Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Tuần qua, dù thị trường vẫn bảo toàn tốt sắc xanh nhưng đà tăng đã có phần hãm lại khiến diễn biến tăng của nhiều cổ phiếu không đạt được kỳ vọng. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* MBS khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu SBA

Với ước tính sản lượng của SBA tăng 30% so với năm 2015 và đạt khoảng 200 - 210 tr. kwh, với giá bán điện cũ, SBA sẽ có thể đạt doanh thu 237 - 254 tỷ đồng cho năm 2017 và EPS khoảng 1.346 đồng – 1.440 đồng/CP. Chúng tôi khuyến nghị Khả Quan đối với cổ phiếu SBA với mức định giá 12.000 đồng/cp.

Mặc dù được nhận định khá khả quan với kết quả kinh doanh ước đạt được trong năm 2016 tích cực nhưng diễn biến giao dịch SBA trong tuần qua không có nhiều biến động, các phiên tăng giảm khá nhẹ trong tuần. Với 2 phiên đứng giá, 1 phiên giảm nhẹ vào cuối tuần 30/9 và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SBA tăng 200 đồng/Cp (+1,92%) từ mức 10.400 đồng/Cp lên 10.600 đồng/Cp.

* MBS kkhuyến nghị mua vào cổ phiếu VGC

Với tiềm năng từ quỹ đất lớn, sự tăng trưởng mạnh mẽ từ mảng vật liệu xây dựng, và những đánh giá khả quan dựa trên những động thái tái cơ cấu tích cực của doanh nghiệp, MBS đã đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VGC với mức định giá hợp lý khoảng 20.800 đồng/cp cao hơn 24,55% so với giá hiện tại ngày 27/9/2016.

Hòa cùng diễn biến tăng tích cực của toàn thị trường và những phân tích lợi thế từ quỹ đất lớn, mức tăng trưởng khả quan, tuần qua, cổ phiếu VGC đã có cú bứt phá mạnh. Thống kê cả tuần, VGC 1 phiên giảm duy nhất vào ngày 29/9 và 4 phiên tăng. Tính chung, giá cổ phiếu VGC tăng 2.000 đồng/Cp (+13,16%) từ mức 15.200 đồng/Cp lên 17.200 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu CNG

Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu CNG với giá mục tiêu 52.500 đồng/cổ phiếu theo phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền, giá mục tiêu cao hơn 29% so với giá cổ phiếu ngày 27/9/2016. 

Khuyến nghị của BVSC có xác suất đúng cao khi tuần qua, CNG có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng khá mạnh. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CNG tăng 2.000 đồng/Cp (+4,96%) từ mức 40.300 đồng/Cp lên 42.300 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị mua vào cổ phiếu CSV

Theo BSC, CSV đã bứt phá khỏi vùng tích lũy trung hạn với khối lượng giao dịch thuyết phục và đang hình thành xu hương tăng trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tham gia khi CSV kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 31.3 – 31.8 với mục tiêu là 35.2 và khuyến nghị mua ở vùng giá 31.3 – 31.8, mục tiêu là 35.2, cutloss khi giá giảm dưới 28.7.

Đúng như khuyến nghị của BSC, cổ phiếu CSV đã có một tuần giao dịch đầy hứng khởi, không chỉ tăng mạnh về giá mà thanh khoản cũng cải thiện tích cực. Thống kê cả tuần, CSV có tới 4 phiên tăng, trong đó, phiên 27/9 tăng trần và duy nhất 1 phiên giảm ngày 29/9. Tổng cộng, giá cổ phiếu CSV tăng 2.5900 đồng/Cp (+8,5%) từ mức 29.400 đồng/Cp lên 31.900 đồng/Cp. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư chốt lời ở phiên 28/9 thì chỉ trong 3 phiên giao dịch có thể thu lợi 3.100 đồng/CP, tương ứng 10,54%.

* BSC khuyến nghị mua vào cổ phiếu VNR

VNR có thể bứt phá khỏi xu hướng tích lũy trong mô hình ascending triangle với giá mục tiêu trong ngắn hạn là 23.3 và BSC đưa ra khuyến nghị mua VNR với trong khoảng giá 21.5 – 21.8 với mục tiêu là 23.3, cutloss khi giá giảm dưới 20.5.

Tuần qua, VNR có 2 phiên giảm vào đầu tuần 26/9 và cuối tuần 30/9 và 3 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNR tăng 300 đồng/Cp (+1,38%) từ mức 21.800 đồng/Cp lên 22.100 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị mua vào cổ phiếu VIT

KIS đã đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu VIT với giá mục tiêu 36.000 đồng/CP, giá cắt lỗ 28.000 đồng/CP và thời gian đầu tư là 1 tháng.

Sau tuần tăng mạnh trước đó, đà tăng của cổ phiếu VIT đã có phần hiệu hãm lại khi xuất hiện những phiên chốt lời. Diễn biến cổ phiếu VIT tuần qua khá đi ngang với những phiên tăng giảm nhẹ, tổng cộng, VIT có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIT tăng 500 đồng/Cp (+1,65%) từ mức 30.300 đồng/Cp lên 30.800 đồng/Cp. Như vậy, so với giá mục tiêu mà KIS đưa ra, mức giá này thấp hơn 14,44%.

* MBS khuyến nghị mua và nắm giữ trung và dài hạn cổ phiếu VC3

Cổ phiếu VC3 đang giao dịch ở mức P/E là 13,63 lần, thấp hơn so với P/E thị trường (14 lần) và P/E các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản (16 lần). Mức P/E forward năm 2016 khoảng 12-13 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu VC3 khoảng 40.000-42.000 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu với mục tiêu trung và dài hạn.

Khuyến nghị của MBS có xác suất đúng khá cao khi tuần qua, VC3 có 1 phiên giảm nhẹ và 3 phiên tăng mạnh. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VC3 tăng 1.700 đồng/Cp (+5,14%) từ mức 33.100 đồng/Cp lên 34.800 đồng/Cp. Nếu nhà đầu tư nào mua từ cuối tuần trước và chốt lời ở phiên 28/9 thì có thể thu lãi 6,34%.

* BVSC khuyến nghị mua vào cổ phiếu FPT

BVSC cho rằng, những chiến lược đúng đắn như thoái vốn tại mảng phân phối bán lẻ trong năm nay và khả năng tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom trong năm sau, sẽ có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của tập đoàn trong dài hạn. Do vậy, công ty chứng khoán này đã tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu FPT với mức giá kỳ vọng là 54.000 đồng/CP.

Mặc dù được BVSC phân tích khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu FPT trong tuần qua đã không đạt kỳ vọng, trái với khuyến nghị mà công ty chứng khoán này đã đưa ra. Với 1 phiên đứng giá ngày 27/9, 2 phiên giảm vào cuối tuần và 2 phiên tăng, giá cổ phiếu FPT đã giảm 750 đồng/Cp (-1,58%) từ mức 47.400 đồng/Cp xuống 46.650 đồng/Cp.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục