Báo cáo tài chính kiểm toán và câu hỏi về độ tin cậy

(ĐTCK) Báo cáo tài chính kiểm toán là một trong những thông tin quan trọng mà doanh nghiệp niêm yết buộc phải công bố và là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá chất lượng tài chính, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. 
Báo cáo tài chính tuy quan trọng nhưng chưa thể coi là cơ sở cung cấp thông tin duy nhất đối với nhà đầu tư khi mà độ tin cậy còn bị đặt nhiều dấu hỏi Báo cáo tài chính tuy quan trọng nhưng chưa thể coi là cơ sở cung cấp thông tin duy nhất đối với nhà đầu tư khi mà độ tin cậy còn bị đặt nhiều dấu hỏi

Tuy nhiên, một số trường hợp báo cáo chứa nhiều sai sót trọng yếu dù có ý kiến của kiểm toán khiến thị trường không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng và độ tin cậy của báo cáo này.

Quan trọng, nhưng chưa đủ tin cậy

Ngày 14/4 vừa qua, Công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC) đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa ra khỏi danh mục được phép giao dịch ký quỹ do “chậm công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 quá 5 ngày làm việc”.

Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố báo cáo tài chính được kiểm toán trong vòng không quá 90 ngày từ ngày kết thúc năm tài chính và ý kiến kiểm toán là một trong những căn cứ để Sở xem xét cổ phiếu đó có được đưa vào danh mục được phép ký quỹ, có bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt hay thậm chí sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kiểm toán từ chối đưa ý kiến hay không.

Với nhà đầu tư hay các chuyên viên phân tích, báo cáo tài chính kiểm toán là cơ sở quan trọng để đánh giá tình hình hoạt động, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Quan trọng là vậy, tuy nhiên, thực tế thị trường đã chứng kiến nhiều câu chuyện về việc doanh nghiệp bất ngờ phát hiện những sai lệch trọng yếu trong cơ cấu tài sản, hay phải điều chỉnh, hồi tố lại báo cáo năm trước dù đã được kiểm toán, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Chẳng hạn, đầu tháng 2 vừa qua, cổ phiếu ATA của Công ty cổ phần NTACO đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM hủy niêm yết bắt buộc do Công ty Kiểm toán A&C từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015.

Tại thời điểm tháng 8/2015, khi phát hành báo cáo soát xét bán niên 2015, ý kiến của Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Tư vấn Đất Việt, đơn vị thực hiện kiểm toán ATA, nhận định: “không thấy có sự kiện nào để cho rằng báo cáo tài chính kèm theo không phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan”.

Tuy nhiên, vài tháng sau, khi niên độ tài chính của ATA kết thúc, kiểm toán Đất Việt chưa công bố được báo cáo kiểm toán năm cho ATA và khi Công ty A&C vào thay thế, tháng 8/2016, báo cáo kiểm toán được phát hành với khoản hàng tồn kho gần 400 tỷ đồng đầu năm đã “bốc hơi” về số 0, hàng loạt số liệu cũng khác với báo cáo Công ty tự lập. Kết quả cả năm, ATA lỗ trên 426 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm hơn 300 tỷ đồng. Việc các số liệu tài chính thay đổi mạnh chỉ trong vài tháng đã khiến nhà đầu tư không khỏi bất ngờ.

Thực tế, ATA không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, thị trường cũng chấn động với vụ việc Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đột ngột báo lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II/2016 khi báo cáo kiểm toán bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn Ernst & Young Việt Nam phát hiện những sai lệch trọng yếu trong hàng tồn kho và báo cáo tài chính 2015 bị điều chỉnh hồi tố một số khoản mục, lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn dù đã được kiểm toán bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán DFK Việt Nam.

Hay việc Công ty cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) bị phát hiện gần như không có hoạt động kinh doanh, thực hiện buôn bán hóa đơn với nhiều công ty khác sai lệch tài chính… đã đặt dấu hỏi về trách nhiệm của kiểm toán với ý kiến của mình, khi nhà đầu tư chịu thua lỗ, nhưng không thấy kiểm toán nào phải chịu trách nhiệm.

Những câu chuyện của ATA hay TTF, MTM cho thấy, báo cáo dù đã có ý kiến kiếm toán vẫn có thể chứa đựng những sai lệch trọng yếu. Điều này khiến nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không khỏi lo lắng, bởi đây gần như là cách duy nhất để họ đánh giá hiệu quả hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp mình đang đầu tư.

Yếu, thiếu hay luật còn nhiều kẽ hở?

Đem câu hỏi về nguyên nhân những sai lệch vẫn còn tồn tại dù đã qua vòng kiểm duyệt của kiểm toán trao đổi với lãnh đạo một công ty kiểm toán nội địa, anh cho biết, ngoài nguyên nhân bởi ngành kiểm toán Việt Nam còn non trẻ, nhiều kiểm toán viên “non tay", bị doanh nghiệp qua mặt…, thì có một thực thực tế phải chấp nhận là kiểm toán không thể kiểm soát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, kiểm toán không thể kiểm tra từng thùng hàng tồn kho, tiền mặt tại quỹ của mỗi chi nhánh, từng hóa đơn chứng từ… mà chủ yếu dựa trên việc kiểm mẫu, đối chiếu sổ sách để phát hiện sai lệch, phỏng vấn lãnh đạo, xác nhận công nợ..., qua đó đưa ra đánh giá. Chưa kể, thời gian ra báo cáo gấp rút khiến kiểm toán viên phải chịu áp lực “chạy đua”.

Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp nếu chủ động muốn giấu giếm sẽ có “trăm phương ngàn kế” để che mắt mà không phải lúc nào kiểm toán viên cũng tìm ra. Trách nhiệm của kiểm toán là phát hiện những sai lệch dựa trên những chuẩn mực kế toán - kiểm toán được công bố trong khả năng, không phải đảm bảo hoàn toàn độ tin cậy của báo cáo.

Mối quan hệ lợi ích 3 bên giữa công ty kiểm toán, doanh nghiệp và người sử dụng báo cáo cũng là vấn đề cần lưu ý. Doanh nghiệp đóng vai trò là khách hàng, người trả tiền thuê cho công ty kiểm toán - nhà cung cấp dịch vụ. Trong khi, theo công bố của Bộ Tài chính, đến giữa tháng 3/2017, có đến 157 công ty kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam, áp lực cạnh tranh trong ngành là rất lớn, nếu không dung hòa hợp lý, làm khách hàng phật ý thì chuyện mất khách, mất doanh thu rất dễ xảy ra.

Với những tên tuổi lớn trong Big Four (KPMG, Earn and Young, PwC, Deloitte), thương hiệu, uy tín và lượng khách hàng đủ lớn để họ không dễ bị cuốn đi theo các yêu cầu riêng từ khách hàng. Nhưng tại nhiều công ty nhỏ, có khách hàng đã khó nên việc giữ khách rất quan trọng, dẫn tới có vấn đề mà kiểm toán viên đã thấy nhưng chỉ yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh “một cách hợp lý”. Trường hợp này xảy ra sẽ dẫn đến xung đột, mâu thuẫn lợi ích với những người sử dụng báo cáo, cổ đông hay nhà đầu tư, tuy nhiên, đây là đối tượng không có hợp đồng với công ty kiểm toán, không có mối quan hệ ràng buộc.

Thực tế, không phải lúc nào, tính minh bạch, chính xác, độ tin cậy trong báo cáo tài chính cũng được doanh nghiệp kiểm toán ưu tiên lên hàng đầu. Việc công ty kiểm toán phải đưa ra ý kiến ngoại trừ, từ chối hay rút lui thường là “bất đắc dĩ” và không còn cách nào khác.

Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành cũng nhận định, quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng về trách nhiệm của kiểm toán viên khi có sai sót trong báo cáo tài chính. Việc lập và trình bày báo cáo thuộc về doanh nghiệp, nếu có sai sót, ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, trong khi kiểm toán không có trách nhiệm phát hiện, tìm kiếm gian lận, nếu có ý kiến loại trừ, kiểm toán chỉ có yêu cầu giải trình.

Bên cạnh đó, nếu kết quả điều tra khi có sai phạm cho thấy, kiểm toán viên có thông đồng để làm gian dối báo cáo tài chính thì nhân viên kiểm toán sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên trường hợp này rất khó xác định. Nếu xảy ra vi phạm thông thường, kiểm toán viên chỉ chịu xử phạt hành chính, đình chỉ tư cách…, so với những sai lệch gây ra có thể không tương xứng, chưa đủ sức răn đe để họ trách nhiệm hơn với ý kiến của mình.

Câu chuyện Công ty kiểm toán Arthur Andersen, 1 trong 5 công ty kiểm toán hàng đầu thị trường tư vấn - kiểm toán toàn cầu sụp đổ vì bê bối Enron năm 2001 vẫn luôn được nhắc lại như một minh chứng rõ ràng nhất để nhà đầu tư hiểu rằng: báo cáo kiểm toán, dù là một trong những công ty kiểm toán uy tín nhất thế giới, không phải bao giờ cũng có thể hoàn toàn tin cậy. 

Cụ thể, Andersen đã ký hợp đồng làm tư vấn cho Enron, sau đó lại đóng vai trò kiểm toán để xác nhận những báo cáo tài chính của Enron. Phí tư vấn và kiểm toán đều là những con số khổng lồ hàng chục triệu USD mỗi năm đã ảnh hưởng đến việc Anderson đưa ra ý kiến khách quan. Sự sụp đổ của Andersen và Enron kéo theo thiệt hại của hàng ngàn nhà đầu tư trên phố Wall.

Như vậy, báo cáo tài chính tuy quan trọng nhưng chưa thể coi là cơ sở cung cấp thông tin duy nhất đối với nhà đầu tư khi mà độ tin cậy còn bị đặt nhiều dấu hỏi. Trong điều kiện của thị trường chứng khoán Việt Nam, các vấn đề kế toán, kiểm toán còn nhiều kẽ hở, để tự bảo vệ mình, nhà đầu tư cần thiết phải tự nâng cao kiến thức để đánh giá chất lượng tài chính của doanh nghiệp, đồng thời nên tìm hiểu toàn diện về thương hiệu, uy tín, định hướng của ban lãnh đạo, hoạt động kinh doanh thực tế... của công ty trước khi ra quyết định đầu tư.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục