Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu bất động sản chưa thể vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc sửa đổi Nghị định 65 được đánh giá nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tin hỗ trợ này mang tính dài hạn nhiều hơn và các doanh nghiệp bất động sản sẽ còn tiếp tục đối với khó khăn trong 1-2 năm tới.
Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu bất động sản chưa thể vượt khó

Thị trường đã có tuần hồi phục nhẹ sau nhịp điều chỉnh 2 tuần liên tiếp trong bối cảnh thanh khoản thấp và khối ngoại quay đầu bán ròng. Điểm tích cực là thị trường ghi nhận sự hồi phục trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch tuần tới?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Về cơ bản, tuần hồi phục vừa qua chưa thực sự thuyết phục. Thanh khoản duy trì ở nền tảng rất thấp là minh chứng về việc dòng tiền ngắn hạn vẫn đang ở trạng thái suy yếu. Việc lướt sóng ngắn hạn hiện đang không hề dễ dàng.

Tôi chưa nhận thấy những tín hiệu cho một xu thế ngắn hạn tích cực. Trong tuần giao dịch tới, nếu không sớm có sự cải thiện về dòng tiền thì trạng thái giằng co theo chiều suy yếu dần của thị trường có thể lại diễn ra. Ở kịch bản tích cực hơn, diễn biến đi ngang, phân hóa tích lũy cũng có khả năng sẽ quay lại chiếm ưu thế.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Trên phương diện kỹ thuật, điểm số bật hồi ngay khi tiệm cận về đường trung bình động 20 tuần (1.030 điểm) cho thấy vị thế mua vẫn quan điểm chính sau khi VN-Index xác nhận tạo đáy quanh vùng 900 điểm. Áp lực chốt lời vừa qua, quan điểm DSC thị trường đang mở rộng dự địa hồi phục lên mốc 1.080 điểm (ngưỡng cản fibonacci 0.5); đây kỳ vọng là điểm giao xu hướng trung hạn với áp lực bán gia tăng.

Nhà đầu tư quan sát điểm mua ngắn hạn tại nền giá 1.050 điểm với điểm quản trị rủi ro tại ngưỡng 1.030.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Tuần tới, xu hướng thị trường có thể đi ngang do dòng tiền yếu. Cụ thể, bên cạnh việc nhà đầu tư cá nhân - luôn chiếm tỷ trọng giao dịch lớn hàng ngày - vẫn bán ròng, cùng giao dịch khối ngoại giảm sự tích cực, thì thị trường khó được hỗ trợ.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Về quan điểm kỹ thuật, dự báo trong những phiên giao dịch tới, thị trường sẽ tiếp tục diễn biến giằng co để VN-Index kiểm định lại vùng kháng cự tại 1.058 - 1.060 điểm. Nếu lực bán ra không mạnh và được hấp thụ tốt bởi lực mua giá thấp, giúp VN-Index duy trì đóng cửa trên 1.055 điểm, chỉ số sẽ có khả năng sẽ tăng điểm trở lại ở những phiên sau đó, hướng lên vùng 1.080 - 1.090 điểm. Ngược lại, nếu phá vỡ hỗ trợ tại 1.055 điểm, VN-Index có thể sẽ quay trở lại kiểm định vùng hỗ trợ tại 1.038 điểm.

Trong bối cảnh dòng tiền thận trọng khiến thanh khoản giảm mạnh như hiện tại, nhà đầu tư cần lưu tâm những yếu tố nào, theo ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Như đã nói ở trên, việc thanh khoản duy trì ở ngưỡng thấp như hiện tại, dòng tiền vẫn ở trạng thái suy yếu, đồng nghĩa với việc hiệu quả lướt sóng ngắn hạn là khá thấp. Do vậy, nhà đầu tư cần lưu ý hơn về việc lựa chọn danh mục, ưu tiên các cổ phiếu hướng tới góc nhìn mang tính dài hạn hơn.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Có hai điểm đáng chú ý: (1) Trong ngắn hạn, để khẳng định tạo đáy từ vùng 105x đòi hỏi mức thanh khoản dồi dào hơn. Với góc nhìn kỹ thuật thường gọi là phiên bùng nổ theo đà (FTD), khối lượng giao dịch cần vượt 600 triệu đơn vị trên HSX.

(2) Về dài hạn, tôi không cho rằng yếu tố thanh khoản thấp là đáng ngại. Mức thanh khoản giảm dần phản ánh quan điểm kém hưng phấn của nhà đầu tư cá nhân và dòng tiền giao dịch bằng margin, thay thế bởi dòng tiền mua gom của nhóm nhà đầu tư với tầm nhìn dài hơi hơn (bao gồm cả khối ngoại). Sự thay đổi cấu trúc thị trường giúp dư địa giảm sâu của VN-Index là không lớn, chúng tôi đánh giá điểm tựa vững chắc vùng 1.000 điểm. Và nhìn chung, các vùng đáy dài hạn thường không có mức thanh khoản cao.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Yếu tố dòng tiền, một khi được cải thiện cho thấy niềm tin thị trường lạc quan hơn giúp xu hướng tích cực và ngược lại.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Thứ nhất, nhà đầu tư cần lưu ý những chính sách vĩ mô có tác động đến nhóm ngành nào.

Thứ hai, quan sát dòng tiền (khối ngoại và trong nước) đang vào những nhóm nào.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Thứ ba, với việc đã có kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2022, nhà đầu tư có thể tổng hợp để so sánh những cổ phiếu, nhóm ngành nào còn tiềm năng tăng trưởng, nhóm nào giảm mạnh, không còn tăng trưởng để lọc ra những cổ phiếu phù hợp và quan sát thời điểm phù hợp để giải ngân và xác định tâm lý chọn cổ phiếu để tích luỹ.

Thứ tư, với thanh khoản và tâm lý thận trọng như hiện nay thì hạn chế thấp nhất việc dùng margin.

Thị trường cũng dành mối quan tâm đến câu chuyện sửa đổi nghị định 65 theo hướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ quy định các trái phiếu đã phát hành trước đây được đàm phán kéo dài kỳ hạn của trái phiếu. Ông/bà đánh giá như thế nào về những đề xuất, giải pháp từ phía cơ quan quản lý liên quan đến việc sửa đổi nghị định 65 đến TTCK cũng như các DN ở giai đoạn hiện nay?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Rõ ràng, cả thị trường đang ngóng chờ nghị định 65 sửa đổi, bởi những tác động của nó tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng tới TTCK được đánh giá là khá tích cực. Tuy nhiên tôi đánh giá những giải pháp này hướng tới một thị trường phát triển ổn định, minh bạch, bền vững và có lợi ích cho cộng đồng.

Chỉ giảm bớt phần nào khó khăn tài chính cho doanh nghiệp (ở đây đối tượng chính tôi muốn nói là doanh nghiệp Bất động sản). Như Thủ tướng đã nói, các doanh nghiệp Bất động sản phải tự chịu trách nhiệm với chính mình, chứ hành động mang tính “giải cứu” sẽ rất khó xảy ra, vì vậy các doanh nghiệp ngành này sẽ còn tiếp tục đối diện với khó khăn trong 1-2 năm tới.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Các giải pháp được chúng tôi đánh giá là kịp thời để tháo gỡ tình trạng khó khăn về thanh khoản trong năm 2023, đặc biệt của các doanh nghiệp bất động sản phát hành lượng trái phiếu lớn.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc được thanh toán gốc lãi bằng cổ phiếu và bất động sản, hay được đàm phán kỳ hạn kéo dài thêm 2 năm, đều cần được sự đồng ý của bên nắm giữ trái phiếu.

Đồng thời, nếu không có thay đổi lớn hơn về chính sách tiền tệ và chính sách hỗ trợ thị trường, tình trạng doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ hàng loạt có thể vẫn xảy ra trong 2-3 năm tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tác động tích cực đến TTCK. Tuy nhiên, thông tin hỗ trợ này mang tính dài hạn nhiều hơn và thời điểm chính thức thì mức độ tác động mới rõ ràng hơn.

Liên quan đến vấn đề thời sự, Trung Quốc vừa công bố mở tour du lịch quốc tế nhưng thiếu điểm đến là Việt Nam. Trong khi, lượt khách Trung Quốc từng chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến nước ta. Điều này gây bất ngờ với cả doanh nghiệp lữ hành. Ở góc độ tác động đến cổ phiếu, thì sẽ theo hướng như thế nào, theo ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Việc Trung Quốc chưa mở cửa du lịch đến nước ta như dự tính sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành du lịch cũng như ngành hàng không. Các cổ phiếu 2 ngành này sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất định trong ngắn hạn. Tuy nhiên theo tôi, việc này sẽ không kéo dài quá lâu (đôi khi chỉ là hành động mang một số lý do “kỹ thuật”) và sẽ sớm được mở cửa trở lại.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Ngành du lịch lữ hành đón nhận tin không vui từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: Trung Quốc công bố mở tour du lịch quốc tế nhưng thiếu điểm đến “láng giềng” Việt Nam. Thống kê trước thời điểm đại dịch Covid năm 2019, lượt khách Trung Quốc chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến nước ta dẫn đến thông tin trên hoàn toàn gây bất ngờ với cả doanh nghiệp lữ hành trong nước và từ nước bạn.

Lượt khách quốc tế trong tháng đầu năm đạt trên 871 nghìn lượt (tăng 23,2% so với tháng trước), theo Tổng cục thống kê. Mặc dù chưa phải mùa cao điểm du lịch, song tín hiệu tăng trưởng đều qua các tháng (trung bình tăng trưởng 15% hàng tháng); ngành du lịch kỳ vọng có thể sớm hoàn thành mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Tuy vậy, khi so sánh với khu vực châu Á, vị thế ngành du lịch nước ta không được đánh giá cao; Việt Nam chỉ xếp hạng 7 ở thống kê lượt khách quốc tế (số liệu cuối năm 2022), bất ngờ đứng sau cả Lào và Indonesia. Nhìn chung, Việt Nam ghi nhận tín hiệu hồi phục chung của xu thế toàn cầu nhưng chưa đạt đủ kỳ vọng khi mảng du lịch được nhấn mạnh hỗ trợ thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Trên biểu đồ kỹ thuật, chỉ số ngành hàng không phản ứng khá nhạy với thông tin từ phía Trung Quốc với đà điều chỉnh 12% từ vùng hai đỉnh. Song, tới thời điểm hiện tại, diễn biến chỉ số dần cho tín hiệu cân bằng với thanh khoản bán giảm dần; tín hiệu “rút chân” ngắn hạn là điểm tựa để hình thành nền hỗ trợ an toàn quanh mốc 1.050 điểm.

Với thống kê mối quan hệ mật thiết như trên, việc khai thông liên kết du lịch giữa 2 nước là chuyện một sớm một chiều. Cổ phiếu đáng quan tâm: HVN, AST, VTD.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Có tác động tiêu cực phần nào nhưng không quá lớn do thông tin này mang tính tạm thời khi mà Trung Quốc tiếp tục các bước mở cửa thì du lịch cũng dần được mở rộng. Bên cạnh đó, thông tin trước mắt chỉ tác động chủ yếu đến ngành du lịch và mang tính ngắn hạn nên không quá ảnh hưởng đến TTCK.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ở thời điểm này, nhà đầu tư nên hành động như thế nào? Nếu chọn tích lũy cổ phiếu, đâu là nhóm nhà đầu tư cần quan tâm?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Tôi cũng đã nói từ khá lâu, việc lướt sóng ngắn hạn là khó khăn với điều kiện thị trường hiện tại, do vậy nhà đầu tư nên hạn chế việc tham gia lướt sóng ngắn hạn (chỉ với tỷ trọng an toàn và chú ý quản trị rủi ro) mà nên hướng tới góc nhìn dài hạn.

Với nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc tích lũy các cổ phiếu đầu ngành giữ được tăng trưởng ổn định thuộc các nhóm ngành sản xuất. Ưu tiên tích lũy trong các nhịp điều chỉnh của thị trường. Chỉ lưu ý tránh các cổ phiếu ngành Bất động sản.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Nhóm cổ phiếu Bất động sản, sau khi tăng giá yếu trong nhịp phục hồi của thị trường chung trong tháng 1, và rơi mạnh vào kỳ điều chỉnh tháng 2 vừa qua, đang trở về mặt bằng giá tháng 11/2022.

Khi Ngân hàng đã hồi phục mạnh kể từ vùng đáy, nhưng triển vọng tăng trưởng 2023 còn khó khăn. Một số doanh nghiệp Bất động sản có thể là điểm nhấn mà nhà đầu tư cần quan tâm cho quý II/2023.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Tùy thuộc vào việc nhà đầu tư ngắn hạn, dài hạn và khẩu vị rủi ro chứ không có công thức làm giàu chung cho tất cả mọi người được. Tuy vậy, nhà đầu tư dù thuộc nhóm nào cũng cần hạn chế tối đa việc sử dụng margin trong năm nay khi kỷ nguyên "tiền rẻ" đã qua.

Với nhà đầu tư trung dài hạn có thể cơ cấu danh mục dần các cổ phiếu nền tảng, tiềm năng, cơ bản ổn định.

Với nhà đầu tư lướt sóng nên chia ra danh mục chiến lược và danh mục ngắn hạn. Danh mục ngắn hạn chỉ nên với tỷ trọng tiền không quá 50% (không margin) và có thể giao dịch những cổ phiếu có sự biến động lớn hoặc có thể trích một phần cổ phiếu trong danh mục chiến lược để lướt sóng ngắn hạn.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Như tôi đã đề cập ở trên , nhà đầu tư nên quan sát rộng hơn từ vĩ mô, chính trị, dòng tiền, số liệu tài chính của doanh nghiệp… để đưa ra quyết định. Chú ý các cổ phiếu có giá nằm trên MA50, có nền tích luỹ và dang hinh thanh các mẫu hình tăng, trong đó các cổ phiếu chú ý như xây dựng, vật liệu xây dựng, thép, dầu khí….

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục