Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội cho nhà đầu tư giá trị

(ĐTCK) Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu ít nhiều tác động từ quyết định tăng lãi suất của Fed và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Theo dự đoán của một số chuyên gia, xu hướng bán ròng của khối ngoại ở các mã bluechip vẫn chưa kết thúc, nhưng đây lại là cơ hội mua vào tốt cho các nhà đầu tư theo trường phái giá trị.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội cho nhà đầu tư giá trị

Tâm điểm của thị trường trong tuần qua có lẽ là quyết định tăng lãi suất đồng USD 0,25%/năm của Fed. Đã có nhiều góc nhìn khác nhau sau quyết định của Fed, xét cả về mặt tích cực lẫn tích cực. Ở góc độ nhà đầu tư, việc nâng lãi suất của Fed có mở ra cơ hội mới không, theo ông/bà?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS)

Trên góc độ nhà đầu tư cá nhân, tôi quan sát thấy động thái nâng lãi suất phần nào đã giải tỏa áp lực hơn tháng gần đây. Thị trường đã giảm khá sâu và kéo dài hơn cả tháng nay. Đợt giảm này một phần cũng đến từ quan ngại của động thái trên của Fed. Do đó, quyết định lần này đã phản ánh gần như đầy đủ vào thị giá của thị trường.

Trên góc độ nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là tổ chức nước ngoài, tôi cho rằng, với các quỹ đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, đợt tăng lãi suất này sẽ khiến các quỹ này phải đắn đo nhiều vào chi phí cơ hội của việc tiếp tục giải ngân vào nhóm vốn hóa lớn. Bởi vì, động thái nâng lãi suất này sẽ kéo theo sau là quan ngại về áp lực giảm giá VND trong năm 2016. Trong khi đó, suất sinh lời của nhóm vốn hóa lớn thường có giới hạn nhất định. Nếu lấy chỉ số VN30 làm đại diện thì suất sinh lời của nhóm này chỉ vào khoảng 7 - 14,5%/năm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội cho nhà đầu tư giá trị ảnh 1

 Bà Đoàn Thị Thanh Trúc

Trong khi đó, bài toán tỷ giá cho năm 2016 sẽ khó hơn và biến động mạnh hơn những gì đã diễn ra trong năm 2015. Điều này có thể khiến các quỹ này phải suy xét cẩn trọng trong việc giải ngân trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, trên góc độ quỹ đầu tư theo trường phái cổ phiếu tăng trưởng hoặc có khuynh hướng tham gia đồng hành cũng doanh nghiệp trong nhiều năm, thì chi phí từ việc biến động tỷ giá (hệ quả sau quyết định nâng lãi suất của Fed) sẽ không phải là tiêu chí quá quan trọng trong việc ra quyết định giải ngân.

Trong khi đó, tôi đánh giá, yếu tố tiềm năng hoạt động của doanh nghiệp và khả năng tăng trưởng mạnh trong năm 2016 và các năm tiếp theo mới là yếu tố hàng đầu trong quyết định giải ngân. Do đó, tôi kỳ vọng nhóm nhà đầu tư này vẫn tham gia tích cực vào thị trường, đặc biệt là giai đoạn thị trường đang trong quá trình hình thành đáy ngắn-trung hạn như hiện nay. Điều này sẽ khiến cac cổ phiếu tăng trưởng, vốn hóa vừa và nhỏ có tiềm năng trong năm 2016 sẽ được tích lũy mạnh bởi khối ngoại và mở ra cơ hội có suất sinh lời cao đối với nhà đầu tư theo trường phái này.

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kỹ thuật - Khối phân tích CTCK VPBS

Theo chúng tôi, việc Fed tăng lãi suất có tác động tích cực trong dài hạn, vì đây là một tín hiệu rõ ràng cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, vốn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Còn trong ngắn hạn, nó chắc chắn sẽ gây áp lực lên việc điều hành tỷ giá USD/VND, cũng như sự dịch chuyển dòng vốn của khối ngoại.

Việc Ngân hàng Nhả nước hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% từ ngày 18/12 như một giải pháp để xoa dịu sức nóng của thị trường đối với đồng USD. Tuy vậy, tôi cho rằng, áp lực giảm giá tiền VND trong thời gian tới vẫn là khá lớn.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại bán ròng liên tục từ đầu tháng 12 đến bây giờ với giá trị lên tới gần 2.000 tỷ đồng là một minh chứng rõ nét cho phản ứng của họ trước việc Fed tăng lãi suất, điều đã được giới phân tích kỳ vọng từ sớm.

Tôi cho rằng, xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn chưa kết thúc và giá của nhiều cổ phiếu blue-chips theo đó có thể bị đẩy xuống mức thấp hơn. Những đây sẽ là cơ hội mua vào tốt cho những nhà đầu tư theo trường phái giá trị.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Fed tăng lãi suất chủ yếu giải quyết yếu tố tâm lý chờ đợi của thị trường trong suốt thời gian qua. Dòng vốn nước ngoài đã rút mạnh trước thời điểm Fed có quyết định tăng lãi suất và góp phần đẩy thị trường giảm mạnh, đồng thời mở ra cơ hội cho dòng tiền nội bắt đáy trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, dư âm về hoạt động rút vốn của khối ngoại và sức ép lên tỷ giá sau quyết định của Fed vẫn còn đeo đẳng thị trường thêm một thời gian nữa, khiến cho khả năng tăng điểm mạnh khó xảy ra. Thị trường có khả năng sẽ phục hồi về vùng giá cân bằng hơn nằm trong khoảng 580-590 điểm vào cuối năm.

Có một điểm khá thú vị là trong 2 kỳ review gần đây, các quỹ ETF ngoại đã thay đổi chiến thuật khi đã tạo ra những bất ngờ cho thị trường và thị trường đã không thể “bắt bài” như thời gian trước đó. Ông/bà đánh giá như thế nào về sự thay đổi của các ETF, đặc biệt là với một số cổ phiếu được thêm bớt trong kỳ review này như HHS, HPG…, vì đây những cổ phiếu bị hụt về mặt tiêu chí?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS)

Trong kỳ review này, HHS và HPG là 2 mã nằm ngoài dự đoán. Đối với HHS, theo suy đoán thì có lẽ do sự khác biệt về cách thức hoạt động của 2 quỹ ETF với FTSE ETF sử dụng phương thức thức mô phỏng tổng hợp (synthetic replication), tức có sử dụng hợp đồng hoán đổi (swap), trong  trong khi VNM ETF sử dụng phương thức mô phỏng chỉ số truyền thống (conventional replication), nên dẫn đến việc HHS không được vào rổ FTSE trong kỳ review này.

"Phần thắng thường không dành cho đám đông".

Đối với HPG, do trong kỳ review lần này, VNM ETF loại 1 cổ phiếu nước ngoài làm tổng số mã trong danh mục bé hơn 24, nên có thể VNM ETF trong cách tính đã làm tròn tỷ lệ room còn lại cho nước ngoài từ 9,9% lên 10% để đủ điều kiện thêm vào danh mục.

Cũng chính vì phương pháp hoạt động khác nhau này, nên mục tiêu chính của VNM ETF là 100% track theo Index đã được tạo ra, mua bán khối lượng lớn cổ phiếu theo kết quả review danh mục, mà không quan tâm đến giá, trong khi FTSE lại mua bán khó đoán hơn.

Còn về giao dịch, 2 quỹ thường hoạt động mạnh trong ngày thứ Sáu thứ 3 của tháng cuối cùng mỗi quý để chốt danh mục. Tuy nhiên, không có gì bắt buộc 2 quỹ này phải giao dịch mua bán ngay trên sàn, mà có thể thông qua hình thức thỏa thuận hay thậm chí đã có thể giao dịch trong thời gian trước đó, kể từ sau ngày công bố kết quả review danh mục (với FTSE ETF là 2 tuần và VNM ETF là 1 tuần). Có nhiều cách để ETF giao dịch nên khó dự đoán được 2 quỹ sẽ mua bán thế nào.

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kỹ thuật - Khối phân tích CTCK VPBS

 Ông Vũ Minh Đức

Trước các kỳ review danh mục của các quỹ ETF, giới chuyên gia thường đưa ra các dự đoán về việc thay đổi tỷ trọng của các quỹ này. Trừ một số trường hợp bất ngờ do sự cố thông tin như BID trong kỳ review trước hay “châm trước” như HPG trong kỳ này, đa số các dự báo về ETF đều khá chính xác.

Tuy vậy, chiến thuật “bắt bài” ETF trong khoảng 1 năm gần đây thường không mang lại được hiệu quả cao.

Nhiều cổ phiếu bị ETF hạ tỷ trọng, nhưng vẫn tăng giá (như trường hợp của BID, IJC hay BVH) và ngược lại, một số cổ phiếu được ETF tăng tỷ trọng, nhưng lại có chiều hướng giảm (như trường hợp của HHS). Điều này cũng phù hợp với quy luật trading trên thị trường tài chính, là phần thắng thường không dành cho đám đông.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Tôi nhận thấy có những sai biệt nhất định giữa dữ liệu thị trường thực tế với dữ liệu 2 ETF sử dụng trong 2 kỳ rà soát danh mục gần đây.

Trước hết phải kể đến trường hợp cổ phiếu BID ở kỳ trước và ETF VNM sử dụng nhầm dữ liệu tính toán Freefloat của KDC lên trên 50% ở kỳ này.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội cho nhà đầu tư giá trị ảnh 3

Ông Bùi Nguyên Khoa 

Ngoài ra, những tranh luận về việc tính toán lượng cổ phiếu lưu hành khiến HHS không được đưa vào rổ FTSE và sự thiếu hụt tiêu chí nhất định ở cổ phiếu HPG và HHS.

Sự sai lệch trên khiến cho hoạt động dự báo danh mục ETF thiếu chính xác. Dù vậy, chúng tôi nhìn nhận một điểm tích cực khi quỹ ETF VNM liên tiếp tăng tỷ lệ cổ phiếu Việt Nam từ mức 70% lên 82% trong năm 2015.

Điều này cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của các quỹ ETF và khả năng tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục ETF VNM khá sáng sủa trong năm sau, khi nhiều cổ phiếu sẽ được mở room sau quyết định mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường trong tuần tới sẽ theo xu hướng nào khi mà năm 2015 chỉ còn tính bằng ngày?

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS)

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội cho nhà đầu tư giá trị ảnh 4

Diễn biến VN-Index 2 tuần đầu tháng 12 và 2 tuần cuối tháng 12 trong giai đoạn 2007 đến nay (P1: giai đoạn hai tuần đầu tháng 12, P2: giai đoạn hai tuần cuối tháng 12)

Thống kê giao dịch VN-Index từ 2007 đến nay, trong 2 tuần cuối tháng 12 thường chứng kiến kỳ tăng điểm của VN-Index (ngoại trừ năm 2011, thị trường tăng mạnh muộn vào đầu tháng 1/2012).

Hiện tại, thanh khoản thấp nhưng thị trường vẫn tăng tốt trên diện rộng (ngoại trừ phiên cuối tuần do ảnh hưởng của giao dịch ETF nên thị trường bị giảm mạnh).

Vừa qua, Fed chính thức tăng lãi suất, nhưng tin này không tác động tiêu tực lên tâm lý thị trường và thậm chí thị trường có dấu hiệu cởi bỏ được áp lực đè nặng hơn mấy tháng nay khi Fed cuối cùng cũng quyết định nâng lãi suất. Điều này cho thấy tâm lý thị trường đã ổn định hơn các tuần đầu tháng và áp lực bán gần như giảm về mức rất thấp. 

Đồng thời, 2 quỹ ETF đã hoàn thành kỳ giao dịch, nên áp lực tâm lý lên thị trường cũng được giảm đáng kể. Tuy nhiên, lực mua vẫn chưa mạnh trong tuần này có thể do tâm lý chờ đợi xong hoạt động giao dịch của quỹ ETF.

Một số cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn đang vào vùng giá tích lũy đi ngang trong biên độ lớn sau thời gian dài giảm mạnh, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Điều này là trụ đỡ khá tốt đối với thị trường và tạo nên kỳ vọng về đợt hồi phục kỹ thuật mạnh trong tuần sau. Đặc biệt, ngày thứ Sáu, giao dịch của quỹ ETF ảnh hưởng khá lớn, khiến giá cổ phiếu trong phiến ATC ngày thứ Sáu giảm khá mạnh so với giá trước ATC. Điều này cũng sẽ tạo đà tốt cho giao dịch tích cực trong tuần sau.

Thị trường sẽ khó tăng tốt trên diện rộng với thanh khoản bùng nổ nếu không có tin hỗ trợ tích cực trong tuần sau. Tuy nhiên, về mặt VN-Index, tôi vẫn cho rằng, tuần sau là tuần sẽ diễn biến tích cực với chỉ số này do lực kéo của các cổ phiếu lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng.

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kỹ thuật - Khối phân tích CTCK VPBS

Về xu hướng ngắn hạn của thị trường, tôi cho rằng, các chỉ số chứng khoán quan trọng như VN-Index, VN30 hay HNX-Index đều đang vận động trong thị trường giá xuống (bear market) với ngưỡng kháng cự quan trọng đối với VN-Index tại 580-585 điểm. Tuy nhiên, sau một thời gian giảm điểm mạnh từ 618 điểm về sát ngưỡng 560 điểm, lực cầu nội đã giúp thị trường có sự cân bằng nhất định.

Tôi dự báo, VN-Index sẽ dao động lình xình trong biên độ từ 560-580 điểm cho đến cuối năm nay và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục đi xuống nếu khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng như thời gian vừa qua.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Thị trường đã xác lập đáy ngắn hạn tại 561 điểm, hoạt động bán cơ cấu danh mục của ETF cuối tuần qua phần nào gây nhiễu loạn, nhưng tôi cho rằng, xu hướng từ nay đến cuối năm vẫn là quá trình hồi phục và tăng giá.

Thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh với sự vận động tăng điểm và giữ trụ của một vài cổ phiếu chủ chốt. Không có sự hỗ trợ từ hoạt động mua vào của vốn ngoại, nhưng tôi kỳ vọng hoạt động đỡ NAV sẽ giúp thị trường trở lại vùng giá cân bằng như đã đề cập ở trên.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục