Tâm điểm của thị trường trong tuần qua là việc Fed công bố tăng lãi suất lần thứ 3 và kỳ tái cơ cấu đầu tiên của hai quỹ ETF ngoại trong năm 2017 với sự xáo trộn đáng kể. Áp lực bán ra có tiếp tục diễn ra trong tuần tới không theo các ông/bà?
Thị trường đã phản ứng khá bình tĩnh với kỳ tăng lãi suất của FED. Tỷ giá thậm chí giảm nhẹ sau kỳ tăng lãi suất. Kỳ tái cơ cấu ETF lại khá bất ngờ khi ROS và NVL được mua thoả thuận thay vì mua khớp lệnh. Tuy nhiên, tác động của kỳ review và đợt tăng lãi suất dự kiến sẽ ko kéo dài sang tuần tới.
Bà Lê Nguyệt Ánh
Tuy nhiên, trong một duễn biến khác, lãi suất tại một số ngân hàng đang tăng khá nhanh đối với cả lãi suất huy động và cho vay. Đây có thể là yếu tố không thuận lợi với thị trường trong tuần tới.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô, CTCK Vietcombank (VCBS)
Thị trường đã phản ứng khá tích cực trong 2 phiên cuối tuần sau khi FED tăng lãi suất và 2 quỹ ETF tái cơ cấu danh mục. Hiện tượng bán tháo không xảy ra với lực cầu được duy trì ổn định. Các cổ phiếu chịu áp lực bán từ ETF đã được bên mua hấp thụ tốt, thậm chí lấy được sắc xanh khi kết thúc tuần.
Trong tuần tới, khi các rủi ro đã được hiện thực hóa, tôi cho rằng, tâm lý nhà đầu tư sẽ trở nên lạc quan hơn thay vì trạng thái thận trọng như những phiên vừa qua.
Ở một khía cạnh khác, diễn biến có phần không tích cực tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn như ROS hay NVL có thể tạo nên áp lực nhất định đối với chỉ số chung.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân
Việc Fed bất ngờ tăng lãi suất sớm trong tháng 3 lên 25 điểm phần trăm lẽ ra phải là một thông tin xấu với thị trường tài chính. Chúng ta đã thấy khối ngoại đã bán ròng mạnh như thế nào trước đợt tăng lãi suất tháng 12/2016.
Tuy vậy, việc thị trường chứng khoán Mỹ không phản ứng tiêu cực sau thông tin được công bố, cùng với giá vàng thế giới tăng và chỉ số USD-Index giảm đã đem lại tâm lý tích cực cho thị trường chứng khoán trong nước và nhà đầu tư tỏ ra hào hứng hơn với việc bắt đáy các cổ phiếu bị các quỹ ETF bán ra trong phiên giao dịch cuối tuần.
Ông Vũ Minh Đức
Về mặt phản ứng tự nhiên, nhóm cổ phiếu được bắt đáy tốt như KDC, SSI, VCG, GTN, ITA... sẽ có sự tăng điểm trong những phiên đầu tuần tới. Tuy nhiên, việc một số cổ phiếu được ETF bổ sung vào danh mục đã có dấu hiệu quay đầu giảm giá, thậm chí NVL, ROS bị bán rất mạnh. Điều này sẽ tạo nên sự giằng co về mặt điểm số VN-Index trong ngắn hạn.
Nhìn xa hơn một chút, chúng tôi vẫn chưa thực sự yên tâm với hiệu ứng "hậu tăng lãi suất" của Fed, nhất là khi sẽ tiếp tục có 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm 2017 và 3 lần tăng trong năm 2018.
Ý tôi muốn nói là sự xu hướng dịch chuyển dòng vốn gián tiếp về Mỹ vẫn là rủi ro không thể xem nhẹ khi mà đồng bạc xanh đang ngày càng hấp dẫn hơn.
Cổ phiếu ROS bất ngờ giảm sàn ở phiên cuối tuần, song cũng không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Câu chuyện về ROS được cắt nghĩa như thế nào theo các ông/bà?
Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Dù giảm sàn, giá cổ phiếuROS vẫn đang ở mức cao so với mặt bằng chung. Dự báo diễn biến của ROS không thực sự có ý nghĩa về mặt cơ bản và nhà đầu tư cần cẩn trọng trong giao dịch.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô, CTCK Vietcombank (VCBS)
ROS đã tăng mạnh trong quãng thời gian hơn 6 tháng từ khi chào sàn và thu hút sự chú ý không nhỏ trên thị trường.
Bước ngoặt xảy đến khi ROS chính thức được thêm vào rổ chỉ số của FTSE Vietnam Index trong kỳ tái cơ cấu tháng 3/2017 (công bố ngày 3/3/2017), theo đó là kỳ vọng về cơ hội lợi nhuận mở ra trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi số đông đều nhìn nhận thấy điều này, lực cung mạnh trong phiên cuối tuần đã vượt quá nhu cầu mua của FTSE.
Bên cạnh đó, dữ liệu giao dịch cho thấy quỹ này nhiều khả năng đã thực hiện mua vào ROS theo phương thức thỏa thuận, gián tiếp khiến lực cầu trở nên cạn kiệt trong phiên ATC. Việc ROS giảm sàn là hệ quả có thể dự báo trước.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân
Việc ROS tăng giá một phần xuất phát từ kỳ vọng cổ phiếu này sẽ được các quỹ đầu tư theo chỉ số mua vào do ROS đáp ứng được các tiêu chí về vốn hóa hay thanh khoản. Do đó, khi mà ROS đã đạt được mục tiêu này, yếu tố "giá trị nội tại" sẽ được thị trường nhắc lại.
Kết quả kinh doanh dự báo quý I/2017 sẽ được các doanh nghiệp công bố trong một vài tuần tới cũng là thông tin được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ông/bà dự báo như thế nào về “viễn cảnh” kết quả kinh doanh quý I/2017? Nếu nhìn ở góc độ đầu tư, nhóm ngành nào có lợi thế?
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô, CTCK Vietcombank (VCBS)
Các nhóm ngành có kết quả kinh doanh nổi bật trong năm 2016 như xây dựng và vật liệu xây dựng cũng như một số nhóm ngành đứng sau trong chu kỳ như bất động sản hay vật liệu xây dựng hoàn thiện nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong quý I.
Ông Trần Minh Hoàng
Bên cạnh đó, với diễn biến thuận lợi trên thị trường, lợi nhuận tại các doanh nghiệp trong ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán cũng được dự báo tích cực.
Tuy nhiên, tôi cho rằng mức độ phân hóa trên thị trường cũng như trong từng nhóm ngành sẽ ở mức cao, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ càng các yếu tố nội tại của mỗi doanh nghiệp để lựa chọn quyết định đầu tư phù hợp.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân
Xét về kết quả kinh doanh quý I/2017, chúng tôi cho rằng các cổ phiếu ngành thép vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh tích cực tiếp nối từ năm 2016.
Các cổ phiếu thuộc nhóm cao su tự nhiên cũng đáng chú ý khi mà việc giá cao su thế giới tăng mạnh lên mức cao nhất 5 năm trong những tháng trước sẽ có tác động tích cực nhưng với một độ trễ nhất định tới mức giá bán mủ cao su của các công ty như TRC, PHR hay DPR, do các hợp đồng mua bán cao su thường mang tính chất kỳ hạn.
Doanh thu và lợi nhuận của các công ty dệt may cũng có thể sẽ khởi sắc hơn vì qua tìm hiểu, tôi nhận thấy các đơn hàng may mặc từ nước ngoài đã có dấu hiệu phục hồi tốt hơn trong năm 2017 sau khi đã trùng xuống vào nửa cuối 2016 do triển vọng TPP không mấy khả quan.
Còn lại một số ngành khác như hàng tiêu dùng, hạ tầng, vận tải, kho vận... có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng phù hợp với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2017.