Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 11/1.
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên, nên tín hiệu ngắn hạn vẫn được giữ ở mức tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 672-679 điểm (MA5-10) và kháng cự gần nhất tại 685 điểm (đỉnh phiên 9/1). Tín hiệu trung hạn tiếp tục là tích cực, với hỗ trợ tại 669 điểm (MA20-50).
Xu hướng dài hạn của VN-Index tiếp tục được duy trì ở mức tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 671 điểm (MA100). Với diễn biến điều chỉnh trong phiên 10/1, VN-Index sẽ tiếp tục dao động tích lũy trong vùng 679-685 điểm trong phiên 11/1, cần một sự bứt phá ra khỏi vùng này để thay đổi tín hiệu của chỉ số.
HNX-Index tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp, nên tín hiệu ngắn hạn được duy trì tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 82,1 điểm (MA5) và kháng cự tại 83,4 điểm (đỉnh phiên 31/10). Tín hiệu trung hạn tiếp tục là tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 80,1-80,5 điểm (MA20-50).
Xu hướng dài hạn của HNX-Index tiếp tục được duy trì tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 82,2-82,4 điểm (MA100-200). Dự đoán, HNX-Index sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên 11/1 để hướng đến kháng cự gần nhất tại 83,4 điểm, nếu điều chỉnh xảy ra thì vùng hỗ trợ gần nhất tại 82,2-82,4 điểm.
CTCK KIS Việt Nam – KIS
VN-Index điều chỉnh nhẹ, nhưng vẫn trụ vững được trên vùng hỗ trợ 665-670 điểm. Mẫu hình nến cảnh báo khả năng đảo chiều giảm Harami xuất hiện, nhưng chưa đáng lo ngại do cần có diễn biến xác nhận thêm. Hệ thống chỉ báo xu hướng hạn duy trì xu hướng tăng trên VN-Index với ngưỡng hỗ trợ tại 665-670 điểm.
Ngoài ra, nhóm chỉ báo xác nhận xu hướng và dòng tiền trên 2 chỉ số vẫn đang duy trì tín hiệu trung tín, cụ thể chỉ báo Chaikin và MFI (14) chưa cho tín hiệu tích cực về dòng tiền ngắn hạn.
Theo đó, VN-Index vẫn duy trì khả năng tiếp tục tăng lại mức đỉnh cũ 685-690 điểm được xác lập vào giữa tháng 9/2016 trong các phiên giao dịch sắp tới. Ngoài ra, khối lượng giao dịch duy trì tích cực trong các phiên giao dịch gần đây đã củng cố thêm cho khả năng vượt qua kháng cự trên của VN-Index và hướng đến mức 700-705 điểm.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS
CTCK FPT – FPTS
Quan sát diễn biến có thể thấy, tâm lý lạc quan vẫn xuất hiện trong phiên sáng 10/1, với việc VN-Index ghi nhận mức cao tại 683,02 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đầu thận trọng hơn với các mức giá cao trong phiên chiều, sức cầu không được bổ sung khiến VN-Index giảm dần về cuối phiên.
Theo diễn biến này, thân nến giảm của VN-Index là dấu hiệu đặc trưng thường thấy khi thị trường bắt đầu phân hóa và tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh. Điểm tích cực là thanh khoản khớp lệnh tiếp tục sụt giảm về mức thấp, hỗ trợ cho sự suy yếu của xu hướng.
Nhóm chỉ báo xu hướng gồm MACD, +/-DI vẫn duy trì trạng thái ủng hộ cho xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, do chỉ số đã có 6 phiên tăng liên tiếp và vượt ra ngoài bollinger bands, nên sẽ không quá bất ngờ nếu diễn biến tiếp theo là nhịp hiệu chỉnh hoặc đi ngang với tần suất nhiều hơn của những rung lắc mạnh trong phiên đến từ áp lực chốt lời ngắn hạn.
Kịch bản này cũng phù hợp với trạng thái đảo chiều lao dốc trên ngưỡng “quá mua” của các chỉ báo nhạy với biến động ngắn hạn như Stochastics Oscillator, Wm %R…
Với bối cảnh hiện tại của thị trường, phiên điều chỉnh sẽ là cần thiết để giúp hấp thụ bớt lượng cung chốt lời, cũng như củng cố lại xu hướng, trước khi VN-Index có thể tiếp cận mốc kháng cự tâm lý tại 690 điểm. Ngưỡng hỗ trợ giúp bảo lưu xu hướng tăng giá sẽ là khu vực 670-680 điểm.
CTCK Phú Hưng - PHS
VN-Index có phiên giảm điểm trở lại sau chuỗi tăng điểm mạnh trước đó. Khối lượng giao dịch ở dưới mức bình quân 10 và 20 phiên cho thấy, áp lực điều chỉnh là không lớn.
Không những vậy, chỉ số vẫn duy trì đóng cửa trên hầu hết các đường MA quan trọng từ MA 5 và 20 cho thấy, xu hướng phục hồi ngắn hạn vẫn đang được duy trì, phiên giảm điểm có thể chỉ mang tích kỹ thuật.
Thêm vào đó, khi quan sát kỹ các chỉ báo kỹ thuật khác như RSI và MACD tiếp tục cho tín hiệu đi lên tích cực, hàm ý củng cố tín hiệu mua trước đó, chỉ số có thể sớm quay trở lại thử thách ngưỡng kháng cự 690 điểm (đỉnh cũ tháng 10/2016).
HNX-Index có diễn biến trái chiều và có phần tích cực hơn. Chỉ số tiếp tục đi lên đóng cửa trên ngưỡng 82,9 điểm (Fib 61.8), kèm khối lượng giao dịch gia tăng tích cực hàm ý động lực phục hồi của HNX-Index có thể còn tiếp diễn, chỉ số có khả năng tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự tiếp theo là vùng 84,3 điểm (Fib 78.6).
Nhìn chung, xu hướng chính của thị trường vẫn là phục hồi, phiên điều chỉnh 10/1 có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh kỹ thuật này để tái cơ cấu lại danh mục vào các cổ phiếu có tính dẫn dắt và được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý IV/2016 khả quan.