Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Sẽ có những biến động khó lường

(ĐTCK)Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nửa đầu tháng 5 với nhiều “sóng gió”, nhưng nhờ dòng tiền ngoại, thị trường đã hồi phục trở lại trong nửa cuối tháng. Tháng 6, thị trường sẽ đón nhận thông tin review của 2 quỹ ETFs. Điều này sẽ khiến cho tâm lý nhà đầu tư và thị trường trong có những biến động khó lường. Nhà báo Hải Vân đã có cuộc trao đổi bàn tròn với các chuyên gia nhằm tìm hiểu rõ hơn xu hướng của thị trường, cũng như dòng tiền trong tuần tới và trong cả tháng 6.
Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Sẽ có những biến động khó lường

TTCK tháng 5 đã giai đoạn biến động mạnh mẽ và bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. Nhiều ý kiến nhận định, thị trường trong tháng 6 sẽ theo chiều hướng tích cực hơn tháng 5, quan điểm các ông/bà như thế nào?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK Vietinbank (VietinbankSC)

Thị trường tháng 6 sẽ ảnh hưởng khá bởi hoạt động review của khối ngoại. Thị trường diễn biến sôi động đến giữa tháng 6 và giảm dần cho tới cuối tháng 6.

Góc nhìn phân tích kỹ thuật có thể thấy, VN-Index đã phục hồi lại gần mức kháng cự mạnh 575 điểm. Mức kháng cự này sẽ rất khó vượt qua trong bối cảnh dòng tiền nội chưa quay trở lại mạnh trên thị trường. Theo lý thuyết sóng Elliot, VN-Index có thể đang nằm trong sóng giảm, do đó, dự báo VN-Index sẽ điều chỉnh trong tháng 6.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng Phòng phân tích, CTCK IVS

Trong góc nhìn của tôi, kể từ giữa tháng 5 là tích cực và tôi vẫn kiên trì cho rằng, thị trường bắt đầu tốt lên. Mục tiêu mà thị trường có thể đạt là ngưỡng 580 điểm của VN-Index và 80 điểm của HNX-Index. Tuy nhiên, những biến động mạnh cả về chính trị (biển Đông) hay kinh tế (vụ xét xử bầu Kiên) vẫn khiến nhà đầu tư lo ngại. Do đó, sự hồi phục của thị trường thời gian qua luôn đan xen giữa lo ngại và kỳ vọng, nhưng điểm hay lại ở chỗ, nó giúp cho sự hồi phục vừa qua trở nên bền vững hơn.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới CTCK VNDirect (VNDS)

Như nhận định trong đầu tháng 5 vừa qua, khi các thông tin tiêu cực này tác động tới thị trường, thì tôi cho rằng, thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại do việc bán quá đà và lực cầu mua mạnh mẽ của khối ngoại và các tổ chức trong nước.

Thị trường đã có một đợt hồi phục khá tốt từ vùng điểm 510 lên tới 560 điểm và nhiều cổ phiếu có mức hồi phục tới 50% so với mức giảm từ đỉnh 610. Tuy nhiên, hiện tại mặt bằng giá các cổ phiếu nhìn chung đã trở về mức cân bằng và không quá hấp dẫn như trước. Do đó, xét về điểm số VN-Index, thì sự tăng điểm của thị trường có thể vẫn diễn ra do sự tác động của một số cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, MSN, STB do được các tổ chức nước ngoài mua. Tuy nhiên, đa số các cổ phiếu, nhất là những cổ phiếu đầu cơ sẽ theo xu hướng sideway và giảm khi dòng tiền đầu cơ đạt kỳ vọng nên chốt lời và rút ra điều này sẽ thể hiện rõ nét vào chỉ số HNX-Index

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Dựa trên các đánh giá vĩ mô, thị trường, tôi cho rằng, trong tháng 6, nếu không có các yếu tố tiêu cực bất ngờ, TTCK nhiều khả năng sẽ có các nhịp lên xuống, tuy nhiên xu hướng chính vẫn là đi ngang tích lũy. 

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Tháng 5, thị trường đã có phản ứng quá đà, khiến VN-Index phá hầu hết các ngưỡng hỗ trợ mạnh và giảm về mức thấp nhất 508,51 điểm. Diễn biến phục hồi có dạng chữ V trong 2 tuần gần đây gần như đã lấy lại được phần lớn những gì đã mất.

Trong ngắn hạn, VN-Index đang gặp các ngưỡng cản mạnh thứ nhất tại vùng 562, tương ứng MA100 và ngưỡng cản mạnh thứ 2 ở mốc 580 điểm tương ứng Fibonacci Retracement 23.6%. Do đó, khả năng thị trường có thể có đợt điều chỉnh trong ngắn hạn khi chỉ số tiến gần các vùng kháng cự này.

Bên cạnh đó, theo lý thuyết sóng Elliot, đợt hồi phục vừa qua chính là sóng hồi (1) sau khi chân sóng C của mẫu hình 5 sóng hình thành tại 508.51 điểm. Do đó, sóng hồi (1) kết thúc sẽ là một sóng điều chỉnh tiếp sau đó và khả năng sẽ diễn ra vào thời điểm đầu tháng 6. Do đó, tôi cho rằng, tháng 6 có thể thị trường sẽ nghiêng về kịch bản lình xình đi ngang với xu hướng giảm vào đầu tháng và phục hồi về giữa và cuối tháng.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Trong nửa đầu tháng 5, thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh do chịu tác động bởi các thông tin tiêu cực. Mặc dù vậy, việc khối ngoại kiên trì mua ròng khá mạnh trong suốt giai đoạn giảm điểm của thị trường đã khiến tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại. Cùng với đó, việc cả 2 chỉ số thị trường giảm về đến những vùng giá hỗ trợ trung hạn cũng thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư tham gia bắt đáy giúp thị trường hồi phục trở lại vào nửa cuối tháng 5.

Việc thị trường quay đầu hồi phục mạnh và lần lượt chinh phục lại các ngưỡng cản tâm lý quan trọng (SMA20, SMA200...) đã giúp cả hai chỉ số hình thành những mẫu hình nến đảo chiều trên đồ thị tháng. Tuy nhiên, độ tin cậy của mẫu hình này chỉ ở mức trung bình thấp nên cơ hội hồi phục của thị trường trong tháng 6 chưa rõ ràng. Mặt khác, cùng với việc các chỉ số đang dần tiếp cận các vùng kháng cự mạnh trong bối cảnh một số chỉ báo có độ nhạy cao đã đi lên vùng quá mua thì nhiều khả năng thị trường sẽ quay lại chiều hướng điều chỉnh. Vùng giao dịch của VN-Index trong tháng 6 được dự báo nằm trong khoảng 530-570 điểm.   

Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc phân tích, CTCK FPTS

Sự vận động của giá cổ phiếu, cũng như các chỉ số chứng khoán chính đã phản ánh gần như tất cả các biến động của thị trường vừa qua, trong đó đáng kể nhất là sự kiện Biển Đông. VN-Index và HNX-Index trong 2 tuần đã có sự hồi phục tốt và chưa cho thấy sự điều chỉnh và đây chính là lo ngại của nhà đầu tư đang tham gia thị trường.

Dựa trên phân tích kỹ thuật, cả 2 chỉ số này đang đối diện với ngưỡng kháng cự chính và mạnh có thể khiến toàn thị trường rơi vào đợt điều chỉnh đáng kể. Cụ thể, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng và chạm vào khu vực 560-565 điểm và sẽ gặp nhiều khó khăn tại đây. Trong khi đó, HNX-Index ngưỡng kháng cự 79-80 điểm cũng đang cho thấy lực cản lớn đối với chỉ số này.

Như vậy, tuần tới thị trường chứng khoán sẽ bước sang tháng 6 trong trạng thái giao dịch không thực sự tích cực của hai chỉ số. Cần chú ý rằng, sự điều chỉnh là cần thiết khi chỉ số vừa qua đã tạo đáy ngắn hạn và việc giảm trở lại để kiểm tra mức hỗ trợ mới hình thành này là yếu tố cơ bản để xác lập xu hướng vận động sắp tới.

Các ông/bà nhận định ra sao về dòng tiền nói chung và dòng vốn ngoại trong tháng 6?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK Vietinbank (VietinbankSC)

Khối ngoại giao dịch mạnh trong tháng 6 do đến kỳ review, tuy nhiên, dòng tiền ròng vào thị trường có thể sẽ đều ở mức quanh 40 - 50 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại vẫn duy trì view khá tích cực vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng Phòng phân tích, CTCK IVS

Nhìn chung, thời điểm này đã có sự dịch chuyển dòng tiền qua một vài kênh đầu tư khác, nhưng kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn cả. Nhà đầu tư vẫn có cái nhìn lo ngại trước một vài diễn biến lớn đang xảy ra, nên dòng tiền tham gia TTCK chưa mạnh. Xét qua mức thanh khoản của thị trường, thì chỉ ở mức trung bình thấp khi chỉ xoay quanh ngưỡng 100 triệu đơn vị/phiên/HOSE. Do đó, tôi kỳ vọng, nhịp giảm trên xảy ra đưa giá nhiều cổ phiếu về mức hấp dẫn hơn và khi đó có thể nhiều nhà đầu tư khác sẽ quay lại khi lỡ nhịp “sóng hồi” vừa qua.  Thị trường sẽ sôi động hơn và nếu như kỳ vọng hơn ở tình hình biển Đông có diễn biến tích cực thì đó là điều tuyệt vời.

Còn về khối ngoại, những tháng qua họ đang rất tích cực mua vào và luôn là “bà đỡ” cho thị trường trước biến động mạnh. Tuy nhiên, gần đây nhịp mua của họ có xu hướng giảm nhiệt và chỉ duy trì ở mức vừa phải. Nếu nhìn về quá khứ, thì tháng 6 luôn là tháng bán ròng của khối này và liệu điều đó có lặp lại hay không? Tháng 6 cũng là tháng mà các quỹ ETF sẽ đảo danh mục và điều đó sẽ giúp cho một vài cổ phiếu có biến động mạnh.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới CTCK VNDirect (VNDS)

Dòng vốn ngoại tính từ đầu năm tới thời điểm hiện tại vẫn rất tích cực và hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường ngay cả trong suốt tháng 5 vừa qua. Theo quan sát của tôi, dòng vốn này vẫn bao gồm cả dòng vốn của nước ngoài đầu tư và sự gia tăng đều đặn của dòng tiền nóng từ các ETFs.

Niềm tin vào khả năng hồi phục dài hạn và sự thăng hoa của TTCK thế giới tiếp tục là động lực để dòng vốn ngoại tự tin gia tăng giải ngân vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, với dòng vốn nóng từ các ETFs thì theo quan sát các năm trước, các tháng 6-7-8 có thể là thời điểm dòng vốn này chốt lời và rút ra. Điều này sẽ khiến cho tâm lý nhà đầu tư và thị trường trong tháng tới có những biến động khó lường.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Trong tháng 6, hai quỹ ETF hoạt động tại thị trường Việt Nam sẽ công bố và thực hiện điều chỉnh định kỳ danh mục, do vậy thanh khoản toàn thị trường trong tháng 6 được dự báo sẽ cải thiện hơn so với tháng 5.

Về mặt vốn ngoại, chúng tôi nhận thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đánh giá khả quan về vĩ mô và TTCK Việt Nam do vậy dòng vốn này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tích cực trong tháng 6.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Với mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp và khả năng lãi suất huy động vẫn có dư địa để hạ thêm do đó đây sẽ là yếu tố tác động tích cực tới TTCK trong trung và dài hạn khi dòng vốn có xu hướng tìm các kênh sinh lời và thanh khoản cao hơn. Do đó, khả năng dòng tiền lớn sẽ sớm quay trở lại thị trường trong bối cảnh lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục giảm, các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ đã có tín hiệu bình ổn sau những biến động mạnh vừa qua.

Về xu hướng, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong tháng 6 và 6 tháng cuối năm khi TTCK Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực về mặt định giá. Bên cạnh đó, theo dõi số liệu dòng vốn chảy vào quỹ VNM ETF trong nửa đầu năm 2014, tôi nhận thấy, dòng tiền tiếp tục gia tăng rất tốt. Tính từ đầu năm đến thời điểm cuối tháng 5/2014, quỹ VNM ETF tiếp tục huy động được vốn với tổng giá trị đạt 110,93 triệu USD (tương đương 2.329 tỷ đồng), tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, là yếu tố cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang tăng hoạt động đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Trong tháng 6, bên cạnh hoạt động review của 2 quỹ ETF, thị trường sẽ bắt đầu đón nhận những thông tin mang tính dự đoán về kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, đây không được xem là những thông tin có thể tác động trên diện rộng và tạo biến động mạnh cho xu hướng của 2 chỉ số mà thường mang tính phân hóa trái chiều giữa các mã cổ phiếu. Bên cạnh đó, tháng 6 năm nay được dự báo cũng là giai đoạn tương đối thiếu vắng các thông tin kinh tế vĩ mô có tác động mạnh đến thị trường.

Như vậy, tôi cho rằng, dòng tiền của cả nhà đầu tư nội và ngoại sẽ tham gia ở mức độ thận trọng và chỉ tập trung vào một số ít các cổ phiếu có điểm nhấn về mặt cơ bản hoặc liên quan đến hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETFs.

Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc phân tích, CTCK FPTS

Dòng vốn ngoại đang tỏ rõ sự quan tâm đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau sự kiện Biển Động khiến giá cổ phiếu giảm xuống mức rất hấp dẫn. Ở góc độ đầu tư giá trị và dài hạn, thì rõ ràng mặt bằng giá vừa qua là cơ hội hết sức hấp dẫn để tích lũy nhóm cổ phiếu có giá trị cơ bản và triển vọng phát triển lớn trong thời gian tới.

Trong khi kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá là đang duy trì tín hiệu hồi phục, do đó động lực mua vào là hoàn toàn được ủng hộ. Điều này cũng thể hiện rõ qua khối lượng và giá trị giao dịch ròng mà khối ngoại mua vào trên thị trường đang tăng lên nhanh chóng. Ở góc độ là nhà đầu tư tham gia thị trường, thì đây chính là một trong những lực đỡ hỗ trợ hết sức quan trọng đối với xu hướng thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư.

Theo các ông/bà, trong tuần đầu của tháng 6 (2/6 đến 6/6), TTCK sẽ có diễn biến ra sao?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng Phòng phân tích, CTCK IVS

Tôi cho rằng, phiên 29/5 đã cho tín hiệu thị trường có thể điều chỉnh nhẹ. Quan sát từ phiên này tôi nhận thấy, lực mua có dấu hiệu đuối kể cả những thời điểm đồng loạt tăng giá. Trong khi đó, những cổ phiếu lớn là GAS và MSN đã để lại dấu ấn quá lớn, khiến  nhà đầu tư có lo ngại về hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. Nhóm cổ phiếu hấp dẫn nhất là nhóm đầu cơ, thị giá thấp cũng đã giảm nhiệt và đang có dấu hiệu điều chỉnh.

Về mặt hỗ trợ, thì những thông tin kinh tế qua kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua không xuất hiện. Kết hợp những yếu tố này, tôi cho rằng, thị trường đang rơi vào nhịp điều chỉnh nhẹ, mà vùng thấp nhất có thể là 540 điểm của VN-Index và 74 điểm của HNX-Index. Đây chỉ là nhịp điều chỉnh thích hợp cho nhịp dừng nghỉ của dòng tiền và tôi cho rằng, rất nhiều nhà đầu tư vẫn mong muốn thị trường điều chỉnh để tham gia trở lại.

Áp lực từ nhịp này có thể rơi mạnh và nhóm đầu cơ, trong khi nhóm cổ phiếu bluechips sẽ không nhiều biến động. Thị trường có thể tích cực trở lại trong thời gian cuối tuần và nhịp tăng sẽ lại tiếp tục với mục tiêu 580 điểm và 80 điểm của 2 chỉ số.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới CTCK VNDirect (VNDS)

Tôi cho rằng, về mặt điểm số, VN-Index vẫn có thể tiếp tục đà tăng trong tuần tới, bởi sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn như GAS, MSN, PVD, STB .. và các cổ phiếu cơ bản đang hồi phục chậm. Tuy nhiên, với các cổ phiếu có tính chất đầu cơ và đại diện là chỉ số HNX-Index sẽ vẫn theo chiều hướng sideway giảm do sự hồi phục đa số đã đạt tới điểm cân bằng, động lực tiếp tục đi lên không còn và dòng tiền nóng sẽ chốt lời rút ra hoặc luân chuyển sang các cổ phiếu cơ bản để tìm kiếm cơ hội an toàn hơn.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Trong bối cảnh áp lực bán có dấu hiệu gia tăng trong phiên cuối tuần vừa qua và chỉ số VN-Index đã tiến gần tới vùng kháng cự 570 điểm. Tuần tới, nhiều khả năng, TTCK nói chung sẽ có nhịp điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần nhất là khoảng 74-75 điểm đối với HNXIndex và 545 – 550 điểm đối với VN-Index.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Trong tuần đầu của tháng 6, thị trường được dự báo sẽ điều chỉnh giảm nhẹ hoặc đi ngang tích lũy sau một nhịp hồi phục khá mạnh từ giữa tháng 5. VN-Index có thể dao động trong khoảng 545-560 điểm trong thời gian này.

Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc phân tích, CTCK FPTS

Hai chỉ số này có thể có sự điều chỉnh giảm và sau đó đi ngang tích lũy trên khu vực hỗ trợ 530 điểm (VN-Index) và 74 điểm (HNX-Index). Có ba biến số cần chú ý có thể sẽ ảnh hưởng đến kịch bản này đó là diễn biến tiếp theo của sự kiện Biển Đông, lực mua của nhóm ngoại, diễn biến đợt cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF sắp tới.

Một câu hỏi được rất nhiều đọc giả và nhà đầu tư quan tâm, theo các ông/bà, đâu là nhóm cổ phiếu cần quan tâm?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK Vietinbank (VietinbankSC)

Tuần đầu tháng 6, một số mã sẽ được khối ngoại tăng tỷ trọng đầu tư như GAS, MSN, STB, VCB..., nên giá có thể tăng điểm và giảm điểm ở các mã giảm tỷ trọng như PET ...

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới CTCK VNDirect (VNDS)

Trong tuần tới, cơ hội vẫn có thể xuất hiện với việc tìm kiếm các cổ phiếu với kỳ vọng được gia tăng tỷ trọng trong các ETFs. Nhìn chung, tôi đánh giá, cơ hội vẫn đang ít đi trong khi các rủi ro đang nhiều hơn cho các nhà đầu tư ngắn hạn

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Trong tuần qua, thị trường diễn ra sự phân hóa khá rõ khi dòng tiền chốt lời nhóm cổ phiếu đầu cơ penny và cả bluechips. Trong đó, chỉ có một số ít ỏi cổ phiếu bluechips có thể duy trì tín hiệu tăng nhẹ như CSM, FPT, GAS, PVD…

Tuần tới cũng là tuần quỹ FTSE Vietnam sẽ công bố kết quả review danh mục và tuần sau đó là quỹ VNM ETF. Trong đó, theo dự tính của chúng tôi, HVG khả năng đủ điều kiện lọt vào danh mục của quỹ FTSE Vietnam và STB khả năng được tăng tỷ trọng mạnh do STB được UBCK điều chỉnh tăng room nước ngoài từ 10% lên 30% vào ngày 14/3. Do đó, đây là những cổ phiếu sẽ được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn trong tuần tới, nhất là khi chưa ra kết quả chính thức. Bên cạnh đó, những cổ phiếu được dự phóng kết quả kinh doanh quý II tiếp tục tăng trưởng tốt cũng là một trong những nhóm sẽ thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Đầu tháng 6 thường là thời điểm mà nhà đầu tư đẩy mạnh các giao dịch mang tính dự đoán và đón đầu kỳ tái cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETFs. Như vậy, các cổ phiếu bluechips có khả năng bị điều chỉnh tỷ trọng, được thêm mới hoặc loại ra khỏi danh mục của các quỹ ETFs sẽ là điểm nhấn của thị trường.

---------------------------------

“Thị trường tháng 6 sẽ ảnh hưởng khá bởi hoạt động review của khối ngoại. Thị trường diễn biến sôi động đến giữa tháng 6 và giảm dần cho tới cuối tháng 6” - ông Nguyễn Nhật Cường.

----------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Sẽ có những biến động khó lường ảnh 1
Sự hồi phục của thị trường thời gian qua luôn đan xen giữa lo ngại và kỳ vọng, nhưng điểm hay lại ở chỗ, nó giúp cho sự hồi phục vừa qua trở nên bền vững hơn” - ông Nguyễn Hữu Bình.

---------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Sẽ có những biến động khó lường ảnh 2
“Theo quan sát các năm trước, các tháng 6-7-8 có thể là thời điểm dòng vốn nóng từ các ETFs chốt lời và rút ra” - ông Nguyễn Trung Du.

---------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Sẽ có những biến động khó lường ảnh 3
“Trong tháng 6, nếu không có các yếu tố tiêu cực bất ngờ, TTCK nhiều khả năng sẽ có các nhịp lên xuống, tuy nhiên xu hướng chính vẫn là đi ngang tích lũy” - ông Ngô Thế Hiển

---------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Sẽ có những biến động khó lường ảnh 4
“Tháng 6 có thể thị trường sẽ nghiêng về kịch bản lình xình đi ngang với xu hướng giảm vào đầu tháng và phục hồi về giữa và cuối tháng” - ông Trần Hoàng Sơn.

---------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Sẽ có những biến động khó lường ảnh 5
“Dòng tiền của cả nhà đầu tư nội và ngoại trong tháng 6 sẽ tham gia ở mức độ thận trọng và chỉ tập trung vào một số ít các cổ phiếu có điểm nhấn về mặt cơ bản hoặc liên quan đến hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETFs” - ông Trần Xuân Bách.

---------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Sẽ có những biến động khó lường ảnh 6
“Sự điều chỉnh là cần thiết khi chỉ số vừa qua đã tạo đáy ngắn hạn và việc giảm trở lại để kiểm tra mức hỗ trợ mới hình thành này là yếu tố cơ bản để xác lập xu hướng vận động sắp tới” - ông Giang Trung Kiên.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục