Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ tạo sóng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vừa chứng kiến phiên giao dịch khởi sắc của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong ngày cuối tuần 4/9. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia chứng khoán, nhóm cổ phiếu này chỉ phù hợp cho các hoạt động đầu tư trung hạn đón báo cáo tài chính quý III.
Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ tạo sóng?

Đà bán tháo trên Phố Wall gia tăng trong phiên sáng 3/9 khiến chỉ số chính Dow Jones có thời điểm ghi nhận giảm 800 điểm, điều này đã tác động tiêu cực tới thị trường trong nước ở phiên cuối tuần qua. Nhưng nhìn một cách tổng thể, thị trường trong nước đã có một tuần giao dịch không tồi khi chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 900 điểm và vẫn đang giữ được mốc này, đặc biệt thanh khoản vẫn đang duy trì khá tốt. Tuần tới, thị trường có tiếp tục duy trì được đà lạc quan để tiến đến cột mốc mới, hay sẽ giằng co quanh mốc 900 điểm, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Thị trường chinh phục mốc 900 điểm là một thành công và là điểm tựa để thị trường có cơ hội chinh phục mốc tiếp theo. Tuy nhiên, khi mà chúng ta tiếp cận đến mốc kháng cự mạnh thì TTCK thế giới bắt đầu rung lắc sau nhịp tăng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đuầ tư mà đặc biệt là dòng tiền từ khối ngoại.

Nhìn trên đồ thị của chỉ số VN-Index, qua một số chỉ số tôi cho rằng, có thể thị trường có rung lắc mạnh, không ngoại trừ điều chỉnh trước khi tăng trở lại. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với tất cả các cổ phiếu bởi nhịp điều chỉnh nếu có vẫn mang tính tích cực.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Xu hướng ngắn hạn của thị trường trong nước hiện nay vẫn được đánh giá là tích cực, đà bán tháo trên TTCK Mỹ không ảnh hưởng nhiều TTCK trong nước, trái lại còn kích thích dòng tiền tham gia hoạt động bắt đáy khi nhìn nhận đây là cơ hội từ việc thị trường điều chỉnh. Chính vì vậy khả năng để thị trường hướng đến các cột mốc mới trong thời gian tới là vẫn khả thi.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng chung của xu hướng chứng khoán toàn cầu, việc TTCK Mỹ điều chỉnh 2 phiên liên tiếp rất đáng lưu tâm. Nếu việc điều chỉnh chỉ diễn ra trong một vài phiên thì sẽ không phải là điều đáng lo ngại, nhưng trong kịch bản xu hướng giảm điểm kéo dài thì sẽ tác động lớn đến thị trường trong nước, do đó chúng ta cần theo dõi sát diễn biến các ngày tới đây.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ thị trường sẽ phản ứng theo diễn biến trên sàn Mỹ. Phiên thứ Sáu vừa rồi có diễn biến sáng giảm chiều hồi, cho thấy tâm lý đánh cược của nhà đầu tư, rằng phiên mất 800 điểm trên sàn Mỹ chỉ là nhất thời, là 1 phiên chốt lời. Quá lắm thì điều chỉnh 1 chút.

Như vậy, với đà tăng "đã được xác nhận" của VN-Index từ cuối tháng 7 cho đến hết tháng 8 (VN-Index bứt lên khỏi kênh giá xuống vào khoảng cuối tháng 8, coi như xác nhận 1 đợt tăng mới), tôi nghĩ tâm lý nhà đầu tư Việt Nam vẫn đang tích cực. Đó còn chưa nói đến yếu tố vắc xin sắp bán trong khoảng 2 tháng tới.

Tuy nhiên nếu chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục điều chỉnh mạnh trong tuần tới, tôi nghĩ tâm lý nhà đầu tư Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, VN-Index có thể điều chỉnh theo.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)

Theo một số nguồn thạo tin, Tập đoàn Softbank (Nhật Bản) đã tiến hành mua quyền chọn mua (call options) các cổ phiếu công nghệ trên thị trường Mỹ với số lượng khổng lồ, trị giá khoảng 100 tỷ USD.

Ông Đào Tuấn Trung

Ông Đào Tuấn Trung

Phiên sụt giảm mạnh ngày 03/09 vừa qua tại thị trường chứng khoán Mỹ chủ yếu gây ra bởi sự sụt giảm mạnh của chỉ số Nasdaq vốn là đầu tàu kéo thị trường trong giai đoạn vừa qua. Điều này gợi mở về khả năng xuất hiện hoạt động hoạt động arbitrade với nhóm cổ phiếu công nghệ, làm tăng nguy cơ xuất hiện nhiều phiên giảm điểm bất ngờ trên phố Wall trong thời gian tới.

Trong nước, IHS Markit công bố báo cáo cho thấy chỉ số PMI tháng 8 của Việt Nam đạt 45,7 điểm, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số này dưới mốc 50 điểm. Trong đó, số lượng đơn hàng mới và sản lượng đều giảm do sức cầu yếu từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đối với hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 336,32 tỷ USD; giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sụt giảm đến từ sự suy yếu các hoạt động nhập khẩu với mức giảm 2.2%, phản ánh khó khăn trong việc tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh dưới ảnh hưởng của đại dịch.

Thị trường chứng khoán có xu hướng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt, cộng với nhiều diễn biến khó lường tại thị trường quốc tế, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 900 điểm trong thời gian tới.

Khối ngoại đã có những tín hiệu khởi sắc khi trở lại trạng thái mua ròng mạnh sau 7 phiên bán ròng liên tiếp. Dường như khối ngoại đang có chuyển động ngược dòng với thị trường, tín hiệu này có đáng lưu ý gì không, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Việc khối ngoại mua ròng trở lại đương nhiên là điểm tích cực bởi nó vừa hỗ trợ cho cầu mua, vừa ổn định tâm lý nhà đầu tư nội. Tuy nhiên, dòng tiền ngoại ở đây được nhìn thấy khá rõ đến từ quỹ ETF và đặc biệt dòng tiền ngoại chảy qua ETF nội là ETFVN30 và Diamond ETF.

Thực tế cho thấy, nhiều chỉ số trên thế giới đã tăng quá mạnh thời gian qua, đặc biệt ở 1 vài cổ phiếu, ví dụ tại Mỹ là 5 cổ phiếu FAANG. Vì thế, không loại trừ nhiều quỹ buộc phải dịch chuyển dòng tiền sang các thị trường khác, giống như tỷ phú đầu tư Warrent Buffett đầu tư sang 5 cổ phiếu tại Nhật.

Tôi có niềm tin rằng, trong thời gian tới, có thể tính theo tháng hoặc năm dòng vốn ngoại sẽ còn chảy mạnh hơn nữa vào Thị trường chứng khoán Việt cũng vì lý do này.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Thực ra việc khối ngoại liên tục bán ròng mạnh như trong thời gian vừa qua vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. 2 phiên giao dịch gần nhất, nếu loại đi giao dịch thỏa thuận CTG và PLX, thực chất khối ngoại vẫn bán ròng, chỉ là hãm lại đôi chút.

Lực cầu trong nước đã có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt khi chỉ số vượt qua vùng đỉnh gần nhất tại 880 điểm, trong khi đó khối ngoại cũng lựa xu hướng để bán chứ không phải quá quyết liệt và bằng mọi giá, do đó cũng chưa phải quá lo lắng đến động thái này.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi tra cứu website HOSE thấy phiên thứ Sáu 4/9 khối ngoại bán ròng nhẹ gần 15 tỷ đồng, chứ không phải mua ròng mạnh. Nếu tính riêng trên bảng khớp lệnh (loại giao dịch thỏa thuận), thì dường như HOSE có đến 18 hay 19 phiên bán ròng liên tiếp của khối ngoại. Rõ ràng, khối ngoại đang có động thái "ngược đám đông".

Điều này tôi nghĩ khó lý giải, nhất là khi có nhiều thông tin cho thấy đang và còn sẽ có dòng tiền ngoại đổ vào sàn chứng Việt Nam. Có lẽ, khối ngoại cũng có người mua người bán, cái nhìn của người mua khác người bán về mức độ hấp dẫn và triển vọng của cổ phiếu Việt Nam, nhưng bên bán lại bán nhiều hơn, nên dòng tiền ròng là ra.

Ông Hoàng Thạch Lân

Ông Hoàng Thạch Lân

Tuần cuối tháng 8, tôi thấy có sự tương đồng về giá trị bán ròng của khối ngoại so với tuần đầu tháng 3 (tức lúc VN-Index chuẩn bị rớt mạnh), nên cũng rất lo. May thay, VN-Index lẫn giá cổ phiếu vẫn tăng bất chấp. Tuy nhiên, động thái bán ròng của khối ngoại cũng cần ktheo dõi sát, nhất là khi liên kết đến diễn biến giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)

Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng sau 7 phiên bán ròng liên tiếp. Đây là dấu hiệu cho thấy quỹ CTBC Investments đã bắt đầu tiến hành giải ngân sau khi huy động được nguồn vốn 160 triệu USD. Hoạt động này được dự báo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong phần còn lại của tháng 9 và giai đoạn đầu tháng 10.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau một thời gian giao dịch khá trầm lắng đã có chuyển động tích cực hơn ở phiên cuối tuần, đặc biệt phiên chiều. Đáng chú ý CTS, VIX, WSS tăng trần, nhiều mã có cũng mức tăng khá tốt như HCM, AGR, SHS, MBS… Ông/bà đánh giá như thế nào về nhóm cổ phiếu chứng khoán ở thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Cổ phiếu chứng khoán thực tế chịu ảnh hưởng thời gian khá dài và nói chung là thị giá ở mức thấp nhất 2-3 năm trở lại đây. Có thể nhóm này đang chịu tác động tâm lý bởi nhóm công ty chứng khoán ngoại mà đặc biệt là Hàn Quốc đang hoạt động mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc chơi này không hề dễ dàng ngay cả với những công ty có tiềm lực lớn đến từ Hàn Quốc, bởi ẩn đằng sau mỗi công ty chứng khoán lớn như SSI, VCI hay HSC đều có lợi thế riêng.

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Nhà đầu tư dường như đã nhận ra cơ hội với cổ phiếu chứng khoán nên dòng tiền có sự dịch chuyển. Tuy nhiên, vơi cá nhân tôi thì cho rằng sự suy giảm vừa qua cùng với sự phát triển mạnh mẽ của những công ty chứng khoán ngoại sẽ khiến cho sự phân hóa gia tăng mạnh.

Không còn cuộc chơi đồng bộ nữa mà giá nhiều cổ phiếu sẽ tách nhóm. Tôi tin tưởng những công ty có lợi thế riêng và đó là những công ty có thế mạnh phát triển đường dài. Tiềm lực tài chính lớn chưa hẳn sẽ chiến thắng, nhà đầu tư cần phần tích kỹ trước khi đầu tư. Còn về ngắn hạn giá cổ phiếu chứng khoán chưa thể lấy lại vị thế vẫn vì lý do mà tôi nêu ở trên.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Nhìn chung dòng tiền ngắn hạn hiện nay vẫn không ngừng xoay vòng giữa các nhóm ngành, tuy nhiên các nhịp tăng lại khá ngắn, bởi sự lạc quan vẫn luôn đi kèm với sự thận trọng, việc bán cổ phiếu này rồi lại mua cổ phiếu khác là hành động thường thấy thời gian qua.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tương tự như vậy, thậm chí đà tăng của nhóm này còn được cho là yếu hơn so với các ngành khác như ngân hàng, sắt thép, phân bón… Phiên bứt phá mạnh tại các cổ phiếu chứng khoán vừa và nhỏ vừa rồi nhiều khả năng cũng sẽ sớm kết thúc và chưa xuất hiện tín hiệu thật sự đáng chú ý.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ nhóm chứng khoán đang có 2 tin hỗ trợ.

Thứ nhất là diễn biến thị trường trong 2 tháng đầu quý III này là tốt, nên không có mấy rủi ro trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư hay tự doanh, thậm chí đối với các khoản đầu tư lâu hơn (đến giờ vẫn còn trích lập dự phòng), công ty còn hoàn nhập thêm nữa. VN-Index so với cuối tháng 6 đang tăng hơn 10%, nhiều cổ phiếu tăng mạnh hơn, như vậy có thể giúp công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận, hoặc xấu lắm thì cũng hoàn nhập thêm.

Thứ hai là thông tin về cơ chế bán khống và giao dịch T0, cho dù mới ở dạng văn bản pháp lý mà thôi, còn mất không ít thời gian để đi đến thực thi, nhưng sự kỳ vọng vào nó gắn liền với lợi ích của công ty chứng khoán. Ngoài ra, ở một số công ty nhất định, có thể còn có thông tin riêng hỗ trợ.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)

Tính từ thời điểm đầu quý III, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 9,26%. Tương ứng với đà tăng của chỉ số, nhiều cổ phiếu trên thị trường đã có mức giá cao hơn thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần hai tại Đà Nẵng.

Điều này làm giới đầu tư kỳ vọng từ sự tăng trưởng trong hoạt động tự doanh từ danh mục đầu tư của các công ty chứng khoán. Ngoài ra, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh so với cùng kỳ càng củng cố thêm kỳ vọng này.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý vẫn là diễn biến phức tạp và khó dự báo của thị trường trong dài hạn. Do đó, nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán chỉ phù hợp cho các hoạt động đầu tư trung hạn đón BCTC quý III.

Sau một thời gian hồi phục, đã có những khuyến nghị đối với nhà đầu tư nên tận dụng nhịp tăng điểm này để chốt lời những cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận. Quan điểm của các ông/bà? Chiến lược nào phù hợp ở giai đoạn này?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Cá nhân tôi vẫn tin rằng thị trường chứng khoán có cơ hội tăng lên mốc điểm trước dịch 960, thậm chí quay lại 1.000 điểm. Tuy nhiên, điều này cần thời gian tính bằng tháng. Thế nên, chiến lược tối ưu với tôi vẫn là nắm giữ cổ phiếu đang tăng trưởng mạnh bất chấp dịch và Trading trên chính những cổ phiếu này.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Với những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn thì việc cơ cấu danh mục đầu tư hợp lý theo tín hiệu dòng tiền sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Những cổ phiếu nào đã đạt mục tiêu lợi nhuận mà việc tăng giá không đi kèm với kết quả kinh doanh tích cực tương ứng thì nên chốt lời hiện thực hiện hóa lợi nhuận để cơ cấu sang các cổ phiếu khác tiềm năng hơn.

Ở thời điểm hiện tại, theo chúng tôi nên ưu tiên danh mục đầu tư tại nhóm cổ phiếu bluechips đầu ngành đang thu hút được dòng tiền hoặc mua đón đầu tại các cổ phiếu cơ bản tốt ít bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh mà chưa tăng giá nhiều.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi cũng nghĩ như vậy. Diễn biến trên sàn chứng khoán Mỹ là bất thường, nếu còn tiếp tục, thì trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nên đánh giá lại danh mục đầu tư của mình, hơn là vẫn mải mê tìm cổ phiếu lướt sóng.

Tôi không nói phải rút tiền ra, thực tế vẫn đầu tư, vẫn lướt, vẫn margin nếu muốn, nhưng nhà đầu tư nên cùng chuyên viên tư vấn của mình bàn bạc về các cổ phiếu đang nắm, xác định mã nào có thể chốt, mã nào có thể giữ.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)

Với thị trường hiện nay, tỷ lệ tiến mặt/cổ phiếu cho các nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì ở mức độ phù hợp, khoảng 50/50.

Nhà đầu tư trung và dài hạn được khuyến nghị tiếp tục tăng tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ và không sử dụng margin, với kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh trở lại vào năm 2021 khi các loại vắc xin phòng dịch trở nên phổ biến và dịch cơ bản được kiểm soát tốt tại Việt Nam.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,169.21 -23.8 -2.04% 130,275 tỷ
HNX 219.63 -6.57 -2.99% 1,597 tỷ
UPCOM 86.85 -1.3 -1.5% 418 tỷ