Tuần qua, áp lực bán gia tăng khiến các chỉ số đều có sự điều chỉnh nhẹ. Điều đáng quan tâm là thanh khoản thị trường tiếp tục giảm mạnh. Dường như mốc 1.3000 điểm đang là ngưỡng cản tâm lý khá mạnh đối với thị trường, khi mà thị trường đã tạo đáy 2 thành công nhưng chỉ số vẫn chưa vượt qua được. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về thị trường trong tuần tới?
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Thông thường, tuần đầu của tháng 6 vẫn là khoảng thời gian thiếu vắng thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Bên cạnh đó, sẽ xuất hiện áp lực chốt lời nhẹ từ các nhà đầu tư đã bắt đáy giữa tháng 5. Vì vậy, thị trường có xu hướng giằng co khi gặp ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên, nhìn xa hơn chút, tôi cho rằng nhiều thông tin tích cực có tác dụng hỗ trợ thị trường sẽ dần xuất hiện trong tháng 6.
Thứ nhất là kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc phục hồi trong quý II/2022. VNDS Research chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP quý II/2022 sẽ cao hơn mức 5% trong quý I/2022.
Thứ hai là tác động của gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% sẽ bắt đầu lan tỏa đến các đối tượng ưu tiên, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tham gia một số dự án trọng điểm quốc gia và doanh nghiệp kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải).
Thứ ba là sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn ETF của khối ngoại đang hướng đến thị trường Việt Nam khá mạnh mẽ. Việc khối ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy họ vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường Việt Nam trong thời gian tới cũng như định giá thị trường đã trở lại mức hấp dẫn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment
Vùng kháng cự hiện tại là 1.300 - 1.320 điểm khá mạnh, Index vẫn có thể vượt qua được vùng này, nhưng không dễ khi dòng tiền yếu và các nhà đầu tư chủ yếu quan sát lúc này. Vì thế, trong ngắn hạn thị trường sẽ khó vượt qua kháng cự do nhà đầu tư theo dõi những thông tin quan trọng sắp tới như cuộc họp của Fed trong tháng 6 cũng như kết quả kinh doanh giữa năm của các doanh nghiệp.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo tôi, tuần tới thị trường nhiều khả năng sẽ vượt ngưỡng 1.300 điểm khi đã có 5 phiên ngập ngừng ở vùng này.
Ông Ngô Quốc Hưng |
Một số yếu tố hỗ trợ cho thị trường như: 1) Chỉ số VN-Index đang duy trì mạch hồi phục sang tuần tăng thứ 3 liên tiếp, lấy lại hơn 130 điểm, tương đương hồi 11,5%.
2) Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng một mạch 3 tuần liền, cho thấy dòng tiền bắt đáy đang quay trở lại thị trường nhưng có sự phân hóa.
3) Khối ngoại đã mua ròng lũy kế kể từ đầu năm gần 1.000 tỷ đồng, trong đó dòng tiền đang được hút mạnh qua các ETF như Fubon và Diamond.
4) Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tuần vừa qua giảm gần 1% so với tuần trước đó, còn 13.500 tỷ đồng, cho thấy áp lực chốt lời không lớn, phù hợp với nhịp tích lũy trước ngưỡng 1.300 điểm, để tạo động lực vượt cản.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thị trường có thể duy trì đà tăng trong tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự 1.315 - 1.328 điểm, đây là vùng kháng cự mạnh cũng là vùng khoảng trống giảm giá được hình thành trong phiên 09/05/2022.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Nhìn chung, tuần qua thị trường chứng khoán trong nước giao dịch giằng co trong biên độ khá hẹp. Thanh khoản trung bình 1 phiên chỉ đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với tuần trước đó, điều này cho thấy tín hiệu chốt lời đã bắt đầu xuất hiện nhưng cũng là tín hiệu cho thấy có lực cầu quay trở lại thị trường.
Về những phiên rung lắc gần đây, cá nhân tôi cho rằng đây không phải là một dấu hiệu xấu. Những phiên tăng giảm đan xen sẽ giúp thị trường hấp thụ tốt hơn lượng cổ phiếu lướt sóng T+ từ đó có thể giúp đà phục hồi trở nên bền vững hơn.
Về đồ thị kỹ thuật, tôi cho rằng, VN-Index có thể sẽ sớm xuất hiện nhịp chỉnh trong tuần tới khi chỉ báo KDJ đang hội tụ trên vùng 80 điểm (quá mua) và đường tín hiệu J đang có dấu hiệu cắt xuống. Tuy nhiên, tôi đánh giá, nhịp chỉnh này sẽ không quá sâu và chưa thể thay đổi xu hướng phục hồi của thị trường. Do đó, tôi dự báo biên độ của chỉ số tuần tới có thể trong vùng từ 1.270 – 1.320 điểm.
Xét về vĩ mô, có thể thấy rủi ro lạm phát đối với Việt Nam vẫn đang hiện hữu trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ở mức cao, giá nhiều loại hàng hóa trên thế giới chưa có dấu hiệu sẽ sớm hạ nhiệt. Cùng với vấn đề lạm phát, những yếu tố nào được cho là sẽ tác động mạnh đến thị trường trong giai đoạn tháng 6 này, theo ông/bà?
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Song hành cùng với rủi ro lạm phát gia tăng trên toàn cầu và Việt Nam là rủi ro khi Fed có động thái thắt chặt tiền tệ quyết liệt hơn so với dự đoán. Tại cuộc họp gần đây nhất được tổ chức vào ngày 3-4/5/2022, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu tăng lãi suất của Fed thêm 50 điểm cơ bản lên phạm vi mục tiêu trong khoảng 0,75 - 1,0%/năm.
Quyết định tăng lãi suất chính sách thêm 0,5% đánh dấu mức tăng mạnh nhất được thực hiện trong một cuộc họp kể từ tháng 5/2000. Theo khảo sát của CME Group, thị trường kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất chính sách thêm 175 - 200 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2022 lên mức mục tiêu 2,5 - 3,0%/năm. Nếu như Fed có động thái tăng lãi suất mạnh hơn so với dự báo sẽ gây áp lực lên dòng vốn đầu tư tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Bà Trần Thị Khánh Hiền |
Một rủi ro đáng chú ý khác là việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero-Covid. Điều này tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế của quốc gia này, cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt với quy mô lớn tại Trung quốc trong thời gian gần đây cũng gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng và làm chậm đà tăng trưởng của các hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment
Bên cạnh lạm phát thì yếu tố được quan tâm, thậm chí còn nhiều hơn là chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường tài chính và chứng khoán. Tháng 7 và 8 là 2 tháng quan trọng khi mà dự kiến Fed có 2 đợt tăng lãi suất mạnh và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là ngân hàng trung ương lớn còn lại trên thế giới vẫn chưa tăng lãi suất, nhưng được dự báo có thể tăng trong đợt này.
Ngoài ra, dòng tiền khối ngoại, tự doanh, nhà đầu tư cá nhân cũng đang có sự không đồng nhất khi nhóm này bán ròng thì nhóm kia mua và ngược lại.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Trong tháng 6 này, có nhiều sự kiện có thể tác động đến thị trường như: cuộc họp chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), châu Âu (ECB) và Nhật Bản (BOJ), công bố danh mục cơ cấu và review của các qũy ETF (FTSE VIETNAM INDEX ETF, VANECK VECTORS VIETNAM ETF).
Về vĩ mô trong nước, công bố số liệu kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2022, tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi kinh tế sau Covid…
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng lạm phát vẫn sẽ là yếu tố tác động chính lên diễn biến của thị trường trong thời gian tới khi mà giá dầu và các giá nguyên liệu đầu vào vẫn đang duy trì đà tăng. Đồng thời, với việc lạm phát cao hiện nay, khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6/2022. Ngoài ra, tỷ giá vẫn phải chú ý đến mặc dù đồng USD đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây, nhưng đồng USD vẫn đang duy trì đà tăng trong trung và dài hạn vì đây vẫn là kênh đầu tư an toàn né tránh các biến động rủi ro từ TTCK.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Ngoài câu chuyện lạm phát chúng ta cần chú ý đến đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 16/6 này. Việc Fed tăng lãi suất đang làm đảo ngược dòng vốn rẻ đầu tư chứng khoán, đồng thời tạo áp lực lên tỷ giá.
Việc Fed tăng lãi suất làm gia tăng chi phí tài chính tại các quỹ ngoại, khi phần lớn họ đều sử dụng đòn bẩy trong giao dịch. Vì vậy, có thể xảy ra việc cơ cấu danh mục và thu hẹp các khoản đầu tư tại các thị trường cận biên, mới nổi để giảm thiểu rủi ro.
Đối với thị trường Việt Nam, về lý thuyết cũng sẽ gặp tác động tiêu cực, tuy nhiên tôi kỳ vọng ảnh hưởng sẽ không lớn do Việt Nam vẫn có dự trữ ngoại hối ổn định, nhiều động lực tăng trưởng cũng như nhìn lại các lần Fed tăng lãi suất trong quá khứ.
Dòng tiền vẫn đang giao dịch ở trạng thái giằng co, song vẫn có những nhóm ngành khởi sắc, nhờ biến động tăng của một số loại hàng hoá. Đơn cử như nhóm dầu khí hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về chuyển động của nhóm cổ phiếu dầu khí?
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Khá nhiều cổ phiếu dầu khí đang có giao dịch khởi sắc nhờ sự bùng nổ của giá dầu. Tuy nhiên, như giá cả các hàng hóa khác (commodity), giá dầu cơ bản là khó dự báo và đoán định, do đó tôi ưa thích những câu chuyện đầu tư dài hạn hơn.
Có một số tín hiệu cho thấy dự án phát triển mỏ khí Lô B Ô Môn sẽ được trao Quyết định đầu tư cuối cùng trong tháng 7/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án này được khởi công. Siêu dự án này sẽ là động lực tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam.
Với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn và nhà thầu EPC tại Việt Nam. Mỏ khí Lô B với trữ lượng khí ước tính ~107 tỷ m3 cũng sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí cho phát điện, thay thế cho một số mỏ khí trưởng thành đang ở giai đoạn khai thác cuối cùng.
Ngoài ra, 4 nhà máy điện khí tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất 3.810 MW sẽ bổ sung nguồn cung điện cho khu vực miền Nam trong tương lai. Theo quan điểm của tôi, ở thời điểm khởi đầu của dự án, các doanh nghiệp được hưởng lợi chính từ dự án này bao gồm chủ đầu tư và các công ty cung cấp dịch vụ thượng nguồn và nhà thầu EPC.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment
TTCK phục hồi trong 3 tuần gần đây nên nhiều nhóm cổ phiếu được hưởng lợi không chỉ riêng nhóm dầu khí, do đó nếu thị trường xấu trở lại thì những nhóm ngành này, kể cả những nhóm ngành được hưởng lợi bởi lạm phát cũng chưa chắc thoát được thị trường chung hoặc chỉ có thể hạn chế bớt tác động tiêu cực.
Vì thế, thị trường tích cực các nhóm ngành được hỗ trợ nhiều hơn và có những nhóm dẫn dắt. Như giai đoạn hiện nay thì nhóm năng lượng như dầu khí được hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tuy nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ giá dầu đã tăng 6 tuần liên tiếp nhưng mặt bằng cổ phiếu có sự phân hóa, cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan mới thu hút được dòng tiền. Đơn cử như cổ phiếu BSR công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm khả quan và đã phục hồi gần 59% kể từ đáy tháng 5 vừa qua, hay như cổ phiếu PVS trong quý 1 vừa qua cũng đã hoàn thành 51% mục tiêu lợi nhuận nên cũng có mức phục hồi rất mạnh hơn 60% kể từ đáy, hoặc cổ phiếu GAS đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử…
Tuy vậy, cũng có cổ phiếu chưa tăng theo chiều tăng của giá dầu như PLX, cổ phiếu này mới phục hồi hơn 17% về mức giá trước Covid… Nhìn chung, tôi đánh giá nhóm cổ phiếu dầu khí có triển vọng khả quan.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Ông Nguyễn Thế Minh |
Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu sản xuất dầu khí và khí đốt sẽ là nhóm được hưởng lợi trực tiếp từ đà tăng của giá dầu và giá khí. Trong khi đó, tôi đánh giá trung tính nhóm dịch vụ dầu khí vì tình hình cơ bản của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa được cải thiện và đà tăng chủ yếu đến từ tâm lý của nhà đầu tư kỳ vọng vào tương lai từ việc triển các dự án mới.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Theo quan điểm của tôi, giá dầu thế giới đang có những tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu dầu khí, tuy nhiên những ảnh hưởng này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Nhà đầu tư cần lưu ý, những thông tin từ giá dầu có thể đã phản ánh phần nào vào diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian gần đây, nhiều mã đã bật tăng hơn 60% từ vùng đáy trước đó. Vì vậy, trong các phiên sắp tới, đà tăng của nhóm này có thể bị chững lại khi áp lực chốt lời xuất hiện.
Thêm vào đó, chúng ta cũng khó có thể dự báo được đà tăng của giá dầu thế giới có thể tiếp tục duy trì hay không, do đó sẽ có nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư mua mới tại vùng giá này. Vào thời điểm tháng 3 vừa qua, nhiều cổ phiếu nhóm dầu khí sau khi đạt đỉnh cũng đã sụt giảm do giá dầu thế giới điều chỉnh.
Xét về nhóm ngành, các nhóm trụ cột chứng khoán và ngân hàng bớt tiêu cực hơn trong tuần qua. So với vùng đỉnh, nhiều cổ phiếu chứng khoán đã ghi nhận giảm một nửa như SSI, AGR… trong khi nhóm ngân hàng giảm nhẹ hơn từ 20 - 30%. Đây vẫn là nhóm có sự vận động khá nhạy cảm với thị trường, nhưng nếu chọn đầu tư trong ngắn hạn, ông/bà nghiêng nhiều cơ hội hay rủi ro?
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Tôi cho rằng trong ngắn hạn hay dài hạn hơn là nửa sau năm 2022, các cổ phiếu sẽ ít vận động theo xu hướng ngành mà là từng câu chuyện riêng lẻ. Vì vậy, nhóm ngành chứng khoán, hoặc ngân hàng cũng sẽ có những cổ phiếu phục hồi tốt hơn nhờ những câu chuyện như: lợi nhuận duy trì tăng trưởng mạnh, bán cổ phần cho đối tác chiến lược …
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment
Nếu đầu tư ngắn hạn thì rất rủi ro khi mà thị trường đi vào vùng kháng cự với dòng tiền yếu, một khi kháng cự chưa được vượt qua thì đứng ngoài quan sát, thậm chí tranh thủ cơ cấu danh mục trong lúc này tốt hơn là giải ngân mới.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Trong ngắn hạn, tôi đánh giá triển vọng của nhóm cổ phiếu chứng khoán là kém khả quan do dư nợ margin đã giảm mạnh, qua đó thanh khoản giảm và mảng tự doanh sẽ gặp khó khăn. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu này rất nhạy với diễn biến của thanh khoản thị trường, do đó khi thanh khoản có dấu hiệu tăng trở lại vùng 17.000 - 20.000 tỷ đồng khớp lệnh ở sàn HOSE thì nhóm cổ phiếu này sẽ hút được dòng tiền mà không cần phải đợi báo cáo kết quả kinh doanh.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng nhóm ngân hàng và chứng khoán có thể sẽ hồi phục theo đà tăng của thị trường, nhưng đà hồi phục sẽ rất yếu và chưa thể bước vào chu kỳ tăng trưởng bền vững như thời điểm năm 2021. Do đó, các nhà đầu tư chưa nên mua vào hai nhóm cổ phiếu này hoặc nếu có thì chỉ nên mua với tỷ trọng rất thấp khi mức định giá đang thấp hiện nay.
Nhìn chung, tôi đánh giá rủi ro của hai nhóm cổ phiếu này thì đã giảm, nhưng rủi ro vẫn đang còn cao hơn cơ hội.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Rủi ro và cơ hội luôn là hai yếu tố song hành với nhau. Rủi ro cao thường sẽ đi cùng với lợi nhuận lớn và ngược lại. Vì vậy, tôi cho rằng việc lựa chọn yếu tố nào sẽ phụ thuộc vào cá nhân của mỗi nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên có kế hoạch rõ ràng trước khi quyết định xuống tiền. Đối với những mã có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, thì có thể mua vào tại những vùng hỗ trợ để hạ thấp giá vốn của cổ phiếu.
Thống kê từ CTCK cho thấy, số lượng cổ phiếu có lãi T+3 đang dần thu hẹp, trong khi các cổ phiếu có mức thua lỗ trong T+3 bắt đầu gia tăng. Điều này cho thấy số lượng các cổ phiếu tìm được điểm dừng của đợt hồi phục đang dần chiếm đa số. Trong bối cảnh này, đâu là chiến lược đầu tư phù hợp, theo các ông/bà?
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Cá nhân tôi cũng không hiểu ý nghĩa của thống kê này lắm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cụ thể là trong tuần tới, tôi vẫn cho là thị trường sẽ có xu hướng giằng co quanh ngưỡng 1.300 điểm do thiếu vắng thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Vì vậy, đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ trạng thái, đầu tiên là nên giảm tỷ lệ margin về ngưỡng an toàn để bảo vệ tài khoản. Tiếp theo là tận dụng những phiên phục hồi để tái cơ cấu danh mục, giảm tỷ trọng các cổ phiếu đầu cơ.
Đối với những nhà đầu tư có tỷ lệ tiền mặt cao, đang muốn giải ngân, tôi cho rằng có thể giải ngân dần ở thời điểm hiện tại để tận dụng định giá rẻ của các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên giải ngân từng phần do thị trường đang chưa xác định rõ xu hướng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment
Nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục, tăng tỷ trọng tiền mặt, tránh Fomo khi thị trường đang ở kháng cự. Hạn chế tối đa việc sử dụng margin và quan sát phản ứng của thị trường tại vùng kháng cự quan trọng cũng như đây cũng là ngưỡng tâm lý 1.300.
Ông Phan Dũng Khánh |
Thanh khoản thu hẹp cũng cho thấy có sự lưỡng lự và quan sát nhiều hơn là mạo hiểm tham gia ngay vùng kháng cự. Việc quan sát cũng là một chiến lược đầu tư.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo tôi, nhà đầu tư có thể chốt lời từng phần đối với các nhóm cổ phiếu đã có mức tăng mạnh trong 3 tuần vừa qua, bên cạnh đó cũng nên tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để cơ cấu lại danh mục, mua lại những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh khả quan khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 đang đến gần.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn, nhưng sau chuỗi hồi phục vừa qua thì các chỉ số đang bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường thường sẽ đi ngang và biến động với biên độ hẹp cùng với thanh khoản thấp. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên ưu tiên chiến lược mua vào nhịp điều chỉnh và nắm giữ, đặc biệt là nên chú ý nắm giữ những nhóm cổ phiếu công nghệ, bán lẻ, nước và khí đốt, sản xuất và phân phối điện.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco
Trong bối cảnh thị trường vẫn đang ngập ngừng như hiện tại, nhà đầu tư nên ưu tiên tỷ tiền mặt cao trong danh mục để tránh những tình huống “tail risk” - rủi ro đuôi có thể xảy ra. Đây là những rủi ro có xác suất xảy ra rất nhỏ nhưng lại tác động lớn đến thị trường ví dụ như những thông tin thanh tra, kiểm tra của chính phủ trước đây.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể lựa chọn giải ngân một phần nhỏ với nhóm cổ phiếu phòng thủ hoặc các mã cổ phiếu tiềm năng có câu chuyện tăng trưởng trong trung và dài hạn. Nhà đầu cũng nên lưu ý hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính và tuyệt đối tuân thủ kỷ luật cắt lỗ trong giai đoạn này.