Tuần sau, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp phiên thường kỳ tháng 3 về quyết định tăng lãi suất. Ông bà dự báo như thế nào về khả năng tăng lãi suất lần này cũng như mức tác động đến TTCK Việt Nam?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Thị trường lao động của Mỹ sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn giữ mức thấp nghiệp thấp và các hoạt động kinh tế vẫn đang vận hành hiệu quả.
Chứng khoán Mỹ đã liên tục phá các kỷ lục mới lên 21.000 điểm khi nhà đầu tư tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ trong dài hạn.
Trong năm nay, FED đã công bố sẽ còn tăng lãi suất từ 2 đến 3 lần nữa vì vậy cuộc họp vào tháng 3 tới đây khả năng rất cao sẽ thực hiện.
Ở lần tăng lãi suất vào tháng 12/2016, thị trường chứng khoán Việt Nam hầu như không phản ứng vì đã có sự chuẩn bị từ trước. Chỉ có một lo ngại là chi phí lãi vay sẽ tăng lên, những nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn. Đồng thời, đồng tiền của các nước đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá.
VND chỉ mới điều chỉnh một phần vào giữa tháng 2 vừa qua. Trong bối cảnh nhập siêu đang trở lại và tỷ giá vẫn thấp tương đối so với các đồng tiền khác, thì biến động tỷ giá của VND có thể căng thẳng hơn năm trước. Điều đó dự báo lãi suất sẽ không còn rẻ từ 6 tháng trở về sau và điều này sẽ không ủng hộ cho TTCK. Tuy nhiên, về ngắn hạn ít nhất đến hết quý IIm thị trường sẽ vẫn chưa chịu ảnh hưởng tiêu cực và điều quan trọng là dòng tiền của các quỹ đầu tư nóng sẽ còn ở lại trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, CTCK Agriseco (AGR)
Với việc số liệu thị trường lao động của Mỹ khởi sắc, cho thấy gần như chắc chắn FED sẽ quyết định tăng lãi suất vào cuộc họp sắp tới. Mức độ tác động tới TTCK phụ thuộc vào mức tăng của FED trong cuộc họp này.
Bà Nguyễn Ngọc Lan
Trường hợp FED chỉ tăng thêm 0,25% (xác suất khoảng 93%, theo CME Group), thì theo tôi, sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán do đã được thị trường kỳ vọng từ trước. Tuy nhiên, trong trường hợp FED tăng mạnh khoảng 0,5% (xác suất khoảng 7%) thì sẽ gây tác động xấu tới dòng tiền khối ngoại và ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vào thời điểm FED tăng lãi suất trong 2 lần gần đây (cuối năm 2015 và 2016) thì tỷ giá USD/VND vẫn được kiểm soát khá ổn định. Tuy nhiên, với lộ trình dự kiến tăng 3 lần trong năm 2017, liệu tỷ giá có bị ảnh hưởng nhiều không, theo ông bà? Nếu có thì nhóm doanh nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Như đã nói ở trên, so với các thị trường khác thì VND vẫn chưa giảm giá bằng và điều này sẽ không có lợi cho xuất khẩu. Một vấn đề lưu ý khác là ngoại tệ từ kiều hối sang năm sẽ không còn giữ ở mức cao khi các chính sách từ Mỹ có nhiều thay đổi. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá là tất yếu từ nay đến cuối năm, chưa kể diễn biến tỷ giá năm nay có thể sẽ cao hơn năm trước.
Các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ để xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Ở thị trường chứng khoán các doanh nghiệp thuộc nhóm dệt may, thủy sản đều có các hoạt động chính dựa trên xuất khẩu, vì vậy cần có sự chuẩn bị trước những áp lực về tỷ giá và cả lãi suất sẽ thay đổi bất ngờ trong năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang đang vay đồng USD cũng sẽ chịu rủi ro tỷ giá khá nặng.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt
Trong tháng 2/2017, VND giảm gần 0,76%. Lý do sụt giảm là do nhu cầu cao cho VND trước Tết Nguyên đán kích hoạt các ngân hàng bán USD để mua VND. Tuy nhiên, một lượng đáng kể VND đã quay trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết, khiến lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh. Điều này tạo ra áp lực giảm lên đồng VND.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh
Ngoài ra, khả năng ngày càng lớn Fed sẽ tăng tỷ giá trong kỳ họp tới vào giữa tháng 3, khiến chỉ số Dollar Index (Bloomberg) tăng đạt 101,20 điểm ngày 28/2, mức tăng 1,62% trong tháng 2 (vượt giá trị trượt giá tiền USD).
Bên cạnh đó, , thâm hụt thương mại 2,45 tỷ USD trong nửa đầu tháng 2 dẫn đến hoạt động đầu cơ trong ngắn hạn, tạo ra thêm áp lực lên đồng VND.
Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đồng, VND sẽ có thể chịu áp lực trượt giá trước cuộc họp của FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang). Tuy nhiên, tín dụng đang tăng trưởng ấn tượng kể từ đầu năm và xu hướng này dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ tín dụng tiêu dùng gia tăng, có thể sẽ giúp hấp thụ thanh khoản VND trong hệ thống và giảm áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, NHNN vẫn dự trữ ngoại hối dồi dào trong tay để xử lý các biến động lớn hơn dự kiến.
Nhóm doanh nghiệp ảnh hưởng đáng kể là nhóm doanh nghiệp có những khoản vay ngoại tệ lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay theo sát diễn biến tình hình cũng như cũng sẽ có những biện pháp hedging để phòng ngừa rủi ro.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, CTCK Agriseco (AGR)
Theo tôi, với lộ trình tăng lãi suất dự kiến 3 lần trong năm 2017, về cơ bản tỷ giá USD/VND sẽ bị ảnh hưởng. Mức độ điều chỉnh của VND sẽ cao hơn so với năm 2016, tuy nhiên sẽ không quá mạnh và tạo ra các cú sốc tỷ giá.
Cơ chế tỷ giá trung tâm mà NHNN áp dụng nhìn chung đã tạo ra sự linh hoạt, giảm chấn cho thị trường trong nước trước những tác động lớn từ bên ngoài. Việc tăng tỷ giá sẽ có tác động tiêu cực đến một số ngành có tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu lớn như sắt thép hoặc các công ty có tỷ lệ nợ vay bằng USD lớn.
Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu thị trường có sức hút rất mạnh? Ông bà nhìn nhận như thế nào cơ hội cũng như mức độ rủi ro đối với nhóm cổ phiếu này nếu đứng ở góc độ đầu tư?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Thị trường đầu năm là sự nổi sóng của nhóm ngành xây dựng và bất động sản. Cũng giống như năm ngoái, đợt sóng cổ phiếu ngành thép đã thu hút một dòng tiền rất lớn của nhà đầu tư đổ vào và tổng kết lại thì hầu như ai cũng thu được thành quả.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Năm nay, có khá nhiều ngành là mục tiêu mà nhà đầu tư đang chú ý ngoài nhóm xây dựng, bất động sản, còn có ngân hàng, cao su, dịch vụ, dầu khí. Nhiều cổ phiếu đã sống lại sau thời gian lãng quên sẽ tạo các cơn sóng rất lớn nhà đầu tư tham gia mà điển hình là đợt vừa qua với cổ phiếu TTF, OGC, FLC, ITA…
Thanh khoản thị trường đã tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn cho thấy các tỷ lệ margin đã được đẩy lên rất cao và như lẽ thường, khi đạt đến mức tới hạn sẽ là trạng thái phân phối và điều chỉnh. Nhà đầu tư lưu ý cẩn trọng không để bị cuốn theo các cơn sóng đẩy giá cổ phiếu trong phiên mà cần có chiến lược đầu tư phân bổ nhiều cổ phiếu và khi cảm thấy thị trường quá nóng thì cũng là lúc hạ thấp tỷ lệ margin để chốt lãi và giữ an toàn tài khoản.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt
Nhóm cổ phiếu có sức hút mạnh trong thời gian qua có thể phân loại thành 3 nhóm :
Thứ nhất là nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, doanh nghiệp lớn sắp lên sàn như Petrolimex, VEAM, Trường Hai Thaco.... Những cổ phiếu dạng này tăng rất nhanh, tỷ suất sinh lợi cao, tuy nhiên độ rủi ro cũng khá cao khi các cổ phiếu giao dịch mua bán ở OTC và thời gian lên sàn chưa xác định.
Nhóm thứ hai là cổ phiếu hàng hot từ OTC và vừa lên sàn như Vietjet. Sự háo hức của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu bluechip mới và ngành mới như ngành hàng không... Các cổ phiếu này tiếp tục mang lại tỷ suất sinh lợi cao cho nhà đầu tư như trước khi lên sàn, vì lên sàn thì cầu của nhà đầu tư ngoại mạnh hơn, nhưng rủi ro cũng có, bởi các cổ phiếu dạng này đã tăng quá nhiều và nếu những nhà đầu tư mua sau thì rủi ro nhiều hơn.
Thứ ba là nhóm cổ phiếu đầu cơ, dự báo được vào rổ ETF như ROS, DXG, HBC, CII... Nhóm này tăng nhanh trước giai đoạn công bố chính thức của các quỹ ETF, nhưng khi tin chính thức ra thì rủi ro khả năng chốt lời của nhiều nhà đầu tư mà tham gia đầu cơ trước đó vì có quá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia và như thế khả năng sinh lợi sẽ chia đều và không còn nhiều.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, CTCK Agriseco (AGR)
Với nhóm cổ phiếu này, tôi đánh giá mức độ rủi ro của các cổ phiếu này tùy thuộc vào chất lượng tài sản của từng doanh nghiệp. Trường hợp giá các cổ phiếu này đã tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn giá trị tài sản thực của doanh nghiệp, thì mức độ rủi ro vẫn thấp. Ngược lại, ngay cả khi giá cổ phiếu mới rục rịch tăng nhưng đã ở mặt bằng giá khá cao thì độ rủi ro vẫn lớn. Vì vậy, ở góc độ đầu tư, tôi sẽ đánh giá từng trường hợp cụ thể để đưa ra quyết định cuối cùng.