Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/9 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/9

VGC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MB (MBS)

Tổng Công ty Viglacera – CTCP (VGC) là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam, đồng thời cũng được biết đến là thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản với các sản phẩm gồm khu công nghiệp cho thuê, khu đô thị, nhà ở để bán và khu thương mại, văn phòng cho thuê.

Với tiềm năng từ quỹ đất lớn, sự tăng trưởng mạnh mẽ từ mảng vật liệu xây dựng, và những đánh giá khả quan dựa trên những động thái tái cơ cấu tích cực của doanh nghiệp, chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của VGC năm 2016 ước đạt khoảng 520 tỷ đồng (trên quan điểm thận trọng), lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 490 tương đương EPS 2016 là khoảng 1.600 đ/cp ( tính trên phần vốn mới 3.070 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự kiến sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2017-2019 với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 20%/năm.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VGC với mức định giá hợp lý khoảng 20.800 đồng/cp cao hơn 24,55% so với giá hiện tại ngày 27/9/2016.

PVD: Sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2017

CTCK BIDV (BSC)

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã PVD) cho biết, giàn khoan PV Drilling V tiếp tục hợp đồng dài hạn với Gazprom của Nga, với giá cho thuê khoảng 185 ngàn USD/ngày, giảm từ mức 205 ngàn USD/ngày trước đây. Giàn khoan này vẫn đang thực hiện hợp đồng dài hạn từ 2012 và dự kiến kết thúc trong tháng 11/2016. Đây là giàn mang lại mức biên lợi nhuận tốt nhất cho PVD. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho giàn PVD V sau khi kết thúc hợp đồng hiện tại. Trong trường hợp đối tác không tiếp tục thực hiện khoan, PVD sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác mới do tính đặc thù của giàn khoan PVD V. Ngược lại, nếu Gazprom tiếp tục thuê PVD V, giá thuê dự kiến sẽ giảm mạnh về mức giá thị trường khoảng 130-140 ngàn USD/ngày, giảm 30% so với mức giá cho thuê hiện nay.

Trong khi đó, giàn khoan PV Driling I thực hiện xuyên suốt từ đầu năm cho tới 15/7/2016, do Cửu Long JOC thuê. Hiện nay, PVD I đã trúng thầu đang chuẩn bị sang Myanmar, với mức giá khoảng 50 – 60 ngàn USD/ngày, giảm mạnh từ mức khoảng 80 ngàn USD/ngày trung bình trong quý I/2016.

Các giàn còn lại hiện chỉ đang thực hiện các hợp đồng thuê ngắn hạn. PVD II và VI đang được thuê bởi Vietsopetro dự kiến kết thúc vào tháng 10/2016. Giàn PVD III đã không có việc làm từ tháng 4 cho tới nay. Như vậy trong 9 tháng đầu năm 2016, số lượng giàn khoan cho thuê trung bình của PVD là khoảng 2,3 giàn (1,3 giàn tự nâng và 1 giàn TAD), giảm khoảng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo PVD cho rằng doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn hơn trong năm 2017. Hiện nay nguồn cung giàn cho thuê trong khu vực vẫn đang cao gấp 2 lần so với nhu cầu, gây áp lực giảm lên đơn giá trong việc đấu thầu. Việc cho thuê giàn khoan phụ thuộc nhiều vào giá dầu, trong khi các nhà thầu sẽ chỉ trở lại nếu mức giá dầu duy trì trên $60 trong khoảng thời gian đủ dài (khoảng 6 tháng). Với triển vọng giá dầu còn nhiều biến động, doanh nghiệp cho rằng 2017 sẽ tiếp tục gặp khó. Công ty kỳ vọng mức cho thuê trung bình 2017 ở mức 2,5 tàu, với mức giá cho thuê tiếp tục giảm sâu, và đặc biệt là mất đi sự đóng góp biên lợi nhuận cao từ PVD V.

CNG: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Triển vọng tăng trưởng của ngành tốt, sản lượng CTCP CNG Việt Nam (mã CNG) sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ bắt đầu cung cấp khí cho khách hàng Viglacera (Bình Dương) từ đầu năm 2017 với sản lượng khoảng 20-25 triệu Sm3 /năm và sẽ tiếp tục tăng sản lượng từ một số khách hàng khác ở miền Bắc, lợi nhuận sau thuế 2017 dự báo đạt 157,2 tỷ đồng, tăng 25,9% so với năm trước, EPS 5.232 đồng/cổ phiếu. Biên lợi nhuận sẽ được duy trì ổn định nhờ cơ chế giá mua khí đầu vào và giá khí bán ra thả nổi;

Bên cạnh đó, với khả năng tạo ra dòng tiền tốt từ hoạt động kinh doanh, CNG nhiều năm qua trả cổ tức khá ổn định. Với kế hoạch trả cổ tức 30% mệnh giá trong năm 2016, suất cổ tức khoảng 7,2%.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số rủi ro sau khi đầu tư vào CNG. Cụ thể, mặc dù giá mua khí đầu vào và giá bán khí đều thả nổi theo giá dầu FO và các sản phẩm liên quan đến dầu thô khác, tuy nhiên nếu giá dầu thô giảm mạnh thì giá bán ra của CNG sẽ giảm mạnh, khi đó lợi nhuận gộp của CNG sẽ không đủ bù cho các chi phí cố định khác như chi phí khấu hao, chi phí quản lý. Khi đó cả doanh thu, lợi nhuận của CNG sẽ giảm mạnh theo.

Một rủi ro khác là giá mua khí đầu vào, CNG mua khí chủ yếu từ CTCP Khí thấp áp Việt Nam, mặc dù cùng thuộc tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, tuy nhiên nếu có sự thay đổi chính sách giá khí đầu vào bất lợi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của CNG.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu CNG với giá mục tiêu 52.500 đồng/cổ phiếu theo phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền, giá mục tiêu cao hơn 29% so với giá cổ phiếu ngày 27/9/2016. 

CSV: Khuyến nghị mua vào
 CTCK BIDV (BSC)
 Xu hướng hiện tại cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản miền Nam (mã CSV) bứt phá khỏi vùng tích lũy trung hạn, có thể kiểm định lại hỗ trợ 31.3.
 Bên cạnh đó, chỉ báo xu hướng MACD cho phân kỳ dương, MFI và RSI đang tiến nhanh về vùng quá mua, ADX và Aroon đều ủng hộ xu hướng tăng mạnh. Thanh khoản của CSV tăng mạnh, duy trì trên ngưỡng trung bình 10 phiên.
 Như vậy, CSV đã bứt phá khỏi vùng tích lũy trung hạn với khối lượng giao dịch thuyết phục và đang hình thành xu hương tăng trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tham gia khi CSV kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 31.3 – 31.8 với mục tiêu là 35.2 và khuyến nghị mua ở vùng giá 31.3 – 31.8, mục tiêu là 35.2, cutloss khi giá giảm dưới 28.7.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục