Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bị chốt lời khá mạnh trong những phiên cuối tuần qua và dòng tiền chuyển hướng sang nhóm bất động sản, cổ phiếu đầu cơ, tuy nhiên, trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại dẫn dắt thị trường tuần tới, còn nhóm bất động sản phải chờ tới đầu tháng 2 mới có sóng.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại

Sau sóng ngân hàng, dòng tiền đang chảy mạnh vào các mã có tính đầu cơ? Liệu nhóm cổ phiếu này có tiếp tục chiếm ưu thế trong tuần tới, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (BSC)

Tuần lễ giao dịch vừa qua thị trường hầu như đi ngang và sau sóng cổ phiếu ngân hàng, thì dòng tiền loay hoay tìm bến đỗ mới, nhưng không nhóm ngành nào trụ lâu hơn 1 phiên và có dấu hiệu cho thấy sự thận trọng ngày càng tăng dần.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại ảnh 1

 Ông Nguyễn Hồng Khanh

Một vài nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ và nhóm ngành chứng khoán, bất động sản có khả năng tiếp tục thu hút dòng tiền vào tuần tới khi có các thông tin kết quả quý IV và kế hoạch 2015 công bố, tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu và chỉ những cổ phiếu tốt mới thu hút dòng tiền và bức phá so với nhóm còn lại.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Dòng tiền có xu hướng luân chuyển khá nhanh sang nhiều nhóm cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua. Nhóm ngân hàng tăng đồng loạt trong giai đoạn đầu tuần như điều chỉnh chốt lời về cuối tuần.

Tôi không cho rằng, hiện tại dòng tiền hoạt động theo nhóm ngành. Kỳ vọng về kết quả kinh doanh của riêng các doanh nghiệp riêng lẻ sẽ dẫn dắt xu hướng dòng tiền trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank

VN-Index đang thử thách vùng kháng cự 580 điểm trong tuần qua với 5 phiên biến động hẹp quanh vùng này. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh, trong khi nhóm cổ phiếu đầu cơ lại dậy sóng.

Khả năng thị trường điều chỉnh trong tuần tới sẽ khá cao, tuy nhiên, các tín hiệu hiện tại cho thấy dòng tiền chưa rút ra, do đó, cầu giá thấp sẽ sớm trở lại. Vì vậy, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản vẫn được dòng tiền quan tâm khi thị trường điều chỉnh.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, CTCK Agriseco

Trong tuần qua, khi các cổ phiếu nhóm ngân hàng có sự điều chỉnh sau khi tăng mạnh, dòng tiền đã có sự luân chuyển sang các cổ phiếu đầu cơ, nhóm bất động sản và chứng khoán. Về cơ bản, tôi cho rằng, thị trường chung đang trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn về mốc hỗ trợ quanh 560 điểm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại ảnh 2

 Bà Nguyễn Ngọc Lan

Tôi cho rằng, đợt điều chỉnh này là cơ hội mua vào cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng cũng như các cổ phiếu bất động sản và dòng đầu cơ.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới CTCK MB (MBS)

Các cổ phiếu ngân hàng đã có dấu hiệu điều chỉnh trong tuần vừa qua, thay thế vào đó là cổ phiếu bất động sản và các mã đầu cơ có dấu hiệu trỗi dậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sang tuần tới, sau khoảng 1 - 1,5 phiên điều chỉnh đầu tuần, thì các cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trở lại và dẫn dắt thị trường tăng hết tháng 1, còn dòng cổ phiếu bất động sản sẽ hơi chững lại một chút.

Nguyên nhân ở đây hoàn toàn là yếu tố kỹ thuật, vì moment tăng của các cổ phiếu ngân hàng vẫn còn khi trong những phiên vừa qua khối lượng khớp lệnh của các cổ phiếu ngân hàng trong các phiên giảm điểm vẫn thấp cho thấy, dòng tiền chưa rút ra khỏi các cổ phiếu này và theo phân tích kỹ thuật của chúng tôi thì nhóm này sẽ tăng trở lại vào cuối tuần sau. Nhưng tôi cho rằng, trong Uptrend trung hạn lần này thì từ đầu tháng 2 trở đi, nhóm cổ phiếu bất động sản và vật liệu xây dựng mới là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường thực sự, vì chúng được hậu thuẫn bởi kết quả kinh doanh tốt trong quý IV.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK MaybankKimEng

Theo tôi ngành ngân hàng có 1 tuần nghỉ ngơi sau nhiều phiên tăng điểm. Tuy nhiên, xu hướng của nhóm ngân hàng vẫn chưa kết thúc, mà chỉ là "chặng dừng chân" trong 1 xu hướng tăng trưởng tích cực trong dài hạn.

Mặc dù ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn, nợ xấu cao, nhưng đã và đang giảm bớt, các chính sách đang tạo điều kiện cho ngành này phát triển ổn định. Bên cạnh đó, việc kinh tế trên đà phục hồi, DN mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời quy mô và tiềm năng của ngành đang được củng cố khi NHNN đã khẳng định ngay từ đầu năm là nhóm này sẽ có nhiều thương vụ M&A trong năm 2015.

Về dòng tiền đang có dấu hiệu chảy vào nhóm đầu cơ, bất động sản trong tuần qua khi các bluechips và cổ phiếu ngân hàng yếu đi, nên điểm số của Index không được hỗ trợ, bởi thế cổ phiếu nhóm đầu cơ, pennies dễ dàng được quan tâm để kiếm được lợi nhuận trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong một xu thế dài chung với nền kinh tế tăng trưởng thì những cổ phiếu bluechips phải tăng thì Index mới có thể tăng được. Bởi thế, trong tuần nay, cổ phiếu đầu cơ vẫn còn nhận được sự quan tâm, vì nhóm này vốn luôn mang lại lợi nhuận tốt trong ngắn hạn, nhưng về trung hạn trở lên, tôi thấy nhóm ngân hàng, bất động sản... và những cổ phiếu bluechips sẽ vẫn là những nhóm dẫn dắt thị trường.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Sóng ngân hàng chỉ duy trì đà tăng mạnh mẽ trong 2 phiên đầu tuần, trước khi điều chỉnh trước áp lực chốt lãi. Dòng tiền bắt đầu có sự luân chuyển lần lượt qua nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm dầu khí, chứng khoán và ở một số cổ phiếu thị trường như VHG, KLF và DLG. Tuy nhiên, do không có sự hỗ trợ về thông tin và sự thiếu sự tập trung của dòng tiền khiến các nhóm cổ phiếu này chỉ có 1 phiên tăng đột biến và điều chỉnh nhẹ sau đó.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại ảnh 3

 Ông Bùi Nguyên Khoa

Hiện tượng luân chuyển này không có ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng thị trường, vốn đang có sự điều chỉnh và tích lũy lại trong ngắn hạn tại vùng kháng cự. Xu hướng thị trường dự kiến sẽ tiếp tục giằng co trong tuần sau. Tôi đang xem xét khả năng những nhóm cổ phiếu có tầm ảnh hưởng lơn như ngân hàng hoặc cổ phiếu dầu khí có thể tăng trở lại trong tuần sau, tạo đà cho các chỉ số vượt qua vùng kháng cự lần lượt 580 điểm với VN-Index và 86 với HNX-Index.

Thị trường đã có thời gian phản ứng tiêu cực với Thông tư 36 và các chuyên gia cũng đã phân tích khá nhiều về tác động của thông tư này đối với thị trường về khả năng giãn hoặc không dãn thời gian áp dụng. Đến thời điểm này cho thấy, khả năng giãn là rất ít. Theo ông/bà, thị trường sẽ bị tác động ra sao sau thời điểm 2/1 tới?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (BSC)

Khi thông tin không giãn thời gian áp dụng Thông tư 36 công bố trong tuần qua, thị trường đã phản ứng khá nhẹ nhàng với chỉ một rung động nhẹ và ngay sau đó đã hồi phục khá nhanh chóng. Tôi cho rằng, nếu việc hoãn thông tư có không diễn ra thì khả năng thị trường cũng sẽ không còn ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý.

Dòng tiền margin trong thời gian tới có thể bị siết chặt hơn ở các công ty chứng khoán, tuy nhiên, về lâu dài điều này giúp hạn chế dòng tiền đầu cơ quá nóng vào thị trường. Ngoài ra, ở một góc nhìn khác sau 2 cú sốc giảm mạnh của thị trường trong năm vừa qua, nhà đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm và sẽ cẩn trọng hơn việc sử dụng margin trong thời gian tới.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Ngay sau thông tin không chính thức về việc Thông tư 36 không được giãn hay điều chỉnh nội dung, thị trường đã có những phản ứng tiêu cực nhất định. Tuy vậy, những phản ứng này diễn ra không mạnh như những gì đã thể hiện khi Thông tư này mới ban hành.

Chúng tôi đánh giá, tất cả những diễn biến tiêu cực về tâm lý hầu như đã được thể hiện hết trước đó. Trong báo cáo mới nhất của NHNN, lượng vay chứng khoán của các NHTM chưa khi nào vượt quá mốc 5%. Do vậy, chúng tôi đánh giá thông tư này sẽ không có nhiều tác động mạnh lên thị trường trong thời gian sắp tới khi chính thức được ban hành.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank

Sau khi NHNN có thông tin không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 36, thị trường đã phản ứng tiêu cực ngay trong phiên. Tuy nhiên, diễn biến ở mấy phiên nay cho thấy xu thế thị trường chưa xấu đi và nhà đầu tư không còn hoang mang khi tiếp nhận thông tin này. Vấn đề hiện tại là sau thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, dòng vốn vào thị trường chứng khoán sẽ suy giảm, điều này sẽ tác động trực tiếp đến thị trường.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại ảnh 4

 Ông Nguyễn Vũ Phong

Trong bối cảnh thị trường cuối năm sẽ khó có thể có sự bứt phá do dòng tiền hạn chế. Do đó, sau thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, TTCK sẽ có khả năng có một đợt giảm và tìm sự cân bằng ở vùng thấp hơn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, CTCK Agriseco

Thông tư 36 đã thực sự tác động vào thị trường từ thời điểm ban hành. Hơn nữa, các tổ chức tín dụng có thời gian 1 năm từ thời điểm Thông tư có hiệu lực để giải quyết các vấn đề của mình. Do vậy, tôi cho rằng, thời điểm Thông tư có hiệu lực chỉ tác động tới mặt tâm lý trong ngắn hạn, chứ bản chất quá trình xử lý này sẽ diễn ra trong cả một giai đoạn dài.

Nhìn khía cạnh cơ bản, nền kinh tế vĩ mô vẫn đang trong quá trình hồi phục, lợi nhuận của các doanh nghiệp đã có tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, năm 2015 sẽ là năm cuối cùng của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nội tại các ngân hàng đã có sự cải thiện đáng kể, điều này cũng phản ánh một phần thông qua việc dòng tiền liên tục đổ vào các cổ phiếu ngành này trong những ngày đầu năm. Do vậy, tôi cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tích cực trong năm 2015.  

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới CTCK MB (MBS)

Trong các nhận định của chúng tôi trong thời gian vừa qua đều nhất quán cho rằng, thị trường đã phản ánh trước Thông tư 36 từ cuối 2014, khi đó mặt bằng dư nợ margin tại các CTCK đều đã giảm 25 - 30%, về một tỷ lệ khá an toàn trên toàn thị trường. Vì vậy, áp lực đối với thị trường trong tháng 2 tới về dư nợ margin do áp dụng Thông tư 36 là không còn lớn.

Hơn nữa, hiện nay rất nhiều CTCK lớn đã có phương án về vốn để cung cấp margin cho khách hàng của họ như tăng vốn, phát hành trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi. Ví dụ như MBS, chúng tôi đã có phương án nguồn vốn khả thi cho việc tăng trưởng dư nợ Margin gấp đôi so với 2014.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK MaybankKimEng

Theo tôi, thông tư này đã phản ánh vào giá nhiều tháng qua, nên mức độ tác động đã không còn nhiều, thậm chí thông tin khả năng Thông tư 36 không hoãn trong những ngày qua, nhưng thị trường vẫn có nhiều phiên xanh điểm, chứ không lao dốc mạnh như hồi cuối năm ngoái.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại ảnh 5

 Ông Phan Dũng Khánh

Sau thời điểm 2/1, theo quan điểm của tôi là Thông tư 36 còn tác động tích cực đến thị trường khi dòng vốn vào thị trường sẽ "chất lượng" hơn nhờ sự "sàng lọc" từ thông tư này.

Hệ thống ngân hàng vốn cung cấp vốn cho nền kinh tế lẫn TTCK hoạt động an toàn hơn sẽ hỗ trợ cho TTCK nói chung tăng trường bền vững hơn và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Thị trường đã có mức tăng điểm khá tốt kể từ đầu năm, dù vậy, thanh khoản chỉ duy trì ổn định ở mức khá và không thấy có sự tăng trưởng tốt sau mỗi đợt bứt phá xu hướng như thường thấy ở một chu kỳ tăng giá dài.

Thông tư 36 vẫn đang có những ảnh hưởng tâm lý nhất định lên thị trường. Nếu không có bất kỳ sửa đổi các điều khoản hoặc giãn thời gian áp dụng Thông tư 36, thì thông tư này sẽ có hiệu lực từ 1/2.

Tại thời điểm áp dụng, tôi cho rằng, sẽ không có sự xáo trộn quá lớn, bởi hoạt động margin toàn thị trường đang duy trì ở mức trung bình, do các CTCK và nhà đầu tư đã chủ động giảm hoạt động margin trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thông tư này sẽ vẫn còn kéo dài.

Ngoài hoạt động tham gia cho vay margin thông qua các CTCK, các ngân hàng đã đầu tư, hoặc tham gia các sản phẩm liên quan tới đầu tư chứng khoán còn rất lớn. Do vậy, để đáp ứng các quy định mới trong Thông tư 36, các ngân hàng phải thoái vốn dần, tăng áp lực cung và ảnh hưởng tiêu cực thị trường. 

Khối ngoại và tự doanh của CTCK đã có nhiều phiên mua ròng trong thời gian qua và góp phần nâng đỡ thị trường, ông nhận định như thế nào về dòng vốn ngoại trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (BSC)

Khối ngoại và tự doanh đã tăng cường mua vào rất mạnh chỉ trong hai tuần từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm nay, góp phần nâng đỡ thị trường hồi phục đáng kể. Riêng khối ngoại đã mua ròng gần 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn này. Trái với những năm trước, năm 2014, khối ngoại giao dịch tăng hơn 60% cả 2 chiều mua bán, nhưng giá trị mua ròng lại thấp hơn các năm trước cho thấy, một phần dòng vốn ngoại đã chủ động lướt sóng nhiều hơn là nắm giữ dài hạn.

Khối ngoại hiện đang nắm giữ khoảng 7,5 tỷ cổ phiếu trên sàn và tiếp tục tăng trưởng đều trong các năm qua cho thấy, dòng vốn ngoại vẫn ổn định. Với việc kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng đều và giá cổ phiếu khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực, tôi cho rằng, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam trong năm nay và đặc biệt là thông tin nới room cho khối ngoại tiếp tục đề xuất áp dụng trong thời gian tới.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Dòng vốn khối ngoại  trong 2 phiên giao dịch đầu tuần nói chung khá tích cực, đặc biệt là những diễn biến giao dịch tại 2 quỹ ETFs.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại ảnh 6

 Ông Ngô Thế Hiển

Nhìn về diễn biến của khối này trong 4 năm vừa qua, giao dịch luôn diễn ra tích cực trong quý đầu tiên của năm với dòng tiền rải ngân khá mạnh mẽ.

Chính vì vậy, tôi đánh giá xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank

Sau khi khối ngoại bán ròng mạnh ở thời điểm cuối tháng 11 và đầu tháng 12 do ảnh hưởng từ việc giá dầu thế giới giảm, thì nay đã trở lại mua ròng. Sự cân bằng trở lại của TTCK thế giới cũng là một phần nguyên nhân đã quay trở lại mua ròng. Với sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam như hiện nay khi P/E ở mức 13, tương đối thấp so khu vực, thì TTCK Việt nam vẫn được khối ngoại quan tâm.

Ngoài ra, với hoạt động mua bán, phát hành thêm của các quỹ ETF vào đầu năm theo chu kỳ, chúng tôi kỳ vọng về hoạt động mua ròng tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, diễn biến giá dầu và TTCK thế giới cũng sẽ phần nào ảnh hưởng tới động thái của khối ngoại.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, CTCK Agriseco

Giống như các năm trước, những ngày đầu năm 2015, khối ETF lại tiếp tục rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Với việc kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục, mức PE của thị trường ở mức hấp dẫn so với khu vực, tôi cho rằng, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào thị trường trong năm 2015.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới CTCK MB (MBS)

Tôi dự báo, khối tự doanh tại các CTCK và khối ngoại sẽ có xu thế mua mạnh trong 4 tháng đầu năm 2015. Bởi vì, nhờ có đợt sụt giảm cuối năm 2014 mà nhiều cổ phiếu đã giảm về một mức giá rất hấp dẫn, trong khi đó kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản lại rất tốt trong quý IV/2014 và có xu hướng tốt hơn trong cả 2015.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại ảnh 7

 Ông Dương Văn Chung

Với mặt bằng PE toàn thị trường hiện nay ở mức 13.5 thì thị trường Việt Nam đang hấp dẫn nhất trong khu vực.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK MaybankKimEng

Dòng vốn ngoại vẫn sẽ được tiếp tục duy trì tích cực, ít nhất trong nửa đầu năm 2015. Trong suốt 5 năm qua (đây là năm thứ 6), dòng vốn ngoại luôn chảy mạnh vào thị trường dịp đầu năm, các quỹ đầu tư nước ngoài luôn được rót ròng vào thời gian này.

Bên cạnh đó, việc kinh tế phục hồi và doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ thu hút dòng tiền của khối ngoại, tự doanh, lẫn các nhà đầu tư nội. Đặc biệt, dòng vốn dài hạn của khối ngoại thường xuyên rót ròng, như năm 2014, hàng loạt thương vụ của Kinh Đô, hay mới đây mua Metro, Nguyễn Kim và chuỗi kinh doanh bán lẻ Robins... Bởi thế, thị trường có thể lên xuống ngắn hạn, nhưng dài hạn tôi có niềm tin sẽ tăng trưởng bền vững, ít nhất là trong 1 - 2 năm tới.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Xét về khối ngoại, các quỹ ETF đang đóng vai trò tích cực mua vào trong gần 2 tuần này. Đây là hoạt động mua vào có tính chu kỳ hàng năm. Các quỹ ETF mua liên tục trong 8 phiên và chỉ tạm dừng vào 2 phiên cuối tuần này do diễn biến bất lợi từ các thị trường niêm yết chủ yếu từ Mỹ.

Xét về tự doanh, từ đầu năm đến nay, khối tự doanh đã mua ròng vào 116 tỷ đồng, vượt trội so với cùng thời điểm 2014. Họ đang đẩy mạnh mua vào ở những phiên giảm điểm và tích lũy.

Hoạt động mua vào của khối ngoại và tự doanh vẫn được đánh giá cao trong tuần tới. Theo đó, ETF có thể quay lại giải ngân vào giữa tuần sau, còn khối tự doanh sẽ tiếp tục tích lũy cổ phiếu khi xu hướng còn tích lũy trong vài phiên đầu tuần.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục