“Uống thuốc” gấp đôi “ăn kẹo”
Người Việt Nam chi cho dược phẩm nhiều hơn gấp đôi so với số tiền bỏ ra để mua bánh kẹo. CTCK VPBank (VPBS) dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho biết, tổng giá trị thuốc tiêu thụ tại Việt Nam năm 2013 ước đạt 2.775 triệu USD, tương đương khoảng 55.500 tỷ đồng. Con số này theo ước tính của tổ chức nghiên cứu thị trường Anh Quốc Business Monitor International (BMI) thậm chí lên đến 69.297 tỷ đồng trong năm 2013 và dự báo tiếp tục tăng lên 80.680 tỷ đồng trong năm nay.
Trong khi đó, cũng theo số liệu của BMI được CTCK FPT (FPTS) dẫn nguồn, quy mô thị trường bánh kẹo Việt Nam năm 2013 đạt hơn 26.100 tỷ đồng. Như vậy, ngay cả khi so với con số chi tiêu cho dược phẩm theo ước tính của Bộ Y tế, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn lớn hơn gấp đôi thị trường bánh kẹo.
Theo VPBS, ngành dược Việt Nam đang hội tụ nhiều tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng dân số ổn định, sự nhận thức về sức khoẻ của tầng lớp trung lưu và khả năng tiếp cận thuốc ngày càng được cải thiện là những yếu tố giúp ngành dược Việt Nam giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Nhu cầu dược phẩm hầu như không chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành dược đang phát triển (pharmerging countries). Theo ước tính của Bộ Y tế, doanh thu thị trường dược phẩm Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua. Còn BMI ước con số này là 17,1% giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017.
Với ngành bánh kẹo, tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều. Số liệu ước tính mức tăng trưởng của ngành bánh kẹo giai đoạn 2010 - 2014 khoảng 8 - 10%. VPBS trích số liệu của BMI dự báo thị trường bánh kẹo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm 2014 và 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2017 từ 10 - 11%.
(Đơn vị: Tỷ đồng; nguồn: BCTC Công ty mẹ quý II/2014)
Trong ngành bánh kẹo, 3 “đại gia” là Kinh Đô (KDC), Bibica (BBC) và Hải Hà (HHC) chiếm hơn 42% thị phần, các doanh nghiệp trong nước khác và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 40% thị phần, còn lại là hàng nhập khẩu. FPTS cũng dẫn số liệu của công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen cho biết, doanh nghiệp bánh kẹo nội địa đang chiếm 70 - 75% thị phần, còn lại 25 - 30% thuộc về sản phẩm nhập khẩu.
Trong khi đó, đối với ngành dược, theo số liệu của Bộ Y tế, thuốc sản xuất nội địa chỉ chiếm 47% và đến 53% còn lại phải nhập khẩu. Ở đây, 47% bao gồm cả thị phần của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Sanofi Aventis Việt Nam, OPV, Euvipharm, United Pharma, Thai Nakorn Patana…
Điểm chung của doanh nghiệp dược
Đến thời điểm hiện tại có 8 doanh nghiệp trong ngành công bố BCTC quý II/2014, là Dược Hậu Giang (DHG), Dược Đồng Tháp (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Dược Hà Tây (DHT), Dược Bến Tre (DBT), Dược Lâm Đồng (LDP) và Dược 2/9 (Nadyphar).
Có một điểm giống nhau rất dễ nhận ra khi đọc BCTC của các doanh nghiệp này, đó là công ty nào có doanh thu tăng thì giá vốn hàng bán cũng tăng và ngược lại, công ty nào có doanh thu giảm thì giá vốn hàng bán cũng giảm theo. Sự tương quan này nói lên điều gì?
Đó là hiện tượng “nước lên, thuyền lên”. Ngành công nghệ hoá dược Việt Nam chưa phát triển, phần lớn nguyên liệu sản xuất dược phẩm phải nhập từ nước ngoài, trong khi nguyên liệu chiếm một tỷ lệ đáng kể trong giá vốn. Bên cạnh đó, các công ty dược trong nước hiện nay ngoài bán sản phẩm do mình sản xuất ra, còn phân phối thuốc nhập khẩu. Do đó, khi bán được nhiều thuốc hơn, thì doanh thu tăng lên, nhưng giá vốn cũng đồng thời tăng lên và ngược lại.
Điểm thứ hai là doanh nghiệp dược ít khi bị lỗ. Quý II/2014, doanh thu thuần của công ty mẹ tổng hợp từ 8 doanh nghiệp trên tổng cộng là 2.323 tỷ đồng, tăng 9,14% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp này là 4.216 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 2,23%.
Về chỉ tiêu lợi nhuận, 8 doanh nghiệp dược này lãi trước thuế tổng cộng 364 tỷ đồng trong quý II/2014, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng đầu năm, lãi 605 tỷ đồng, tăng 6,25%.
(Đơn vị: Tỷ đồng; nguồn: BCTC Công ty mẹ quý II/2014)
Điều này cũng được thể hiện khi so sánh KDC và BBC với các công ty dược. Cả 2 công ty bánh kẹo này chưa công bố BCTC quý II/2014, nhưng KDC ước đạt 1.454 tỷ đồng doanh thu và 112 tỷ đồng lợi nhuận trong 5 tháng đầu năm, còn BBC ước đạt 431 tỷ đồng doanh thu và 23 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng (lưu ý, 6 tháng đầu năm không phải là mùa cao điểm của ngành bánh kẹo).