Thị trường đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng ngoài mong đợi, đẩy VN-Index tiến đến vùng 1.100 điểm, đặc biệt bùng nổ ở phiên cuối tuần. Theo các ông/bà, sự phục hồi ngoạn mục này là do những yếu tố nào và liệu đà hồi phục này có được duy trì trong tuần tới?
Ông Định Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô; Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect
Đà phục hồi ấn tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 2 tuần gần đây đến từ những yếu tố hỗ trợ sau: (1) Chủ tịch Fed đã chính thức xác nhận sẽ làm chậm lại đà tăng lãi suất trong kỳ hợp sắp tới; (2) Các tín hiệu rõ ràng hơn cho việc Trung Quốc có thể sớm mở cửa trở lại giúp, TTCK trong khu vực hứng khởi; và (3) NHNN chính thức phân bổ lại dư địa tăng trưởng room tín dụng cho một số ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời điểm cuối năm. Đặc biệt, tâm lý tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước còn được củng cố khi khối ngoại đã mua ròng hơn 20.000 tỷ đồng từ đầu tháng 11 đến nay.
Những yếu tố này đã giúp chỉ số VN-Index hồi phục mạnh mẽ và đóng cửa tuần giao dịch vừa qua tại 1.080 điểm (tăng gần 24% so với mức đáy thấp nhất 873,8 điểm trong phiên ngày 16/11/2022.
Về diễn biến trong tuần tới, chúng ta thấy rằng, thị trường đã có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index liên tiếp vượt qua các kháng cự 1.000 điểm, đường MA50 (1.025 điểm) và vùng kháng cự mạnh 1.050 - 1.070 điểm. Điều này cho thấy, động lực tăng ngắn hạn của thị trường đang mạnh. Dòng tiền cũng thể hiện xu hướng tích cực khi giá trị giao dịch toàn thị trường có những phiên đã quay trở lại mức trên 20.000 tỷ đồng, được dẫn dắt bởi đà mua ròng mạnh của khối nhà đầu tư nước ngoài.
Tôi cho rằng, xu hướng dòng vốn ngoại sẽ vẫn duy trì tích cực trong tuần tới khi tỷ giá trong nước hạ nhiệt và quỹ Fubon ETF tiến hành giải ngân sau khi gọi vốn lần thứ tư. Do đó, chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index duy trì xu hướng tăng điểm trong tuần tới và hướng tới vùng kháng cự 1.125 - 1.140 điểm (tương đương đường MA100). Tuy nhiên, thị trường có thể rung lắc mạnh do hoạt động chốt lời gia tăng ở vùng kháng cự đó.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Thực ra, dòng tiền với TTCK không phải quá nhiều nếu so với kênh bất động sản. Nếu nhìn cả chục năm nay thì dòng tiền trên TTCK lúc nào cũng hiện hữu và chờ cơ hội, nên năm nào cũng có một vài sóng tăng. Yếu tố quan trọng để thu hút dòng tiền này là giá đã giảm mạnh sau nhịp điều chỉnh và có lực mua đủ mạnh, hấp thụ tương đối tốt lực bán.
Ông Nguyễn Hữu Bình |
Nhà đầu tư hiện nay theo trường phái đầu cơ tương đối nhiều, nên yếu tố mua mạnh, hấp thụ lực bán tốt là điều kiện rất quan trọng, mà ở giai đoạn hiện nay yếu tố này là khối ngoại. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều cổ phiếu có thanh khoản cực lớn như HPG vẫn có thể tăng trần. Điều đó sẽ tạo ra áp lực với người đứng ngoài cuộc và họ sẽ bắt đầu mua vào.
Việc TTCK liên tiếp tăng mạnh trong khoảng 5 - 6 phiên gần nhất đến khoảng 150 điểm tất yếu sẽ khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu tăng áp lực chốt lời. Nếu như lực mua khối ngoại giảm thì có thể áp lực bán sẽ lại gia tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, ở tuần tới mức bán không phải quá lớn, bởi lực mua giá thấp sẽ lại xuất hiện từ những người bán giá cao.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Thị trường đã ghi nhận tuần tăng điểm rất mạnh trên diện rộng sau khi lượng cổ phiếu bán giải chấp của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp được gom ở vùng giá thấp. Chính việc giảm quá nhanh trong thời gian ngắn đã khiến mặt bằng cổ phiếu về vùng hấp dẫn.
Sự hồi phục của dòng tiền ngắn hạn khi giá cổ phiếu có dấu hiệu chạm đáy, cùng việc giải ngân rất mạnh của các quỹ ngoại thời gian qua là yếu tố chính giúp thị trường bật tăng mạnh trở lại.
Nhóm cổ phiếu bất động sản sau chuỗi ngày giảm sâu đã quay đầu tăng trưởng ấn tượng như NVL, PDR, DIG, HPX, DXG, HQC, VCG... Tuy nhiên, nhiều mã có những pha rung lắc mạnh với biến động lớn trong phiên, trong khi số khác thì thanh khoản vẫn rất hạn chế. Ông/bà nhìn nhận sao về diễn biến này? Việc chọn đầu tư vào các mã này, nhà đầu tư cần lưu ý những điểm gì, theo các ông/bà?
Ông Định Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô; Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect
Sự quay xe của nhóm cổ phiếu bất động sản sau chuỗi ngày giảm sâu có thể được lý giải từ:
Lực cầu bắt đáy “giải cứu” xuất hiện khi các cổ phiếu này đã chiết khấu rất sâu so với đỉnh, thậm chí nhiều cổ phiếu có P/B đã về mức 0,6 - 0,8 lần. Mức định giá này đã phản ánh phần lớn những rủi ro liên quan tới nhóm cổ phiếu bất động sản (khó khăn thanh khoản, thị trường bất động sản trầm lắng…) và tương đương với giai đoạn khủng hoảng bất động sản 2011 – 2013, hay đợt đáy Covid-19 năm 2020, qua đó kích thích dòng tiền bắt đáy săn cổ phiếu giá rẻ.
Các công ty chứng khoán cơ bản đã xử lý xong các khoản vay ký quỹ, giảm thiểu đáng kể áp lực bán giải chấp “margin call” là nguyên nhân chính cho đợt sụt giảm rất mạnh vừa qua.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong ngắn hạn, liên quan tới vấn đề thanh khoản khi huy động vốn từ kênh trái phiếu doanh nghiệp tạm thời bị ngưng trệ. Vì vậy, diễn biến nhóm cổ phiếu bất động sản tiềm ẩn rủi ro cao, do đó nhà đầu tư cá nhân nên hết sức lưu ý khi giao dịch nhóm cổ phiếu này trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Cá nhân tôi tin rằng, mọi thứ chỉ là bề nổi. Câu chuyện của những doanh nghiệp này còn nhiều hệ lụy và thời gian tới giá sẽ lại tiếp tục điều chỉnh giảm. Khi mà mọi thứ đã không còn nằm trong tay của doanh nghiệp và đã phải bán tài sản thì mọi điều đều có thể xảy ra.
Cơ bản tôi cho rằng, kênh bất động sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài tới đây thì những doanh nghiệp trên còn gặp khó với dòng tiền, với khoản nợ.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Khi thị trường hồi phục thì các nhóm ngành bị giảm sâu trước đó như bất động sản, chứng khoán hay thép sẽ thường bật mạnh hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn thì các ngành này hiện tại vẫn là những ngành được đánh giá là sẽ khó khăn trong thời gian sắp tới, do đó việc tăng điểm chỉ hoàn toàn mang yếu tố hồi phục do đã giảm quá sâu chứ không phải yếu tố tăng trưởng bền vững.
Ông Dương Hoàng Linh |
Nhà đầu tư nếu tham gia thì cũng lưu ý chỉ mang tính lướt sóng ngắn hạn chứ không phù hợp cho việc nắm giữ lâu dài, bởi những khó khăn đó vẫn đang hiện hữu và chưa có sự thay đổi đáng kể về mặt bản chất.
Chuỗi ngày giải chấp mạnh tại nhiều mã cổ phiếu đã làm thay đổi cơ cấu cổ đông tại một vài doanh nghiệp. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Đó là câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp và người bỏ tiền mua số cổ phần trên điều đầu tiên họ phải nhìn thấy lợi ích. Với những nhà đầu tư cá nhân mua đuổi liệu có nắm được câu chuyện phía sau hay không, tất nhiên là không. Vậy thì mua cổ phiếu đó làm gì khi không rõ nội tình doanh nghiệp đang ra sao, tình hình tài chính như thế nào. Cái chính là bản nhà đầu tư vẫn thích đầu cơ.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Dù không muốn nhưng nhiều lãnh đạo đã phải chấp nhận thực tế trong việc thay đổi cơ cấu sở hữu, bởi những khó khăn về tài chính, công nợ của họ là gần như không thể có giải pháp khắc phục trong ngắn hạn.
Gần như đây là lần đầu xảy ra trên TTCK Việt Nam, do vậy tôi nghĩ đây là hiện tượng thú vị và khá tò mò theo dõi những kết quả tiếp theo trong thời gian tới: diễn biến giá cổ phiếu sau khi chuyển giao sang nhà đầu tư ngắn hạn? Cách mà chủ doanh nghiệp tăng sở hữu trở lại và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nếu đổi chủ?...
Một cách tổng quan, ông/bà nhìn nhận nhóm cổ phiếu nào sẽ có sự “bứt tốc” tốt hơn trong tháng cuối năm, vì sao? Nếu được, ông/bà có thể gợi ý một vài trường hợp cụ thể?
Ông Định Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô; Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect
Tôi cho rằng, dòng tiền có thể hướng tới những cổ phiếu cơ bản tốt trong những ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, năng lượng (xăng dầu, điện), nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công, đặc biệt lưu ý một số cổ phiếu chưa tăng nhiều trong những phiên giao dịch gần đây (đang giao dịch dưới đường MA50). Tôi kỳ vọng dòng tiền thông minh trên thị trường có thể luân chuyển và hướng tới nhóm cổ phiếu này trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Nói chung là khó nhận định khi mà ngành nào cũng đều đang gặp khó khăn trước bối cảnh hiện nay. Hiện tại, thị trường đang khá hào hứng, tiền vẫn đang chảy vào kênh này thì chủ yếu nó vận động kiểu lan tỏa, mã nào chưa tăng thì có thể sẽ tăng. Tôi không mấy kỳ vọng vào nhịp tăng này trước những diễn biến vĩ mô như hiện tại.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Tôi đánh giá đây vẫn chỉ là đợt hồi phục kỹ thuật (có thể tiếp tục kéo dài thêm 1 vài tuần), do vậy, các cổ phiếu có thể hồi phục mạnh nhất vẫn sẽ nằm ở các nhóm bị giảm nhiều nhất trước đó như bất động sản, chứng khoán và thép.
Tuy vậy, nhà đầu tư phải tính đến những kịch bản mà bất ngờ thị trường có thể đảo chiều trở lại, và luôn sẵn sàng phương án để quản trị rủi ro. Ngoài ra, cũng không nên cố mua đuổi các cổ phiếu đã tăng quá nóng trong thời gian gần đây.
Cơ quan quản lý đã có một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như khuyến khích ngân hàng còn room giải ngân, phân bổ lại dư địa tăng trưởng room tín dụng cho một số ngân hàng. Những giải pháp này tác động đến hoạt động doanh nghiệp ra sao?
Ông Định Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô; Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect
Ông Định Quang Hinh |
Theo tôi, một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế giai đoạn hiện nay là vấn đề thiếu hụt thanh khoản do tăng trưởng cung tiền trong năm nay chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, tôi cho rằng, các giải pháp hỗ trợ thanh khoản của các cơ quan quản lý nhà nước giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt nhằm giúp những ngành sản xuất, lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, mở rộng hoạt động sản xuất trong mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm.
Còn về động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước, tôi cho rằng đây là giải pháp nhằm phân bổ lại room tín dụng giữa các ngân hàng, theo đó phân bổ thêm cho các ngân có chỉ tiêu tài chính tốt, còn mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong năm nay theo tôi vẫn xoay quanh mức 14%. Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quyết liệt hơn để đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh áp lực tăng lãi suất đầu ra (cho vay) ngày càng tăng, thì việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% hiệu quả sẽ góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí lãi vay, gia tăng hiệu quả hoạt động.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Điều này là rất tốt, nhưng giải ngân như thế nào, tiền đó đi đâu lại là câu chuyện đáng nói. Nhiều doanh nghiệp cận Tết đang khát vốn, nếu có nguồn vốn vay này là rất tốt để kinh doanh. Tuy nhiên, về mảng này thực tế đang có khá nhiều vấn đề và tôi không đi sâu vào. Điểm mà tôi nêu ra ở đây là với mức lãi suất đang huy động như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trước chi phí tài chính này.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank
Tôi không nghĩ câu chuyện tăng room sẽ có tác động đáng kể tới bản chất hoạt động nền kinh tế ở thời điểm hiện tại và chúng ta không nên mong đợi quá nhiều ở yếu tố này. Khi mà tốc độ tăng trưởng huy động từ đầu năm tới giờ thấp hơn rất nhiều tăng trưởng tín dụng, có nghĩa tiền ở đâu để đẩy vào lưu thông?
Tuy nhiên, tôi tin các cơ quan quản lý sẽ có thêm những giải pháp thực tế để ổn định nền kinh tế và thị trường vốn, giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn hiện tại (đặc biệt thị trường trái phiếu và doanh nghiệp bất động sản).