Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Không có nhóm ngành cụ thể nên nắm giữ?

(ĐTCK) Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia chứng khoán vẫn có cái nhìn thận trọng về thị trường. Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên hạ dần các tỷ lệ margin và cần có sự cơ cấu vào nhóm cổ phiếu đầu tư trung hạn sẽ an toàn hơn. Sẽ không có nhóm ngành cụ thể nên nắm giữ, mà nhà đầu tư nên hướng đến những cổ phiếu có sự kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Không có nhóm ngành cụ thể nên nắm giữ?

Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch điều chỉnh, thanh khoản cũng ghi nhận sự sụt giảm. Liệu xu hướng này có tiếp tục diễn ra trong tuần tới, khi mà kỳ nghỉ lễ đang đến gần, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Thị trường đã có một chuỗi tăng liên tục từ đầu tháng 12 đến nay và đã vượt hơn 70 điểm từ mốc 650. Hiếm có chuỗi tăng nào lại kéo dài như vậy trong vài năm gần đây và vì vậy việc điều chỉnh một chút là cần thiết.

Tuần qua, có khá nhiều công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh rất tốt nhưng giá không tăng nhiều do thông tin lợi nhuận đã được dự báo từ trước và giá các cổ phiếu nhóm này cũng tăng tương đối trong suốt mấy tháng qua. Điều đó cũng tương tự với nhiều nhóm cổ phiếu khác là giá đã phản ảnh những kỳ vọng lợi nhuận quý I từ trước đó.

Vì vậy, sau khi những thông tin về ĐHCĐ và báo cáo quý I kết thúc, thị trường sẽ rơi vào giao đoạn trũng thông tin và có thể sẽ có sự điều chỉnh. Tôi cho rằng từ tuần sau trở đi thị trường sẽ tiếp tục phân hóa mạnh và hoạt động bán ra chốt lời sẽ tăng dần.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI

Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường đã bước vào giai đoạn giảm ngắn hạn nối tiếp xu hướng giảm của tuần giao dịch trước đó. Chỉ số VN-Index giảm dưới mức 720 điểm với khối lượng giao dịch ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra rất thận trọng trước các dự kiện rủi ro chính trị thế giới.

Tôi cho rằng, xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn trong tuần giao dịch tới khi rủi ro ngắn hạn vẫn còn ở mức khá cao và thông tin hỗ trợ không có nhiều.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Thanh khoản thị trường có dấu hiệu sụt giảm những phiên gần đây, đặc biệt trên HSX do hoạt động đầu cơ lắng xuống kể từ khi VN-Index điều chỉnh từ vùng 730 điểm.

Việc điều chỉnh của thị trường vừa xuất phát từ nguyên nhân kỹ thuật, vừa xuất phát từ những quan ngại về căng thẳng địa chính trị. Ngoài ra, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đang tới gần cùng với nó là tháng Năm với hiệu ứng "Sell in May" đã trở nên quen thuộc.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Không có nhóm ngành cụ thể nên nắm giữ? ảnh 1

 Ông Vũ Minh Đức

Do đó, tôi cho rằng nếu thị trường đi ngang hoặc tăng điểm nhẹ thì thanh khoản vẫn sẽ duy trì ở mức trung bình như hiện tại, tuy nhiên nếu giảm điểm thì có thể xuất hiện thanh khoản lớn, do lượng cổ phiếu tích lũy ở vùng giá cao vẫn còn nhiều. 

Cổ phiếu PLX của Petrolimex đang là điểm nóng của thị trường thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ông/bà đánh giá như thế nào về tiềm năng của cổ phiếu PLX, cũng như sức ảnh hưởng của những cổ phiếu mới lên sàn đối toàn thị trường?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

PLX là tập đoàn phân phối xăng dầu có uy tín nhất và cũng lớn nhất cả nước hiện tại với thị phần áp đảo so với công ty đứng sau. Điểm hấp dẫn của PLX - đây là một trong những tập đoàn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước vì vậy cũng là điểm ngắm thoái vốn trong thời gian tới. Petrolinex có các trạm xăng lớn với nhiều vị trí đắc địa tại các tỉnh thành và cơ hội mở rộng các hoạt động thương mại khác còn rất tiềm năng.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng có những rủi ro như phải cơ cấu lại hoạt động và thoái vốn các công ty ngoài ngành mà theo đánh giá là tập đoàn đã đầu tư khá dàn trải ở nhiều lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.

Mức giá niêm yết của PLX được xem là khá phù hợp với mặt bằng các blue chip khác, nghĩa là PE tầm 16. PLX vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai và là điểm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài tham gia nắm giữ.

Vốn hóa của PLX hiện đứng thứ 10 trên sàn vì vậy sức mạnh ảnh hưởng của PLX ngang bằng với GAS hay SAB trên sàn HOSE. Về thanh khoản thì với lượng lưu hành tự do sắp tới hơn 70 triệu cũng vừa đủ tạo các giao dịch sôi động và tạo điểm nhấn trên sàn giao dịch.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI

Cổ phiếu PLX được niêm yết vào ngày 21/04/2017 và tôi đánh giá cổ phiếu PLX có thể sẽ chịu áp lực chốt lời mạnh do lượng cổ phiếu trôi nổi tăng dần trong năm 2016 khi cơn sốt của sàn OTC nổi lên.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Không có nhóm ngành cụ thể nên nắm giữ? ảnh 2

 Ông Nguyễn Thế Minh

Tăng trưởng từ mảng bán lẻ xăng dầu sẽ giúp PLX duy trì ổn định do Việt Nam vẫn đang trong tiến trình cơ giới hoá, nhưng rủi ro ngắn hạn cũng sẽ ảnh hưởng đến PLX đó là diễn biến của giá dầu. Ngoài ra, rủi ro chính sách cũng là rủi ro dài hạn lớn nhất của PLX.

Do đó, tôi đánh giá yếu tố giá cổ phiếu của PLX sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của giá dầu trong thời gian tới. Giá trị vốn hoá của PLX nằm trong top 10 cổ phiếu trên sàn HOSE, cho nên diễn biến giá cổ phiếu PLX sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian tới.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)

PLX với mức vốn hóa, tính theo giá phiên đầu tiên  niêm yết đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, lọt vào top 10 cổ phiếu có tầm ảnh hưởng mạnh nhất lên chỉ số VN-Index. PLX cũng những cổ phiếu đã và sẽ lên sàn trong thời gian tới, tính cả NVL và VJC sẽ làm thay đổi các trụ đỡ của thị trường, cũng như tỷ trọng của các cổ phiếu thành phần trong các rổ VN30 hay là các rổ chỉ số ETF của Vaneck hay FTSE.  

Nếu xét theo lợi nhuận 2016 của PLX đang giao dịch về hệ số P/E ~ 11,5x, là mức P/E khá hợp lý so với mặt bằng P/E khoảng 16x của VN-Index cũng như vị thế của một công ty đầu ngành.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì có thể thấy lợi nhuận của PLX không thực sự ổn định do có độ nhạy cao với biến động của giá dầu thế giới, cũng như gánh chịu thêm rủi ro từ những biến động tỷ giá. PLX thậm chí còn đã lỗ trong năm 2014. Vì vậy, tôi đánh giá không cao tính bền vững về hiệu quả hoạt động của cổ phiếu này và mức giá hiện tại do đó cũng không quá hấp dẫn. 

Tuần qua, hiện tượng “call margin” đã xuất hiện đối với một số mã cổ phiếu. Một số CTCK cũng khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế giao dịch trong giai đoạn này, nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao thì có thể tận dụng nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng về mức an toàn. Ông/bà có thể đưa ra quan điểm về chiến lược đầu tư ở giai đoạn hiện tại (nhóm cổ phiếu đáng quan tâm)?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Thị trường đang có mức PE khoảng 14.4 và tôi cho rằng đây là mức định giá khá cao so với lịch sử PE trung bình của thị trường Việt Nam.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Không có nhóm ngành cụ thể nên nắm giữ? ảnh 3

Ông Nguyễn Hồng Khanh 

Thông thường sau một giai đoạn thanh khoản tăng cao, thị trường sẽ hạ nhiệt và có một khoảng lặng “nghỉ ngơi”.  Ngoài ra, sau khi kết quả quý I công bố thì thị trường sẽ rơi vào giai đoạn trầm lắng thiếu thông tin và giao dịch cũng sẽ sụt giảm tương ứng.

Vì vậy, trong ngắn hạn nhà đầu tư nên hạ dần các tỷ lệ margin và cần có sự cơ cấu vào nhóm cổ phiếu đầu tư trung hạn sẽ an toàn hơn. Sẽ không có nhóm ngành cụ thể nên nắm giữ mà nhà đầu tư nên hướng đến những cổ phiếu có sự kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm ví dụ như FPT, SSI, MWG, CTD, HBC, HPG, NVL…

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI

Tôi cho rằng xu hướng giảm của thị trường vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc cho nên các nhà đầu tư ngắn bạn nên tận dụng nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư trung hạn tái cơ cấu danh mục và chú ý vào những cổ phiếu có kết quả tăng trưởng tích cực trong quý I.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Tôi cũng cho rằng thị trường vẫn còn rủi ro giảm điểm trong ngắn hạn. VN-Index thậm chí có thể về vùng khoảng 680-700 điểm trong tháng 5 tới, tuy nhiên đây là nhịp điều chỉnh hợp lý để củng cố cho xu hướng tăng trung hạn. VCSC vẫn duy trì mục tiêu 750 điểm vào cuối năm cho chỉ số sàn HSX này.

Theo đó ở giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn và tranh thủ cấu trúc lại danh mục cho giai đoạn cuối năm. 

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục