để kiểm tra lại hỗ trợ tại 88,3 điểm và kháng cự trong khoảng 88,9-89,6 điểm.