Sau 5 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã có phiên điều chỉnh trong bối cảnh thanh khoản cũng xuống mức thấp nhất trong 4 phiên vừa qua. Mốc 1.500 điểm đang được xem là ngưỡng hỗ trợ tốt cho thị trường lúc này bất chấp khối ngoại bán ròng mạnh. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch của thị trường trong tuần tới?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Mặc dù chỉ số liên tục tăng, tuy nhiên tôi đánh giá nhịp tăng này vẫn mang tính hồi phục (Bất động sản, Thép...) bởi chưa xuất hiện nhóm cổ phiếu nào thực sự mang tính chất dẫn dắt đủ mạnh, đà tăng cục bộ của từng nhóm cũng thường khá ngắn và diễn ra xen kẽ.
Diễn biến thị trường tuần tới nhiều khả năng tiếp tục trạng thái giằng co mạnh quanh ngưỡng 1.500 điểm của VN-Index, đi kèm sự phân hóa rõ nét và trên nền tảng thanh khoản trung bình thấp. Để vượt qua vùng kháng cự 1.500 - 1.510 điểm, cần có sự quay trở lại mạnh mẽ hơn của Nhóm Ngân hàng và Chứng khoán bên cạnh việc thanh khoản được cải thiện.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tôi cho rằng, thị trường tuần tới có thể chịu biến động bởi ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới. Tuy vậy, mức độ sẽ không lớn, có thể 1 hoặc 1,5 phiên do thị trường trong nước vẫn đang lệch pha so với các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu.
Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á đang tích cực tái mở cửa nền kinh tế để đón khách du lịch quốc tế. Lượng khách quốc tế đặt vé cho các chuyến bay đến các nước ASEAN gồm Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Singapore tăng vọt trong tháng 1 sau khi các nước nới lỏng hạn chế biên giới.
Bên cạnh đó, các biến số vĩ mô đang dần cải thiện, cũng như các gói kích thích kinh tế cũng mới được triển khai… sẽ là bệ đỡ giúp thị trường hạn chế những ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Trong tuần tới, chỉ số VN-Index sẽ có thể có nhịp tích lũy hoặc điều chỉnh nhẹ để từ đó tạo nền tảng để test lại vùng đỉnh cũ tại khu vực 1.515 – 1.535 điểm. Đà tăng đến từ sự suy yếu của lực cung khi dòng tiền đã hấp thụ tốt lực bán của khối ngoại và tâm lý chốt lãi của các nhà đầu tư mua cổ phiếu trước kỳ nghỉ Tết.
Ngoài ra, các số liệu vĩ mô quan trọng về chỉ số PMI, lạm phát, tăng trưởng lợi nhuận và tâm lý, dòng tiền trong tháng 1 đều ủng hộ cho đà tăng điểm của thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Sau 5 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã có phiên điều chỉnh trong bối cảnh thanh khoản cũng xuống mức thấp nhất trong 4 phiên vừa qua cho thấy mức 1.500 điểm có thể là ngưỡng hỗ trợ tốt cho thị trường lúc này bất chấp khối ngoại bán ròng mạnh.
Tín hiệu thị trường sau Tết là rất tích cực cả điểm số và giá trị giao dịch. Tuy nhiên, thị trường có sự phân hóa rất rõ, có cổ phiếu đang hút dòng tiền nhưng ngược lại có những cổ phiếu tiếp tục giảm sâu, trong đó đáng kể là nhóm cổ phiếu đầu cơ, nhóm bất động sản như DIG, CEO, CII, L14, HBC...
Ông Nguyễn Hữu Bình |
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp nhưng đang tăng dần đều. Điều này sẽ khiến dòng tiền lan tỏa mạnh hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điểm nhấn ở đây vẫn là sự phân hóa. Cổ phiếu có tin tốt, có dự kiến kết quả kinh doanh năm 2022 tích cực sẽ tiếp tục hút tiền và ngược lại.
Xu hướng tuần tới: Tôi cho rằng thị trường sẽ có phần giống 2 phiên cuối tuần trước, có nghĩa là sẽ chỉ 1 vài nhóm tiếp tục hút tiền. Nhóm ngân hàng sẽ là bệ đỡ và chỉ số sẽ dao động quanh 1.500 điểm (+/-20). Có thể có những phiên giảm tương đối mạnh, nhưng đó lại là cơ hội để dòng tiền chưa gia nhập tham gia vào. Chính lẽ đó giúp cho thị trường không quá bị giảm sâu.
Tôi cho rằng những nhóm cổ phiếu như Thép, Ngân hàng, Bất động sản khu công nghiệp... sẽ tiếp tục hút tiền mạnh.
Tuần qua, khá nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động, liệu điều này có ảnh hưởng đến dòng tiền trên TTCK không, theo các ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Dù tăng nhưng mặt bằng lãi suất hiện tại nhìn chung vẫn còn ở mức thấp, có thể chưa có sự ảnh hưởng đáng kể tới thị trường chứng khoán nói riêng và các kênh đầu tư khác nói chung trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu việc này tiếp tục xảy ra và là chủ trương trong việc điều hành chính sách tiền tệ thì chắc chắn sự tác động tới dòng tiền trên thị trường sẽ lớn hơn rất nhiều trong trung và dài hạn.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Năm 2022 nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ hoàn toàn mở cửa, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng dần được khôi phục và kết quả kinh doanh cũng sẽ khởi sắc, đồng nghĩa với việc dòng tiền sẽ quay lại kênh sản xuất kinh doanh thay vì đầu tư tài chính như trong năm qua. Đây sẽ là một trong những yếu tố hạn chế hoặc chi phối về mặt dòng tiền vốn là động lực chính lập nên những kỷ lục trong năm vừa qua.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Trước sự nóng lên của thị trường chứng khoán và bất động sản trong 2 năm vừa qua, việc các ngân hàng tiến hành nâng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi từ dân cư là điều có thể dự báo.
Cũng cần lưu ý diễn biến này chỉ phổ biến xảy ra tại một số ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng trong khi tại các ngân hàng lớn, mức tăng lãi suất huy động là không nhiều và chỉ áp dụng cho khách hàng có số dư tiền gửi lớn, từ vài trăm tỷ đồng trở lên.
Đối với TTCK, khi lãi suất huy động vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn trước đại dịch, khả năng nhà đầu tư đồng loạt rút tiền khỏi thị trường là khá thấp.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Nhiều nhà đầu tư vừa trải qua cú sốc giảm mạnh nên khi lãi suất tăng lên hẳn nhiên sẽ có nhà đầu tư rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, lượng tài khoản mới tháng 1 vẫn ở mức cao sẽ mang tới lượng tiền mới cho thị trường. Cơ bản tôi cho rằng thị trường sẽ tự điều tiết nhưng lãi suất tăng nhẹ này chưa tác động tới việc rút tiền ra.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)
Ông Phan Dũng Khánh |
Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ có thể sẽ không quá nhiều trong ngắn hạn. Do việc lãi suất không chỉ riêng ở Việt Nam mà đã tăng khắp nơi trên thế giới. Theo CME dự báo thì FED còn có khả năng tăng lãi suất tới 7 lần trong năm nay với xác suất 61% và lần đầu là vào tháng sau (tháng 3) với xác suất tới 100%. Vì thế áp lực lãi suất tăng trên khắp thế giới cũng phần nào ảnh hưởng trong nước.
Tuy nhiên, áp lực trong nước sẽ không bằng nhờ vào lạm phát hiện tại vẫn được kiểm soát tốt không như quốc tế (ví dụ như Mỹ lạm phát cao nhất 40 năm, châu Âu nhiều nước lạm phát cao hơn 1-2 thập kỷ...).
Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tốt và bền vững có thể bù đắp cho việc lạm phát tăng nếu lạm phát tăng không nhiều cũng như tăng trưởng ổn định sẽ giúp lãi suất không tăng mấy. Tuy vậy, điều này cũng cho thấy khả năng lãi suất giảm là rất khó và được xem như lãi suất đã chạm đáy. TTCK cũng sẽ có sự tăng trưởng tốt (nhưng khó có thể bằng giai đoạn 2020 - 2021).
Ngược lại, nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự báo cùng với lãi suất cũng thế, có thể sẽ làm áp lực mạnh hơn lên TTCK. Nhưng ít nhất giờ đây, nếu lạm phát trong nước được kiểm soát nhưng TTCK thế giới vẫn suy giảm khi NHTW toàn cầu tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trong nước.
Thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có TTCK Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của Fed, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3. Một số nhận định cho rằng, mức ảnh nếu có thì cũng chỉ mang tính chất tâm lý tác động ngắn hạn khi VND được coi là đồng tiền nổi bật trong khu vực với mức tăng giá 0,7% so với cuối năm 2021, trái ngược với xu hướng mất giá của các đồng tiền mới nổi khác trong bối cảnh đồng USD mạnh lên đáng kể. Quan điểm của các ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Theo kinh nghiệm thực tế của tôi trong quá khứ, mỗi lần tăng giảm lãi suất của Fed thường chỉ có tác động ngắn tới thị trường chứng khoán và không phải là yếu tố cốt lõi làm thay đổi xu hướng chung. Điều tôi thấy đáng quan tâm hơn vào lúc này chính là lo ngại từ việc bao giờ bong bóng từ các cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu đặc biệt tại thị trường Mỹ sẽ vỡ (hãy nhìn giá cổ phiếu Meta – Facebook những ngày gần đây)?!
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, TTCK Việt Nam sẽ bị tác động đáng kể nếu như chủ trương tăng lãi suất liên tục được hình thành do ảnh hưởng dây chuyền trên toàn cầu, trước những áp lực lạm phát hay bảo hộ… Ví dụ: FED tăng lãi suất và chuyển sang chủ trương thắt chặt chính sách kinh tế hoàn toàn có thể châm ngòi cho làn sóng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tôi cho rằng, thị trường đã phản ứng hoặc đã chiết khấu đối với thông tin này, trong trường hợp Fed nâng lãi suất đúng như dự báo của thị trường ở mức 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, thị trường sẽ ít có sự biến động. Nhìn chung, với lập trường vững chắc của Fed về việc kiểm soát lạm phát chắc chắn sẽ góp phần làm gia tăng sự biến động của thị trường sắp tới.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Ông Đào Tuấn Trung |
Tôi đồng tình với quan điểm này, nhất là khi chính sách tiền tệ của Việt Nam có độ trễ so với thế giới. Biện pháp bơm tiền nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch đã được nhiều quốc gia tiến hành ngay từ cuối năm 2020, khiến lạm phát tăng mạnh lên mức kỷ lục và buộc các NHTW phải tiến hành khóa van tiền tệ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các gói hỗ trợ chỉ bắt đầu được tiến hành từ cuối năm ngoái, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ, tỷ giá vẫn được kiểm soát ổn định nhờ các dư địa rất tốt về vĩ mô, trong đó có nguồn dự trữ ngoại hối kỷ lục của NHNN.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Chủ đề này là rất lớn, tác động của nó sẽ là cả 1 quá trình và khi FED có tăng lãi suất thực thì diễn biến đã phản ánh nhiều. Ở đây mối quan tâm của nhà đầu tư là FED sẽ tăng với biên độ nào, 0,25% như trước hay 0,5% thậm chí 1% ngay lập tức. Nếu mức tăng mạnh thì TTCK sẽ có phản ứng.
Tuy nhiên tôi đã từng nói, nước Mỹ cơ bản vẫn đi theo chính sách bơm tiền theo cách này hay cách khác. Việc dừng mua trái phiếu và tăng lãi suất sẽ chưa có nhiều tác động lớn nhưng nếu mức lãi suất tăng nhanh và cao thì thực sự là vấn đề lớn. Nhìn chung, trong ngắn hạn sẽ không có quá nhiều tác động ngoại trừ mức tăng lãi suất với biên độ lớn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)
Hy vọng là ngắn hạn nếu lạm phát trong nước được kiểm soát tốt và kinh tế tăng trưởng ổn định. TTCK chắc chắn ảnh hưởng ngắn hạn nhưng sẽ tốt lên trong trung hạn. Tuy nhiên, tình huống ngược lại thì ngắn hạn và trung hạn TTCK đều bị ảnh hưởng xấu.
Tuần qua, dòng cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm nhấn của thị nhờ lực cầu tham gia sôi động, cũng không nằm ngoài khuyến nghị của nhiều CTCK. Cùng với đó là chuyển động khá tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép. Ông/bà đánh giá như thế nào về sự trở lại của bộ ba “bank- chứng-thép”?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Khi thị trường đang trong trạng thái giằng co với biên độ lớn và chưa rõ xu hướng như hiện nay thì sự phân hoá sẽ diễn ra khá mạnh. Sự trở lại của các nhóm cổ phiếu này (cả nhóm Dầu khí) cũng là điều dễ hiểu khi dòng tiền đang có dấu hiệu rút khỏi các nhóm cổ phiếu nóng thời gian qua (các cổ phiếu bất động sản cũng như các cổ phiếu đầu cơ, penny..) và tìm đến các cổ phiếu bluechips.
Nhưng theo tôi quan sát thì biên lợi nhuận lướt sóng những ngày gần đây cũng khá mỏng, và trong bộ tứ này, hiện vẫn chưa có nhóm nào thực sự đủ lực để trở thành nhóm dẫn dắt cả thị trường.
Ông Dương Hoàng Linh |
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Kể từ đầu năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có mức tăng bình quân gần 11%, chỉ đứng sau đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí. Về kỹ thuật, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã lập đỉnh cao mới kể từ đầu năm trong khi chỉ số VN-Index vẫn còn cách đỉnh hơn 2%, cho thấy nhóm này đang khỏe hơn so với thị trường nhờ dòng tiền lớn đã và đang quay trở lại.
Nếu như ở thời điểm cuối năm ngoái, tỷ trọng vốn tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ đạt 20% thì hiện nay đã tăng lên mức 31%. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép vẫn đang trong nhịp phục hồi, do vậy về mặt kỹ thuật nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có triển vọng hơn.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, kết quả kinh doanh quý IV vẫn ở mức tốt và thậm chí có một số ngân hàng có kết quả vượt kỳ vọng giúp dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Diễn biến này khá hợp lý khi tăng trưởng tín dụng được dự báo vẫn duy trì tăng tốt lên khoảng 14% trong năm 2022 do nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất gia tăng, giúp lợi nhuận cả ngành ngân hàng vẫn duy trì được dự phóng dự kiến tăng khoảng 20%-25% so với cùng kỳ.
Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, sự phân hóa sẽ diễn ra rõ nét khi hoạt động tự doanh không có nhiều điều kiện thuận lợi để mang lại lợi nhuận đột biến như năm 2021 trong khi mảng môi giới có biên lợi nhuận khá mỏng. Tuy vậy, cơ hội vẫn xuất hiện tại một số CTCK tiến hành tăng vốn điều lệ hoặc có câu chuyện thoái vốn từ ngân hàng mẹ và có dư địa tăng trưởng lợi nhuận.
Đối với nhóm cổ phiếu thép, đà tăng gần đây bắt nguồn từ diễn biến tăng giá của giá thép cây toàn cầu từ đầu năm 2022 cũng như việc nhóm ngành thép đã về vùng định giá khá thấp so với lịch sử quá khứ của nhóm ngành này.
Diễn biến này có thể tiếp diễn trong ngắn hạn nhưng cần lưu ý là nhóm ngành này vẫn chưa thực sự có xu hướng tăng khi vẫn có nhiều rủi ro và hạn chế về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022, xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại cần cẩn trọng trước một số yếu tố làm đảo chiều khi Olympic mùa Đông khép lại – thời điểm các nhà sản xuất thép tại Trung Quốc tăng cường sản xuất trở lại giúp cung – cầu trên thị trường trở nên cân bằng hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Như phần trên tôi nói, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ và không phải đồng bộ tăng giá như trước. Trong nhóm Ngân hàng thì chỉ một vài ngân hàng hút tiền, và nhóm thép hay chứng khoán cũng vậy.
Lý do quan trọng ở đây là tình hình kinh doanh năm 2022 này hoàn toàn khác và sẽ chỉ có một số doanh nghiệp tiếp tục hưởng lợi. Thứ 2 định giá nhiều cổ phiếu không nhiều hấp dẫn nên dòng tiền vì thế cần có lựa chọn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)
Theo quan sát của tôi thì nhóm này trong ngắn hạn có tác động tích cực và đỡ chỉ số khá nhiều nhưng dòng tiền khá yếu nhất là nhóm thép và thị trường chung có thể khó mà duy trì được trong trung hạn nếu điều này vẫn không được cải thiện.
Đặc biệt, nhóm thép và một số cổ phiếu ngân hàng – chứng khoán dù tăng nhưng vẫn chưa vượt được kháng cự sẽ là một thử thách cho nhóm này nói riêng và thị trường nói chung nhất là trong bối cảnh FED tăng lãi suất lần đầu tiên đã gần kề nhưng lãi suất thị trường tại Mỹ như lãi suất cho vay mua nhà đã tăng đón đầu và khá nhanh kéo theo lãi suất thị trường nhiều nơi trên thế giới đã thật sự tăng.
Với diễn biến đi ngang của thị trường như hiện tại, chiến lược lướt sóng dường như không phát huy được nhiều hiệu quả. Vậy nhà đầu tư nên chọn phương án đầu tư như thế nào để hạn chế rủi ro và có thể tối ưu được lợi nhuận?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Dòng tiền đang có xu hướng quay lại cổ phiếu Bluechips, do đó nhà đầu tư có thể cơ cấu danh mục sang các nhóm cổ phiếu này, tuy nhiên với trạng thái giằng co mạnh và biên lợi nhuận hẹp như hiện tại thì nên chờ đợi các nhịp điều chỉnh của thị trường chung hoặc của các cổ phiếu mục tiêu. Do đó, giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao bởi dấu hiệu thoái trào là không hề thấp.
Ngoài ra, các cổ phiếu Hàng không và Dịch vụ lưu trú cũng là một lựa chọn đáng kỳ vọng khi mà giai đoạn khó khăn nhất đã ở lại phía sau.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Ông Ngô Quốc Hưng |
Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên bám chắc chiến lược dài hạn để hạn chế những biến động ngắn hạn có thể bị chi phối bởi các vấn đề chính sách tiền tệ hay yếu tức thời như địa chính trị…
Bên cạnh đó, hạn chế lướt sóng khi thị trường đi ngang với thanh khoản thấp. Đồng thời, tập trung vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu, hay thị trường hàng hóa, hoặc các cổ phiếu nhạy cảm với việc nền kinh tế tái mở cửa…
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Với sự phân hóa mạnh của thị trường, nhà đầu tư nên dành khoảng 50% NAV tiến hành mua và nắm giữ các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2022 và có tỷ lệ cổ tức/thị giá hấp dẫn. Phần tài khoản còn lại có thể tiến hành lướt sóng khi xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường được củng cố, đồng thời cần có chiến lược giao dịch linh động với giai đoạn thị trường năm 2022 để tối ưu hóa lợi nhuận.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Tôi không nhìn thấy quá nhiều cổ phiếu có mức giá hấp dẫn nữa sau nhịp tăng mạnh năm 2021. Vì thế, để có lợi nhuận rất cần ở nhà đầu tư sự kiên nhẫn.
Khi đã lựa chọn đúng cổ phiếu, nhà đầu tư nếu có thể hãy Trading trên chính cổ phiếu mình đang nắm giữ vì đã hiểu rõ nó. Vì thị trường phân hóa mạnh, giá nhiều cổ phiếu không quá hấp dẫn nên việc nhảy nhót sang các cổ phiếu khác có thể dẫn tới hệ lụy là thua lỗ.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)
Nên tập trung vào các nhóm đang hút dòng tiền như ngân hàng – chứng khoán... nhưng chỉ nên ngắn hạn và quan sát thật kỹ dòng tiền chung. Nếu chảy qua nhóm khác thì cần phải điều chỉnh ngay mới có thể tối ưu được lợi nhuận. Trong lúc này không thật sự rõ ràng có nhóm ngành có thể LEAD thị trường trong năm 2022 mà tạm thời chỉ ngắn hạn.