Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt thị trường

(ĐTCK) Sau chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã điều chỉnh trong phiên cuối tuần qua do áp lực chốt lời ở một số mã lớn. Trong tuần tới, liệu thị trường có bật trở lại để chinh phục mốc 700 điểm và nhóm cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt đà tăng của thị trường? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt thị trường

Sau 9 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường đã vươt qua ngưỡng 685 điểm và đã điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng thị trường trong tháng 10, mà cụ thể là trong tuần tới?

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Bản Việt

Sau khi vượt qua ngưỡng cản 675 điểm vào đầu tuần, VN-Index đã tăng điểm khá tốt với mức 1,73% trong tuần qua. Đặc biệt, kết quả tích cực bất ngờ sau cuộc họp giữa Nga và các thành viên OPEC bên thềm Diễn đàn năng lượng thế giới tổ chức tại Algeria đã giúp giá dầu thế giới tăng mạnh, thúc đẩy lực cầu vào nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước. Điều này đã giúp HNX-Index vượt qua ngưỡng cản trung hạn tại 83,5 điểm để phát ra tín hiệu tích cực cho xu hướng trung hạn. 

Mặc dù thị trường có sự giảm điểm nhẹ trong phiên cuối tuần do áp lực chốt lãi nhất định sau khi VN-Index chạm vào vùng 690 điểm, tuy nhiên, các tín hiệu xu hướng vẫn duy trì ở mức tích cực.

Tôi cho rằng, thị trường sẽ vẫn duy trì xu hướng tăng trong tuần tới, mặc dù việc tăng sẽ trở nên khó khăn hơn do vùng 695-700 điểm là một vùng kháng cự khá mạnh. Tháng 10 cũng là mùa kết quả kinh doanh quý III của các công ty niêm yết và sự phân hóa sẽ có thể diễn ra giữa các nhóm cổ phiếu.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Dù VN-Index đang liên tục chạm các ngưỡng kháng cự, nhưng có vẻ nhà đầu tư vẫn không hề lo lắng, bởi chỉ số này năm nay dường như tăng dần đều, chứ không biến động mạnh như 2 năm trước đây. Thậm chí, chưa có thông tin vĩ mô nào xuất hiện khiến chỉ số quay đầu giảm mạnh, như đã từng diễn ra hồi tháng 9/2014 hay tháng 7/2015, nên nhiều người tôi quen đều nói rằng, họ tin index năm nay sẽ chỉ tăng chứ không có giảm.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ định giá, thì có vẻ thị trường đang ở mức định giá cao, đúng hơn phải nói là rất nhiều largecap đang bị định giá cao. Có thống kê từ hãng tin lớn rằng, country P/E của Việt Nam đang vào khoảng 18 lần, đây là mức cao mà không cần phải đi so với bất cứ TTCK ASEAN nào khác.

Đối với nhóm VN30, P/E bình quân thậm chí đã trên 20 từ lâu rồi. Có lẽ việc khối ngoại liên tục bán ròng ở nhiều mã lớn cũng vì lý do này. Một khi các mã lớn điều chỉnh hay suy giảm, index và các mã vốn hóa nhỏ hơn sẽ chịu tác động lan tỏa.

Tuần tới có lẽ điều chỉnh thì chưa, vì vẫn có mã lớn có thông tin hỗ trợ, nhưng tôi nghĩ tháng 10 sẽ có biến động lớn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Cá nhân tôi cho rằng, thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng thêm và mốc tôi kỳ vọng sẽ là vùng 700-730 điểm trong tháng 10 này. Tuy nhiên, thị trường đang đứng trước khả năng sẽ điều chỉnh, nhưng mức độ điều chỉnh này chưa được đánh giá đầy đủ sau những phiên vừa qua. Với phiên bạn mạnh cuối tháng 9 vừa qua đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng điều chỉnh này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, áp lực bán đó xuất hiện từ 2 khả năng như sau: (1) nhà đầu tư, các quỹ chốt lời và tăng tỷ trọng tiền mặt; (2) việc VN-Index tạo đỉnh cùng việc nhiều cổ phiếu tăng khá lớn hoặc nhiều thông tin của CP đã phản ánh và giá.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt thị trường ảnh 1

 Ông Nguyễn Hữu Bình

Những lý do trên không khiến thị trường sẽ suy giảm mạnh mà chỉ là một nhịp trùng xuống của thị trường và có thể là tuần đầu tiên của tháng 10 này. Tôi vẫn cho rằng, những cổ phiếu cơ bản như FPT, HPG, SSI, GAS, VNM... không suy giảm đáng kể. Hơn nữa, giai đoạn này khối ngoại đã quay trở lại nên áp lực cũng không nhân đôi như trước. Vì thế, chỉ số VN-Index cũng sẽ không suy giảm (nếu điều chỉnh) và vùng 677-685 điểm là vùng của VN-Index tuần tới.

Như tôi nói ở trên, thị trường chưa cho thấy thực sự bước vào nhịp điều chỉnh rõ ràng. Nếu như  những phiên đầu tháng 10, áp lực bán xuất hiện rất mạnh, đẩy VN-Index giảm có lúc 10 điểm, thì đó mới là nguy cơ điều chỉnh mạnh. Khi đó thì khả năng VN-Index sẽ rơi về vùng 660 điểm và chạm đến đường up-trend 2016. Nhà đầu tư qua sát thị trường và tìm chiến lược cho mình.

Nội lực của doanh nghiệp vẫn là một trong những yếu tố quan trọng đo đếm sự hấp dẫn của cổ phiếu. Các ông dự báo nhóm ngành nào sẽ có hiệu quả kinh doanh tốt và tạo sức hút đối với dòng tiền ở giai đoạn hiện tại?

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Bản Việt

Với những yếu tố biến động có lợi cho giá cả các nguyên vật liệu cơ bản từ đầu năm đến nay, tôi vẫn giữ quan điểm, các công ty sản xuất và thương mại có khả năng bán hàng tốt, có chính sách tồn kho hợp lý trong các lĩnh vực sắt thép, nhựa, cao su, hóa chất cơ bản... sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh khả quan trong quý III này. Bên cạnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp lắp ráp, thương mại ô tô cũng đáng lưu ý.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Trong giai đoạn này, nếu tìm nhóm ngành vừa có dự báo kết quả sản xuất kinh doanh quý III tốt, vừa tạo sức hút dòng tiền thì không có nhiều, bởi ngoài yếu tố định giá khá cao đã nói ở trên, còn 2 yếu tố nữa là (1) thông tin ngành không còn “sáng” như so với (thông tin) hồi đầu năm, như ngành thép, hay (2) định giá cao như mía đường, vật liệu xây dựng, bảo hiểm...

Giá cổ phiếu nói chung tăng vì kỳ vọng, chứ không phải vì kết quả quá khứ, nhất là ở Việt Nam, thì tin đồn về kết quả kinh doanh là rất phổ biến, do đó mua cổ phiếu những nhóm này, vào lúc này sẽ có rủi ro thị trường cao hơn so với các nhóm ngành khác.

Lấy ví dụ cụ thể là ngành sắt thép, quan điểm của tôi là kết quả quý III nói chung vẫn sẽ rất tốt, nhưng gần đây liên tiếp có những thông tin tiêu cực ảnh hưởng lên tương lai ngành này, như tình hình nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng, xuất khẩu thì đang có nguy cơ bị Mỹ đánh thuế chống phá giá (Thái Lan mới vừa tuyên bố đánh thuế), giá quặng đang tăng… Giá cổ phiếu ngành thép đã tăng mạnh kể từ đầu năm, coi như đã đáp ứng đúng kỳ vọng của nhà đầu tư về những thông tin công bố từ đầu năm, tuy nhiên sắp tới sẽ biến động khó lường hơn khi “gặp” phải mối lo ngại trước những thông tin mới nhất này.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt thị trường ảnh 2

 Ông Hoàng Thạch Lân

Hay như ngành mía đường (không bao gồm HNG), kết quả sản xuất kinh doanh các công ty niêm yết trong nhóm này đều tăng trưởng tốt khi giá đường tăng từ quý IV/2015 đến nay. Giá cổ phiếu nhóm ngành này (trừ BHS) cũng đã tăng từ đầu năm đến nay và giờ theo quan điểm cá nhân tôi, là đang định giá khá cao, nên kết quả quý tới có ra thì cũng chưa chắc hút thêm dòng tiền.

Trong quý III, có khá nhiều ý kiến cho rằng, nên chú ý nhóm giáo dục (bao gồm sách vở, bút viết, thiết bị trường học…). Cái này không sai, bởi nhóm giáo dục có thể nói là nhóm có tính mùa vụ bền vững và đạt đỉnh vào quý III rõ rệt nhất so với nhiều nhóm khác. Có khá nhiều cổ phiếu nhóm này vẫn đang có P/E trailing chỉ chừng 4-5 lần, đáng để xem xét đầu tư, chỉ xin lưu ý 1 chút về yếu tố thanh khoản (nhiều mã thanh khoản rất thấp).

Ngược lại, tôi nghĩ nhà đầu tư có thể tìm hiểu các nhóm ngành đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại, ví dụ như dầu khí, cảng biển, thủy điện hay thậm chí kinh doanh bất động sản.

Đối với các nhóm ngành như dầu khí hay thủy điện, có thể kết quả quý III chưa hẳn thật sự tốt, nhưng tôi nghĩ với những thông tin ngành tích cực (giá dầu, thời tiết…), thì kết quả quý III sẽ cho thấy rõ ràng hơn những tín hiệu hồi phục về cơ bản (tài chính), qua đó nhà đầu tư có thể đón đầu kỳ vọng quý IV. Lưu ý rằng, nhóm kinh doanh bất động sản cũng thường dồn doanh thu và lợi nhuận vào quý IV.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Ngành vật liệu xây dựng trong đó có ngành thép vốn là ngành hút tiền khá mạnh trong chuỗi thời gian vừa qua. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, giá nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh nên nhiều người cũng đã chốt lời.

Có những ý kiến cho rằng, nhóm chứng khoán và bất động sản có thể sẽ dẫn sóng và hút tiền. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn chưa nhìn thấy nhóm ngành nào đủ khả năng sẽ dẫn dắt thị trường cả. Nó vẫn là cuộc chơi riêng lẻ của từng cổ phiếu trong từng ngành khác nhau, ví dụ như ngân hàng là VCB, chứng khoán là BVS, SSI, dệt may là EVE....

Nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch rất tích cực trong một vài phiên trong tuần và được coi một trong những nhân tố chính nâng đỡ thị trường, thì trong phiên cuối tuần lại giao dịch khá bấp bênh. Các ông đánh giá như thế nào về cơ hội/rủi ro đối với nhóm cổ phiếu này?

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Bản Việt

Như đã nói ở trên, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ đạt được cuối tháng 9 vừa qua của OPEC đã mở ra một cơ hội tăng giá cho giá dầu thô thế giới. Nhạy cảm với biến động của giá dầu, nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước như GAS, PVS, PVD tăng rất mạnh sau thông tin này với kết quả kinh doanh rất lớn. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi thì lực cầu lần này có tính chất bị động, cho nên những sự rung lắc mạnh trong ngắn hạn là điều có thể dự báo trước.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt thị trường ảnh 3

 Ông Vũ Minh Đức

Sau một vài nhịp củng cố, đà tăng sau đó có thể sẽ mịn hơn, nhất là khi về mặt kỹ thuật dầu Brent đang có xác suất cao sẽ vượt qua vùng đỉnh 51$/thùng để tiến tới các mục tiêu cao hơn, có thể ở vùng 55-60$/thùng. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý những sự tăng giá nếu có của nhóm dầu khí chủ yếu sẽ được hỗ trợ bởi yếu tố tâm lý và kỳ vọng; còn về cơ bản, giá trị nội tại của các cổ phiếu dầu khí sẽ chưa có sự thay đổi nhiều trong giai đoạn này.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tuần qua nhóm dầu khí có phiên giao dịch rất tích cực, nhờ thông tin OPEC tuyên bố “đóng băng” sản lượng (lần đóng băng trước được cho là cách đây 8 năm), tuy nhiên qua phiên cuối tuần thì lại giảm, chắc do thông tin Nga tuyên bố không cắt giảm sản lượng (Nga là 1 nước xuất khẩu dầu lớn nhưng không thuộc OPEC). Nói chung, giá cổ phiếu dầu khí vẫn bị neo với giá dầu, còn thông tin tích cực và tiêu cực thì liên tục đan xen với nhau.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, thông tin liên quan đến OPEC là rất quan trọng đến triển vọng giá dầu thế giới, bởi sau một thời gian dài “đấu” với dầu đá phiến của Mỹ và Canada, thậm chí “đạp giá” xuống đến mức bên nào cũng có giá bán thấp hơn giá thành, ai cũng lỗ thì có vẻ OPEC lại chịu thiệt hại lớn hơn 2 đối thủ kia. Bây giờ, họ cắt giảm sản lượng chính là bảo vệ lợi ích của chính mình và dù Mỹ, Canada… cắt hay tăng sản lượng, thì cũng không còn là mối lo lớn nhất nữa. Tôi tin rằng Mỹ, Canada không vì tuyên bố của OPEC mà tăng sản lượng, có lẽ chỉ có Nga có thể tăng sản lượng do vấn đề kinh tế nội tại của nước họ.

Với quan điểm trên, tôi nghĩ, nhiều khả năng giá dầu sẽ giữ vững trên mốc 45-50 USD/thùng về cuối năm, khi đó có thể nói thời điểm khó khăn nhất đối với ngành dầu khí Việt Nam cũng đã qua. Theo tôi được biết, một số công ty chứng khoán lớn khi lập định giá các mã dầu khí hay có đầu vào liên quan đến dầu khí, vẫn đang giữ quan điểm dự phóng giá dầu bình quân cả năm ở mức 45 USD/thùng. Tuy giá dầu cũng như giá cổ phiếu nhóm này còn mất thời gian khá dài mới quay lại thời hoàng kim, nhưng triển vọng đang sáng hơn nhiều so với hồi đầu năm. nhà đầu tư vẫn nên theo dõi kỹ nhóm này và nên chọn một vài mã có định giá thấp (dựa trên số liệu dự phóng chứ đừng dùng số trailing) để đầu tư, đón đầu 2017.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Về ngành này, trước hết phải nói rằng các doanh nghiệp ngành đã quen dần với môi trường giá dầu hiện tại. Nhiều doanh nghiệp đã cai thiện được kết quả kinh doanh trong các quý gần đây và đó là điều tôi quan tâm. Do đó, cổ phiếu nhóm ngành này nhiều khả năng đã tạo đáy cùng với giá dầuu vùng 45-50 USD/thùng như hiện nay. Cổ phiếu này vẫn luôn là nhóm ngành mà nhà đầu tư quan tâm nhưng giá của nó lại luôn biến động cùng giá thế giới.

Rất khó để đoán định giá dầu thế giới sẽ đi theo xu hướng như thế nào, nhưng dường như nhiều người đang tin rằng nó sẽ sớm hướng tới mốc 60 USD/thùng trong thời gian tới. Nếu như kịch bản này xảy ra thì giá nhiều cổ phiếu này còn tăng giá và doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận và điều đó lại tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu. Nhưng đó là góc nhìn dài hạn và nhóm cổ phiếu này nên được quan tâm nhiều hơn.

Ngược lại, nếu như giá dầu giảm trở lại thì khó giảm thấp hơn 40 USD/thùng và kịch bản này chỉ có thể đẩy giá cổ phiếu này giảm 10%. Như đối với cổ phiếu PVD là giá 25.000 đồng, PVS là vùng 18.000-19.000 đồng.

Thực tế, mối lo ngại nhất với giá dầu thế giới chính là triển vọng của nền kinh tế thế giới đang suy giảm. Nhiều tổ chức như ADB, WTO, IMF liên tục giảm đánh giá về tăng trưởng kinh tế thế giới, điều đó rõ ràng cho thấy nhu cầu về dầu chưa thể hồi phục. Những nố lực cắt giảm sản lượng hay tương tự chỉ giúp giá dầu có những biến động ngắn hạn.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục