Góc nhìn kỹ thuật phiên 21/2: Lưu ý rủi ro đảo chiều

(ĐTCK)  Rủi ro đảo chiều giảm điểm của chỉ số khi tiếp cận vùng cản trên là khá cao và cần phải được tính đến, bởi một số chỉ báo có độ nhạy cao trong hệ thống đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đảo chiều, hoặc có nguy cơ tạo phân kỳ với đường giá.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 21/2.  

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index cho phản ứng hồi phục khi tiếp cận vùng hỗ trợ 702-706 điểm, qua đó giúp chỉ số tiếp tục quá trình tiến đến thử thách vùng kháng cự mạnh 715-720 điểm một lần nữa. Thanh khoản được duy trì ở mức cao, giúp đường khối lượng trung bình 10 phiên gần nhất tiếp tục đi lên.

Diễn biến này cho thấy, dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường với sự lạc quan về xu hướng trong ngắn hạn. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng điểm. Dòng tiền có dấu hiệu chuyển hướng sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi nhóm cổ phiếu bluechips bước vào giai đoạn phân hóa.

Với sự hỗ trợ từ nhóm MA ngắn hạn đang hướng lên, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm trong một vài phiên kế tiếp. Vùng kháng cự quanh 720 điểm (tương ứng với cận trên của dải BB) sẽ là thử thách khá lớn đối với đường giá ở thời điểm hiện tại. Chỉ số cần phải bứt phá qua vùng cản này nếu muốn xác lập một xu hướng tăng mới, với đích đến là các mốc điểm cao hơn trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, lưu ý rằng, rủi ro đảo chiều giảm điểm của chỉ số khi tiếp cận vùng cản trên là khá cao và cần phải được tính đến, bởi một số chỉ báo có độ nhạy cao trong hệ thống đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đảo chiều, hoặc có nguy cơ tạo phân kỳ với đường giá.

Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể tiếp tục mua lại một phần tỷ trọng danh mục ngắn hạn đã hiện thực hóa lợi nhuận trước đó, hoặc mở các vị thể mua mới với tỷ trọng thấp tùy theo điểm mua của từng mã riêng lẽ. Điểm bán giảm tỷ trọng về mức thấp cho các vị thế ngắn hạn dự kiến nằm tại vùng kháng cự 720-725 điểm đối với VN-Index.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index có sự hồi phục lên sắc xanh khá ấn tượng trong phiên. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn chuyển từ trung tính lên tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 706-709 điểm (MA5-10) và kháng cự gần nhất tại 717 điểm (đỉnh phiên 16/2). Tín hiệu kỹ thuật trong trung hạn duy trì tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 699 điểm (MA20).

Về xu hướng dài hạn, VN-Index duy trì thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ tại 679 điểm (MA100). Dự báo phiên 21/1, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục tăng điểm, với kháng cự tại 717 điểm và vùng hỗ trợ trong khoảng 706-709 điểm.

HNX-Index có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn chuyển từ trung tính lên tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 85,9-86,1 điểm (MA5-10) và kháng cự gần nhất tại 86,7 điểm (đỉnh phiên 15/2). Tín hiệu kỹ thuật trong trung hạn duy trì tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 84,9 điểm (MA20).

Về xu hướng dài hạn, HNX-Index tiếp tục thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ tại 83 điểm (MA200). Dự báo phiên 21/2, HNX-Index nhiều khả năng tăng điểm với kháng cự tại 86,7 điểm và vùng hỗ trợ trong khoảng 85,9-86,1 điểm.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK FPT – FPTS

Chốt phiên 20/2, VN-Index đảo chiều hồi phục. Theo diễn biến trên đồ thị intraday, vai trò hỗ trợ của khu vực 700-704 điểm đã được khẳng định và đồ thị đang dẫn chiếu đến khả năng tiếp diễn xu hướng tăng dò tìm các điểm cao mới.

Cụ thể, thân nến tăng của VN-Index tạo thành hình mẫu nến Bullish engufing là tín hiệu tích cực giúp củng cố nền tảng giá cao mới tạo lập trong tuần trước. Phiên tăng điểm này đi kèm với sự cải thiện của thanh khoản hàm ý về lực cầu đã được tái kích hoạt sau 2 phiên hiệu chỉnh. Mốc mục tiêu 730 điểm của VN-Index theo đó vẫn được giữ nguyên, bởi một trong những điều kiện xu hướng quan trọng là thanh khoản tăng dần theo chiều giá lên đã được đáp ứng.

Về chỉ báo, đường MA 20 vẫn đang giữ vai trò định hướng cho biến động ngắn hạn của VN-Index. Do chỉ số bảo lưu được khoảng dao động phía trên đường trung bình này, nên nhà đầu tư chưa cần quá lo ngại đến rủi ro giảm giá. Tuy nhiên, vẫn cần phải theo dõi chặt biến động của nhóm chỉ báo xu hướng gồm MACD, +/-DI do các chỉ báo này đang có dấu hiệu hội tụ.

Trong tuần này, xác suất tăng điểm sẽ được đánh giá cao hơn, thay vì nhịp đi ngang tích lũy . Vùng kháng cự gần nhất của VN-Index đang được xác định tại 715 -720 điểm.

CTCK  KIS Việt Nam – KIS

VN-Index ghi nhận phiên rung lắc mạnh khi giảm điểm và kiểm định lại vùng hỗ trợ 705 trong phiên sáng do áp lực bán tại hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, VCB, BID, CTG…, trước khi đảo chiều và tiến sát vùng cản 715-717 (đỉnh ngắn hạn) về cuối phiên. Trong khi đó, HNX-Index hình thành cây nến tăng mạnh thứ 2 cho thấy, lực cầu bắt đáy được duy trì tốt.

Hệ thống chỉ báo xu hướng và dòng tiền tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực. Chỉ báo MFI (14) liên tục bức phá tạo đỉnh mới và duy trì ở vùng quá mua. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục cải thiện khi dòng tiền tiếp tục lan tỏa mạnh hơn sang các mã vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt nhóm xây dựng, bất động sản và dầu khí.

Nhìn chung, rủi ro thị trường vẫn ở mức thấp, VN-Index và HNX-Index có thể lần lượt chinh phục các mục tiêu ngắn hạn 715-717 điểm và 87,5-88 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng các nhóm ngành được khuyến nghị. Tuy nhiên, không khuyến khích mua đuổi khi thị trường tăng mạnh.

CTCK Phú Hưng - PHS

VN-Index có phiên phục hồi trở lại. Khối lượng duy trì trên bình quân 10 và 20 phiên cho thấy, dòng tiền gia nhập thị trường vẫn khá tích cực. Không những vậy, chỉ số tiếp tục đóng cửa trên hầu hết các đường MA quan trọng từ MA 5 tới MA 200 cho thấy, xu hướng tăng điểm đang tiếp diễn, đợt điều chỉnh vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Thêm vào đó, các chỉ báo kỹ thuật khác như MACD và RSI tiếp tục đi lên củng cố tín hiệu mua trước đó, chỉ số có thể tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự 715 điểm (Fib 38.2).

HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên phục hồi thứ hai liên tiếp lên đóng cửa trên ngưỡng 86 điểm (đỉnh cũ tháng 10/2016), kèm theo khối lượng duy trì tích cực trên bình quân 10 và 20 phiên cho thấy, xu hướng phục hồi đang khá tích cực, ngưỡng kháng cự tiếp theo có thể là ngưỡng 88 điểm.

Nhìn chung, phiên phục hồi ngày 20/2 đang cho thấy xu hướng phục hồi trong ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn, thị trường có thể tiến lên thử thách các ngưỡng kháng cự cao hơn. Do đó, nhà đầu tư có thể gia tăng thêm một tỷ trọng nhỏ vào các cổ phiếu có tính dẫn dắt và có kỳ vọng kinh doanh năm 2017 khả quan.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục