Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ đón sóng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu vua vẫn đang khẳng định vị thế khá tốt trên thị trường, nhưng sức nóng của dòng bank rồi sẽ dần giảm sút. Đâu sẽ là điểm đến của dòng tiền và liệu Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua có đủ sức để giúp nhóm bất động sản nổi sóng?
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ đón sóng?

Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch tích cực hơn kỳ vọng khi các chỉ số chứng khoán bứt phá nhờ những thông tin hỗ trợ đến từ nghị trường Quốc hội. VN-Index vượt qua mức kháng cự mạnh tại 1.160-1.170 điểm tiến đến các ngưỡng tiếp theo. Trong tuần tới, thị trường có tiếp nối tiếp đà tích cực, khi mà kỳ nghĩ lễ sắp đến, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Thị trường đang ở gần vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.200 điểm, đây là kháng cự mạnh trong trung hạn. Do đó thị trường có thể vẫn duy trì đà tích cực và sẽ liên tục thử thách vùng kháng cự này.

Tuy nhiên, trong một vài ngày tới sẽ khó vượt qua được khi dòng tiền vẫn yếu và thị trường chủ yếu được sự hỗ trợ của một số mã bluechip và nhóm ngân hàng chứ không phải nhiều ngành nghề, lĩnh vực nên việc tăng điểm có hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng nhiều hơn là tăng trưởng đều.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Nếu chỉ xét về mặt chỉ số, VN-Index vẫn đang trong xu thế đi lên mạnh mẽ, việc dòng tiền tiếp tục chảy vào các mã vốn hóa lớn trong tuần qua càng củng cố xu thế này. Trong tuần tới xu thế tăng điểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc lướt sóng ngắn hạn đã trở nên khó khăn hơn thời gian gần đây, đặc biệt tại các nhóm cổ phiếu mang tính thị trường như Bất động sản, Chứng khoán… điều này gợi mở khả năng nhịp điều chỉnh có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

VN-Index tiếp tục trạng thái đi lên trong nghi ngờ với thanh khoản không quá đột biến, thực tế cho thấy trạng thái tâm lý của nhà đầu tư càng nghi ngờ thì sóng tăng càng bền, tới lúc thị trường hết sự nghi ngờ thì khả năng cao là sắp “hết vị”.

Mốc 1.200 điểm sẽ là khu vực được nhiều nhắc tới trong tuần này và chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý rằng mốc 1.200 điểm là kháng cự mạnh nhất của nhịp tăng hiện tại bởi vùng này là khu vực hội tụ của khoảng trống giá giảm (Gap-Down) và mức giá trung bình của mẫu hình 2 đỉnh của năm 2023.

Chúng tôi vẫn giữ quan điểm nhất quán tích cực về thị trường, những rung lắc ngắn hạn hoàn toàn có thể xảy ra nhưng tổng thể trong quý 1/2024 là giai đoạn thuận lợi cho thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Thị trường trong tuần qua đã có cú bức phá tốt và vượt lên đỉnh mới dù giao dịch chưa thật sự quá bùng nổ. Một số dòng trụ chính như ngân hàng đóng vai trò rất lớn trong việc đẩy chỉ số.

Sau một cú vượt hơn 10 điểm lên trên 1.180 thì thị trường có thể dao động nhẹ trở lại trong vài nhịp trong tuần tới và tiếp tục tạo nền quanh vùng này. Đà tăng thị trường hiện vẫn đang tiếp diễn vì vậy nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Nhịp tăng điểm vừa qua của thị trường vẫn chủ yếu dựa vào các nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là Ngân hàng. Với nhiều mã Ngân hàng tăng trên 20%, thậm chí có mã tăng đến 30- 40% như BID, CTG... đa số các mã nhóm này đã vào vùng quá mua. Điều này có tạo ra rủi ro khi các mã Ngân hàng này điều chỉnh do áp lực chốt lời tăng không?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Đúng vậy và với dòng tiền yếu như hiện nay chỉ nhờ một số nhóm giúp Index tăng điểm nên việc tăng điểm thiếu bền vững hơn. Việc chốt lời chỉ cần ở những nhóm tăng mạnh có thể làm thị trường điều chỉnh.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Tất nhiên là tôi đánh giá khả năng cao nhóm Ngân hàng sớm hay muộn cũng sẽ phải đối diện với áp lực điều chỉnh, thậm chí có thể nói nhóm Ngân hàng đang “nợ” một nhịp điều chỉnh cần thiết. Tuy nhiên với việc dòng tiền đang có sự luân chuyển khá nhanh, do vậy nếu sự điều chỉnh tới với nhóm Ngân hàng và tác động tới chỉ số, rất có thể sẽ xuất hiện các mã vốn hóa lớn khác tăng điểm để giúp chỉ số cân bằng trở lại.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Dòng tiền vẫn đang tập trung mạnh mẽ nhất vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30) và càng lúc càng tạo khoảng cách lớn với nhóm vốn hóa vừa & nhỏ. Sự lan tỏa của dòng tiền vẫn diễn ra khá chậm chạp, trong đó ngành Ngân hàng vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền vào lúc này.

Đối với nhóm Ngân hàng, chúng tôi bảo lưu quan điểm 2024 là năm mà các yếu tố hỗ trợ vẫn đang trợ giúp tốt cho các yếu tố tiêu cực. Và các rung lắc nếu xảy ra sẽ chỉ trong ngắn hạn, nhờ mặt bằng còn rẻ tại nhiều cổ phiếu trong ngành.

Ngoài ra, chỉ báo thống kê thị trường của chúng tôi đang cho thấy VNindex chưa đạt trạng thái quá mua khi đang ở mức 68/100 điểm – vùng đỉnh thường chứng kiến chỉ báo vận động ở vùng 80/100, điều này có nghĩa thị trường chưa ở trong trạng thái nguy hiểm, dư địa tăng là vẫn còn với mục tiêu tối thiểu của nhịp tăng hiện tại là khu vực 1.200 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhiều ngân hàng đã tiến đến vùng đỉnh mới đặc biệt là nhóm ngân hàng có cổ phần nhà nước chi phối như BID, CTG, VCB. Nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn khác cũng đã tăng hơn 20% vì vậy khả năng điều chỉnh là khá cao. Áp lực chốt lời sẽ gia tăng dần trong thời gian tới vì vậy với các nhà đầu tư ngắn hạn cần lưu ý các nhịp sóng để có ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, về dài hạn định giá chung của cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa đắt vì vậy các nhịp điều chỉnh sẽ không quá sâu.

Việc Quốc hội thông qua cả 2 dự luật quan trọng và được mong chờ từ lâu là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là chất xúc tác cho đà tăng của thị trường nói chung. Nhưng với nhóm ngành bất động sản, ông/bà có thể phân tích hiệu ứng từ tác động của Luật đến các cổ phiếu trong ngành như thế nào?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Chính sách đỡ gỡ khá nhiều vướng mắc và tác động đến cổ phiếu bất động sản nói riêng và ngành bất động sản nói chung đặc biệt là tích cực trong trung dài hạn. Do đó có thể dự báo nhóm cổ phiếu ngành bất động sản có thể sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới đặc biệt là trong trung hạn.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Việc thông qua Luật đất đai (sửa đổi) được đánh giá mang tới những tác động tích cực cho thị trường Bất động sản trong dài hạn, góp phần giúp thị trường Bất động sản phát triển theo hướng công bằng, minh bạch và ổn định.

Những doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn, hoạt động kinh doanh minh bạch và nghiêm túc được cho là sẽ có nhiều lợi thế. Việc giảm áp lực thủ tục pháp lý, tăng tính thị trường trong việc xác định giá đất, loại đất.. sẽ giúp các DN trong ngành thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh.

Còn với cổ phiếu ngành này, thực ra thông tin này đã được dự báo trước từ khá lâu, do vậy diễn biến ngắn hạn còn phụ thuộc cung cầu và các yếu tố khác.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Thông tin thị trường, Quốc Hội thông qua luật đất đai (sửa đổi). Nhìn chung, các bộ luật hỗ trợ rút gọn một số vướng mắc pháp lý, thống nhất một số quy trình chưa rõ ràng, thúc đẩy dòng vốn FDI... Cụ thể hơn ví dụ như điều 30, Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất: tổ chức kinh tế, cá nhân, người thuê đất được lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất, có thể chọn trả tiền 1 lần hoặc thanh toán hằng năm. Yếu tố này giúp nhóm bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi, DN chủ động cân đối dòng tiền, giảm áp lực chi phí tại thời điểm đầu dự án khi chưa tạo ra được nguồn thu.

Tuy nhiên, những sửa đổi mới không hoàn toàn bổ trợ cho các chủ dự án; trong đó, quy định giá đất theo giá thị trường có thể làm tăng đến chi phí đầu vào cho DN.

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các doanh nghiệp bất động sản sẽ có nhiều ảnh hưởng sau khi luật đất đai sửa đổi. Các doanh nghiệp sẽ cần một thời gian để cơ cấu lại tài sản và cũng cần thích nghi với môi trường kinh doanh đổi mới hơn.

Thị trường bất động sản vẫn chưa thể bùng nổ trong năm nay do sức cầu vẫn khá kém. Chỉ một số doanh nghiệp có quỹ đất sạch và sản phẩm chất lượng cao sẽ nổi bật hơn hẳn thu hút nhà đầu tư hơn. Cổ phiếu bất động sản cũng theo xu hướng này. Việc nắm giữ cổ phiếu bất động sản ở thời điểm cũng khá an toàn so với các nhóm ngành khác.

Hiện cũng sắp vào giai đoạn các DN đồng loạt công bố báo cáo kết quả kinh doanh với kỳ vọng nhiều DNNY ghi nhận tăng trưởng dương trong quý IV/2023, giúp dòng tiền duy trì được sức nóng và luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nhằm giữ nhịp tăng của thị trường. Với những nhà đầu tư đã lỡ sóng ngân hàng vừa qua có thể xem xét giải ngân dần vào các nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Nhóm cổ phiếu bất động sản, vận tải, năng lượng (chủ yếu DN hoạt động trong lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo), công nghệ (đặc biệt ứng dụng công nghệ hoặc công nghệ mới như AI)...

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Giai đoạn đầu của chu kỳ công bố BCTC đã qua khi các nhóm ngành tăng trưởng tốt như Ngân hàng, Chứng khoán... đã lần lượt công bố kết quả. Từ tuần tới, một số nhóm ngành có kết quả kinh doanh suy giảm sẽ công bố, do vậy sự phân hóa sẽ diễn ra rõ nét hơn trong 1-2 tuần tới.

Dù vậy, vẫn còn cơ hội tích lũy và cơ cấu danh mục, với một số nhóm ngành được dự báo có kết quả kinh doanh khả quan như: Hàng không, Đầu tư công, Vật liệu xây dựng, Logistics, Bán lẻ…

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng vào nhóm dầu khí và các cổ phiếu tại chuỗi sản xuất thượng nguồn. Những năm gần đây hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam vẫn tương đối trầm lắng dù giá dầu duy trì cao hơn so với mức hòa vốn (55 USD/thùng). Tính chung 10 tháng năm 2023 PVN chỉ khai thác được 9,29 triệu tấn dầu thô (giảm 6,25% so với cùng kỳ) dù đã có sự hỗ trợ của Luật Dầu khí sửa đổi.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các mỏ khí đang hoạt động tại Việt Nam hiện đã cạn kiệt về trữ lượng, hoặc đều đang ở giai đoạn khai thác cuối với độ ngập nước cao và sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15 – 25%.

Sự thiếu sót về chính sách cũng là một trong những yếu tố góp phần gây nên sự “ảm đạm” tại khâu Thượng nguồn trong những năm qua. Tuy nhiên, trong năm 2023 dù đã có sự hỗ trợ của Luật Dầu khí sửa đổi, tình hình khai thác vẫn kém hơn so với kỳ vọng do ảnh hưởng từ triển vọng kinh tế kém khả quan trên toàn cầu.

Tuy vậy, DSC kỳ vọng năm 2024 sẽ là một năm khả quan cho khâu Thượng nguồn nhờ (1) Nhiều dự án quan trọng đã nhận được quyết định triển khai; (2) Giá dầu ổn định trên 70 USD/thùng sẽ kích thích các hoạt động tìm kiếm, khai thác và (3) Luật Dầu khí sửa đổi tiếp tục phát huy vai trò.

Năm 2023 là cột mốc đáng nhớ của ngành khi nhiều dự án quan trọng đã nhận được quyết định triển khai, giải quyết được tình trạng cạn kiệt trữ lượng dầu khí. Đây cũng là nguồn công việc lớn cho các doanh nghiệp dầu khí trong nước với dư địa từ hoạt động khoan, xây lắp M&C và các dịch vụ liên quan khác.

Các dự án được phê duyệt bao gồm Sư Tử Trắng GĐ 2B ( quy mô 1,1 tỷ USD), Lạc Đà Vàng (quy mô 693 triệu USD) và Lô B – Ô Môn (quy mô 10 tỷ USD). Trong đó dự án mỏ khí Lô B sẽ là động lực phát triển chính với quy mô đầu tư lớn, thời gian phát triển dự án dự kiến là 5 năm.

Hiện PVN và các đối tác nước ngoài đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận khung (HOA) để khai thác dòng khí đầu tiên từ dự án Lô B vào năm 2027, kỳ vọng sẽ được nhận được FID (quyết định đầu tư cuối cùng) vào đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã bùng nổ khá bất ngờ và tập trung mạnh vào nhóm ngân hàng trong thời gian qua. Những nhà đầu tư đã bỏ lỡ có thể hướng sang các dòng cổ phiếu nhóm thép, chứng khoán và cả bất động sản. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù đã tăng nhiều nhưng dư địa vẫn còn tốt vì vậy việc chờ các nhịp sóng để tham gia vẫn chưa quá muộn. Tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý sau kỳ báo cáo Q4 thị trường sẽ có vài nhịp điều chỉnh vì vậy việc giao dịch trong thời gian tới cần cẩn trọng hơn và theo hướng chốt lãi dần các nhóm cổ phiếu đạt mục tiêu lợi nhuận.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục