Tuần qua, thị trường chỉ có 2 phiên giao dịch nên có thể chưa hoàn toàn phản ánh trọn vẹn những biến động ngắn hạn của thị trường khi chỉ số VN-Index điều chỉnh khá nhẹ nhàng. Đâu là góc nhìn của ông/bà trong tuần giao dịch tới?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng thị trường có khả năng sẽ duy trì đà tăng trong tuần giao dịch tới, nếu chỉ số VN-Index vượt mức 1.225 điểm thì VN-Index có thể sớm kiểm tra lại đường trung bình 50 phiên trong tuần tới.
Chỉ số USD giảm mạnh cùng với đó là kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt trở lại trong tháng 4 và tháng 5 khi giá hàng hóa giảm trong thời gian qua, điều này cũng đã phản ánh tích cực lên diễn biến của TTCK thế giới đã tích cực hơn trong thời gian qua và các chỉ số chứng khoán Mỹ đã xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn trở lại.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CK VNDIRECT
Trong tuần qua, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ tích cực. Đầu tiên là số liệu vĩ mô trong nước tháng 4 được công bố cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững.
Một số khía cạnh của nền kinh tế có chuyển biến tích cực như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công. Diễn biến này củng cố cho kỳ vọng đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện trong những quý tới đây.
Trong ngắn hạn, ngưỡng hỗ trợ của VN-Index nằm trong vùng 1.230-1.250 điểm và vùng kháng cự sẽ trong khoảng 1.290-1.310 điểm.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp MBS
|
Ông Ngô Quốc Hưng |
Với việc chứng khoán thế giới đang trên đà phục hồi sau cuộc họp của Fed và số liệu việc làm tháng 4 yếu hơn dự báo, củng cố khả năng Fed sớm khởi động cắt giảm lãi suất.
Thị trường chứng khoán thế giới cũng như chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong tuần tới nhờ sự hỗ trợ từ các nhân tố như: Dollar Index, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, chỉ số biến động VIX, giá dầu, giá vàng thế giới, … đồng loạt giảm.
Tuy vậy, cũng nên lưu ý thanh khoản thị trường hiện đang ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1, bên cạnh đó thị trường cũng đã hồi được gần 1/2 mức giảm trong tháng 4 nên cần chú ý diễn biến của thị trường ở các ngưỡng cản quan trọng như 1.240 điểm hoặc 1.245 điểm.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap
Dự báo trong những phiên tới, ngưỡng kháng cự MA50 tại vùng 1.256 điểm sẽ tiếp tục thúc đẩy lực bán chốt lãi tại nhóm cổ phiếu VN30. Chỉ số theo đó có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm để kiểm định lại đường MA20 vừa vượt qua tại 1.242 điểm.
Nếu áp lực bán không mạnh và khiến hỗ trợ này chưa bị vi phạm, VN30 vẫn còn khả năng kéo dài đà hồi phục sau đó. Ngược lại, nếu vi phạm hỗ trợ này, tín hiệu đảo chiều giảm có thể sẽ hình thành.
Phiên cuối tuần qua cũng là thời điểm cơ cấu danh mục của các ETF nhưng điều đáng nói là thanh khoản toàn thị trường cũng không có mấy sự cải thiện do phần lớn các nhà đầu tư vẫn “đứng im” chờ tài khoản về bờ sau biến động mạnh của tháng 4 vừa qua. Theo các ông/bà, đâu là các yếu tố có thể tác động đến diễn biến của thị trường trong tháng 5? Liệu thị trường đã đi qua vùng đáy?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp MBS
Như đã phân tích ở trên, các yếu tố tác động đến diễn biến của thị trường trong tháng 5 đang có dấu hiệu tích cực. Ở bên ngoài, việc chỉ số Dollar giảm từ ngưỡng 106, cho đến kỳ vọng Fed giảm lãi suất từ tháng 9 đã tăng lên sau báo cáo việc làm tháng 4, v.v… có tác động tích cực, hỗ trợ thị trường trong nước.
Ở trong nước, NHNN cũng đã tăng cường nỗ lực can thiệp và hỗ trợ tiền tệ thông qua nhiều phương thức khác nhau, áp lực bán ròng của khối ngoại đang trong xu hướng giảm, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm, trong đó lượng đơn hàng mới tăng mạnh, v.v …
Đối với thị trường, nhịp phục hồi 2 tuần liên tiếp gần 60 điểm, lấy lại ½ thiệt hại trong tháng 4 đang dự trên nền thanh khoản thấp, do vậy việc thị trường đã tạo đáy hay chưa vẫn chưa đủ dấu hiệu để xác nhận, điều quan trọng là nhà đầu tư đang có 1 vùng đáy ngắn hạn để tham chiếu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng yếu tố ảnh hưởng đến thị trường hiện nay vẫn là sức mạnh của đồng USD và tình hình lạm phát, nhưng chỉ số USD và lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong ngắn hạn.
|
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta. |
Đồng thời, mặc dù KQKD quý I/2024 chậm lại so với quý IV/2023 nhưng mức tăng trưởng vẫn duy trì ở mức dương với mức tăng trưởng toàn thị trường vẫn ở mức hai con số phần trăm.
Tôi vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng hai quý kế tiếp, điều này sẽ giúp cho định giá của thị trường sẽ trở nên hấp dẫn hơn ở mức giá chiết khấu hiện tại.
Ngoài ra, hiệu ứng “Sell in May” có thể sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư cho nên thanh khoản có thể sẽ bị ảnh hưởng, nhưng tôi kỳ vọng thị trường có thể quay trở lại đà tăng trong tháng 05/2024.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CK VNDIRECT
Thị trường hướng sự chú ý tới cuộc họp của Fed và Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có bài phát biểu có phần ôn hòa về chính sách tiền tệ nhằm xoa dịu những lo ngại gần đây của thị trường.
Sau bài phát biểu này, chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đồng loạt giảm, điều này giúp giải tỏa phần nào áp lực đối với tỷ giá VND trong ngắn hạn. Thêm nữa, mùa báo cáo tài chính đang diễn ra với bức tranh tăng trưởng “nhẹ” về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng hỗ trợ thêm cho thị trường.
Với những diễn biến này, chúng tôi cho rằng rủi ro “điều chỉnh tạo đáy hai sâu hơn đáy vừa qua” đã phần nào được giải tỏa. Theo đó, vùng đáy mới tạo lập quanh 1.150-1.170 điểm có thể là đáy của thị trường trong trung hạn.
Ngược lại, thị trường đang tiến gần tới vùng kháng cự 1.230 điểm. Tại vùng này, áp lực bán có thể xuất hiện. Ngoài ra, giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá. Ở thời điểm hiện tại, vấn đề tỷ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường.
Kịch bản VN-Index chạm đáy thứ 2 thấp hơn đáy cũ đã giảm đáng kể, mở ra kịch bản thị trường bước vào giai đoạn tích lũy với vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.170 (+/-10 điểm) trước khi hình thành xu hướng mới. Ngược lại, ngưỡng 1.230 điểm (+/-10 điểm) sẽ là vùng kháng cự mạnh.
Thị giá nhiều cổ phiếu đã chiết khấu đáng kể trong hơn một tháng vừa qua, vậy nhóm cổ phiếu nào có nhiều cơ hội hồi phục nhanh hơn trong tháng 5, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp MBS
Thị trường đã phục hồi 2 tuần liên tiếp, ở một số nhóm cổ phiếu đang có mức hồi phục tốt hơn so với chỉ số chung. Theo tôi, đây sẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong tháng 5, thời điểm có thể là vùng trũng thông tin. Đơn cử một số nhóm cổ phiếu nổi bật như: Viettel, công nghệ, bán lẻ, các nhóm cổ phiếu có liên quan đến xuất khẩu, v.v...
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có thể vẫn sẽ là nhóm sớm hồi phục và dẫn dắt đà tăng của thị trường. Đồng thời, theo mức tăng trưởng quý I/2024, tôi kỳ vọng nhóm Du lịch giải trí, nhóm xuất khẩu, bán lẻ, thép và sản xuất thực phẩm có thể sẽ là những nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng vượt trội trong tháng 05. Ngoài ra, nhóm Dịch vụ dầu khí và công nghệ vẫn là những nhóm cổ phiếu tăng trưởng dài hạn trong năm 2024.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CK VNDIRECT
Nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải, chưa vội giải ngân ngay mà chờ đợi những nhịp rung lắc, điều chỉnh sắp tới của thị trường. Có thể chia khoản đầu tư ra làm 2 phần và giải ngân thăm dò nếu thị trường về điều chỉnh về vùng 1.190 điểm và giải ngân quyết liệt nếu thị trường về vùng đáy cũ 1.150-1.170 điểm.
Nhà đầu tư nên ưu tiên giải ngân cổ phiếu trong các ngành có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm nay, bao gồm nhóm xuất khẩu (đồ gỗ, sắt thép), ngân hàng, chứng khoán và tiêu dùng.
Trong bối cảnh thị trường đang có 2 luồng thông tin trái chiều về khả năng phục hồi của thị trường, nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán sẽ giằng co trong biên độ hẹp trước khi một xu thế mới được xác lập. Vậy đâu là chiến lược phù hợp thời điểm này?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng dần tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng, trong trường hợp chỉ số VN-Index vượt được mức 1.225 điểm thì các nhà đầu tư có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp MBS
Sau một đợt giảm mạnh, thị trường đang có nhịp hồi khá tích cực cùng xu hướng với các thị trường trên thế giới nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp, đang là điểm hạn chế đối với thị trường hiện tại.
Một số nhóm cổ phiếu có mức phục hồi mạnh hơn chỉ số, ngược lại vẫn có cổ phiếu có sức hồi phục kém thậm chí tạo đáy mới. Do vậy, sẽ không có chiến lược chung nào để áp dụng, nhà đầu tư nên căn cứ vào các ngưỡng cụ thể của cổ phiếu riêng lẻ để tiếp tục nắm giữ hay phải xử lý vị thế khi đi ngược thị trường.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CK VNDIRECT
Trong bối cảnh VN-Index đã phục hồi tương đối mạnh từ đáy và chỉ còn cách vùng kháng cự mạnh khoảng 2%, nhà đầu tư cần đặt quản lý rủi ro danh mục lên hàng đầu.
|
Ông Đinh Quang Hinh,Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CK VNDIRECT. |
Theo đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn (<70% danh mục) và hạn chế sử dụng tỷ lệ ký quỹ cao. Nếu thị trường điều chỉnh về vùng đáy cũ quanh ngưỡng hỗ trợ 1.170 điểm sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư mua vào nhiều hơn và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap
|
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh |
Đối với những cổ phiếu có kết quả khả quan về hoạt động kinh doanh quý I thì nhà đầu tư tiếp tục quan sát và nắm giữ, còn những cổ phiếu trong danh mục không tốt thì có thể bán cắt lỗ và cơ cấu qua mã cổ phiếu tốt hơn ở những thời điểm thị trường điều chỉnh.
Đối với những nhà đầu tư trading lướt sóng: Đây không phải là thời điểm thuận lợi khi thị trường dự kiến dao động trong biên độ hẹp, do vậy phải chú ý thật kỹ động thái dòng tiền vào và rút ra để có phản ứng kịp thời và dứt khoát.