Góc nhìn kỹ thuật phiên 13/1: không dễ lướt sóng

(ĐTCK) Tổng hợp các tín hiệu, VN-Index dự đoán có thể tiếp tục lập mức cao mới. Tuy nhiên, biến động giá trong tuần sẽ hẹp và khiến cho nhà đầu tư không dễ dàng có cơ hội lướt sóng như tuần giao dịch vừa qua.
Góc nhìn kỹ thuật phiên 13/1: không dễ lướt sóng

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 13/1.

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index
Góc nhìn kỹ thuật phiên 13/1: không dễ lướt sóng ảnh 1  
Nguồn: VCBS

CTCK FPT - FPTS

"VNIndex điều chỉnh về vùng dưới 515 điểm"

Sau một loạt phiên tăng điểm rất tích cực, dấu hiệu điều chỉnh đã xuất hiện sau phiên ngày 10/1. Đường giá bị kéo trở lại sau khi VN-Index vọt tăng lên vùng 520 – 525 điểm.

Các chỉ báo kỹ thuật hầu hết đều bật tăng lên vùng giá trị cao sau đợt tăng vừa qua. SO, MACD đồng thời cho tín hiệu mua vào mạnh mẽ.

Tuy nhiên đường giá đang duy trì phía trên dải Bollinger Band cho thấy khả năng VN-Index sẽ điều chỉnh lùi về vùng giá 515 điểm trong các phiên tới.

Sau phiên ngày 10/1, HNX-Index đã điều chỉnh giảm nhẹ sau chuỗi tăng điểm liên tiếp vừa qua. Các chỉ báo nhanh SO kết hợp với RSI cho tín hiệu giảm nhẹ sau khi tăng lên vùng quá mua.

Xét các tín hiệu trung – dài hạn vẫn đang tỏ ra khá lạc quan thì xu thế tăng điểm sẽ được tiếp diễn trong thời gian tới. Hiện tại vùng giá 68,5 – 70 điểm đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự mạnh là 73 điểm.

CTCK MB - MBS

"HN-Index chưa có nhịp điều chỉnh là một yếu tố rủi ro"

10/1, VN-Index đi lên trong buổi sáng nhưng giảm xuống vào buổi chiều, và kết thúc phiên tăng điểm. Chỉ số hình thành một nến trắng. Khối lượng giao dịch đạt mức trung bình khá.

Ngắn hạn, VN-Index vừa xuyên qua vùng kháng cự 500-510 đã cản chỉ số lại trong vòng 3 tháng kể từ tháng 10 đến tháng 12/2013.

Trung hạn, VN-Index vừa xuyên qua vùng kháng cự có nhiều hoạt động 500 - 510. Chỉ số đã từng 3 lần không thể xuyên qua vùng điểm này và tạo đỉnh vào tháng 4, tháng 7 và tháng 8/2013.

HNX-Index giao dịch quanh tham chiếu trong phiên và kết thúc phiên giảm điểm. Chỉ số hình thành một nến đỏ. Khối lượng giao dịch đạt mức trung bình.

Ngắn hạn, HN-Index đã tạo một kênh tăng điểm mạnh kể từ giữa tháng 9. Đà tăng mạnh cũng như chỉ số vẫn chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào là một yếu tố rủi ro tương đối. Chỉ số RSI đang nằm trong vùng quá bán.

Trung hạn, sau khi đi lên từ vùng điểm 58 – 59, HNX-Index đã thoát ra khỏi kênh giảm điểm bắt đầu từ tháng 6. Chỉ số đã vượt qua ngưỡng kháng cự 65-66, là đỉnh cũ vào tháng 2/2013 và tháng 6/2013.

Phiên 10/1 diễn biến trái chiều khi VN-Index tăng điểm còn HN-Index giảm điểm, thanh khoản ở mức trung bình khá. Phiên này cũng cho thấy có sự dịch chuyển dòng vốn khi các cổ phiếu penny và midcap không còn tăng điểm. Mặc dù đa phần các cổ phiếu bluechip chỉ dao động nhẹ, mức tăng khá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VNM, MSN đã kéo thị trường đi lên. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này vẫn chưa thực sự rõ ràng, cần tiếp tục theo dõi thêm.

CTCK SÀI GÒN HÀ NỘI - SHS

"Ưu tiên nhóm xuất khẩu, xây dựng hạ tầng, bất động sản..."

Chỉ số VN-Index đa tăng điểm liên tiếp trong cả tuần, phản ứng với ngưỡng hỗ trợ đường biên dưới của kênh tăng giá hẹp thiết lập từ tháng 10/2013. VN-Index đã vượt quá mốc đỉnh 513-515 điểm, mức cao nhất của xu hướng tăng thiết lập từ tháng 9/2013.

Thị trường giảm đà tăng vào cuối tuần, khi chỉ số Index tiến đến đường biên trên của kênh tăng giá, cũng như dao động ra ngoài dải Bollinger Bands.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn duy trì mức tăng điểm giúp chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tăng điểm, còn lại đa số cổ phiếu giảm điểm khá so với mức cao nhất.

Chỉ số HNX-Index ghi nhận tuần tăng điểm thứ 13 liên tiếp, mức độ tăng mạnh hơn đáng kể so với tuần trước. Thị trường diễn biến sát với chỉ báo kỹ thuật, dao động trong kênh tăng giá thiết lập từ tháng 9/2013 đến nay.

Chỉ số HNX-Index tăng điểm mạnh đầu tuần, giảm điểm phiên cuối tuần, khi chỉ số HNX-Index tăng quá đường biên trên của kênh tăng giá.

Áp lực chốt lời giá cao khá mạnh. Điểm tích cực là dòng tiền vào thị trường tiếp tục cải thiện, diễn biến cùng chiều với xu hướng tăng của chỉ số Index.

Khối lượng giao dịch tăng khá mạnh so với tuần trước, diễn biến cùng chiều với đà tăng của chỉ số giá.

Thị trường dự báo điều chỉnh giảm điểm vào đầu tuần giao dịch tới, trước khi tiếp tục tăng điểm trở lại.

Ngưỡng hỗ trợ của thị trường là khoảng 516-517 điểm đối với VN-Index, lấp đầy khoảng trống đã thiết lập trong phiên tăng điểm cuối tuần; và khoảng 70 điểm đối với HNX-Index, kiểm định lại kênh tăng giá.

Xu hướng tăng điểm ngắn hạn vẫn đang duy trì với ngưỡng cản kỹ thuật cần quan tâm đối với VN-Index là khoảng 530 điểm, HNX-Index là khoảng 73-74 điểm.

Nhà đầu tư có thể tận dụng giai đoạn thị trường điều chỉnh để tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên nhóm cổ phiếu thuộc ngành nghề dự kiến triển vọng trong năm 2014, được dòng tiền quan tâm như xuất khẩu, xây dựng hạ tầng, bất động sản...

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index
Góc nhìn kỹ thuật phiên 13/1: không dễ lướt sóng ảnh 2
Nguồn: VCBS

CTCK BẢO VIỆT - BVSC

"Không nên lạc quan thái quá về xu hướng của VN-Index"

VN-Index có một tuần giao dịch bứt phá mạnh trên cả 3 góc độ giá, thanh khoản và độ rộng thị trường. Chỉ số vượt vùng kháng cự 515, tương ứng với mức giá cao nhất trong 6 tháng và đóng cửa gần mức giá cao nhất tuần.

Biến động tích cực của giá kéo %B vượt đỉnh cũ và hướng tới ngưỡng “1”, hàm ý giao cắt giữa VN-Index và cận trên dải Bollinger.

Như vậy, một chỉ báo mô-men đã cho hàm ý rằng VN-Index có thể tiếp tục tăng giá trong tuần giao dịch kế tiếp. Thanh khoản của tuần giao dịch không quá tích cực vì chưa vượt qua mức trung bình của giai đoạn đầu tháng 12/2013.

Chỉ báo MFI trên đồ thị tuần gần như đứng yên, cảnh báo rằng dòng tiền tích cực vẫn chưa chiếm ưu thế và nhà đầu tư không nên lạc quan thái quá về xu hướng của VN-Index.

Độ rộng tăng giá là một điểm sáng của tuần giao dịch thứ 2 của tháng 1/2014.

Chỉ số Advance/Decline bứt phá, hàm ý rằng vẫn còn nhiều ẩn số có thể là lực đỡ hoặc là động lực tăng điểm của VN-Index trong tuần giao dịch tới.

Tổng hợp các tín hiệu, chúng tôi dự đoán VN-Index có thể tiếp tục lập mức cao mới. Tuy nhiên, biến động giá trong tuần sẽ hẹp và khiến cho nhà đầu tư không dễ dàng có cơ hội lướt sóng như tuần giao dịch vừa qua.

CTCK SÀI GÒN – SSI

"Chỉ mua ở vùng giá thấp trong phiên và tránh mua đuổi theo vùng giá quá cao"

Tăng điểm lên vùng kháng cự ngắn hạn 520-525 điểm với mốc cao nhất là 523,06 điểm và bên bán chốt lời ngắn hạn ở một số mã tăng mạnh gia tăng ở vùng này khiến chỉ số lùi lại nhưng vẫn đóng cửa cao hơn mở cửa.

Cây nến ngày tạo khoảng trống với cây nến trước đó, cho thấy cầu giá cao tăng mạnh trong phiên, nhưng lượng bán ở vùng giá cao cũng xuất hiện.

Khối lượng giao dịch ở mức gần 92,71 triệu đơn vị, tăng nhẹ 4,22% so với phiên trước.

Vượt qua mốc kháng cự 515 điểm của đỉnh ngắn hạn đồng nghĩa với việc chỉ số có thể tiếp tục vận động ziczac theo chiều hướng tích cực lên biên trên của kênh giá ở quanh vùng 520-525 điểm.

Phiên kế tiếp chỉ số có thể sẽ giằng co trong phiên bù lại một phần khoảng trống đang tạo ra.

Chúng tôi vẫn giữ quan điểm chỉ mua ở vùng giá thấp trong phiên và tránh mua đuổi theo vùng giá quá cao. Có thể xem xét cơ cấu lại danh mục và chuyển sang các mã tiềm năng mới bứt phá nền giá tích lũy bên sàn này.

CTCK Maybank KimEng - MBKE

" Mẫu hình sao băng tiêu biểu, hàm ý rằng thị trường có thể chậm lại trong một vài phiên tới"

Mặc dù VN-Index đạt mức cao nhất trong ngày tại 523, chỉ số đóng cửa tại 519 điểm, gần như tương đương với mức mở cửa. Đây là mẫu hình sao băng tiêu biểu, hàm ý rằng thị trường có thể chậm lại trong một vài phiên tới.

Hỗ trợ ở mức 499 điểm. Kháng cự ở 533 điểm.

Khối lượng khớp lệnh ở mức tốt đạt 93 triệu cổ phiếu, cao hơn so với mức giao dịch trung bình trong 50 ngày đạt 81 triệu cổ phiếu. Điều này cho thấy dòng tiền đang vào mạnh thị trường giai đoạn sát tết âm lịch.

Chỉ báo kỹ thuật giảm nhẹ. Đường xu hướng của chỉ báo này đã bị xâm phạm, cho thấy tâm lý chung của các nhà đầu tư đang tích cực hơn.

Chúng tôi thấy có nhiều tín hiệu đồng thuận về việc VN-Index trở lại xu hướng tăng. Chỉ số vượt kháng cự ở 513 điểm trong khi khối lượng giao dịch và chỉ báo kỹ thuật đưa tín hiệu tốt.

Các nhà đầu tư có thể giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức cao để tận dụng chiều hướng tăng giá.

Nếu muốn gia tăng tỷ trọng, tốt nhất là họ nên chờ phiên điều chỉnh, sau khi VN-Index có phiên tăng thứ sáu liên tục. Tỷ trọng đề xuất 40/60 (tiền mặt/cổ phiếu).

HNX-Index giảm phiên đầu tiên sau 7 phiên liên tục tăng giá. Xu hướng của HNX-Index tiếp tục là tăng với các mức đỉnh và đáy sau cao hơn.

Kháng cự tiếp theo tại 76,8 điểm. Hỗ trợ đặt tại 66,7 điểm.

Thanh khoản vừa phải. Khối lượng giao dịch đạt 52 triệu cổ phiếu, ngang với mức trung bình giao dịch trong 50 ngày. Nhìn chung, khối lượng giao dịch đã cải thiện đáng kể sau giai đoạn trầm lắng trong kỳ nghỉ lễ dương lịch.

Chỉ báo kỹ thuật tốt. Chỉ báo KE Sentiment Index vươn lên mức cao mới, điều này cho thấy rằng tâm lý thị trường đang cải thiện. Tuy nhiên, mức hiện tại vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trong tháng 11/2013.

Xu hướng của HNX-Index là tăng giá với thanh khoản tốt và chỉ báo kỹ thuật cải thiện. Điều này làm cho tín hiệu phân kỳ tiêu cực đang mờ dần.

Các nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ trong danh mục khi thị trường gia tăng trở lại sau nhịp điều chỉnh. Tỷ trọng đề xuất 50/50 (tiền mặt/cổ phiếu).

Nguyễn Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục