Góc nhìn chuyên gia chứng khoán: Cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường mà luân có sự vận động và miệt mài tìm kiếm cơ hội tại các nhóm ngành vào các thời điểm khác nhau. Và trong bối cảnh bluechip chưa có nhiều tín hiệu tích cực thì các cổ phiếu thuộc ngành nhỏ hơn sẽ là lựa chọn hợp lý.
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán: Cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

Sắc xanh bao phủ trên diện rộng nhóm cổ phiếu ở phiên cuối tuần đã giúp thị trường chinh phục vùng đỉnh mới khi VN-Index đạt mốc 1.377,77 điểm. Đà tăng diễn ra trong bối cảnh các thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng sau khi nhà đầu tư tiếp nhận bản cập nhật chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). TTCK trong tuần tới sẽ chuyển động theo xu hướng nào, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Về ngắn hạn xu hướng tích cực của thị trường sẽ khó thay đổi, có chăng là những phiên điều chỉnh trong bối cảnh dòng tiền mạnh đặc biệt ở những phiên thị trường giảm điểm thì lực mua rất mạnh áp đảo.

Bên cạnh đó chính sách của FED thay đổi nhưng kỳ vọng chính sách trong nước vẫn hướng về sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế và thị trường nên những tác động tiêu cực hơn từ FED (nếu có) sẽ mang tính trung dài hạn hơn nhưng sẽ kèm với các yếu tố trong nước cùng sự thích nghi của thị trường cũng như nền kinh tế.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Chỉ số VN-Index tuần vừa qua đã lập đỉnh cao mới ở 1.377,77 điểm, tăng 1,9% so vớ tuần trước đó để nới rộng khoảng cách so với đầu năm lên 24,8%, bỏ xa mức tăng so với các thị trường lớn trên thế giới.

Đà tăng diễn ra trong bối cảnh các thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng sau khi nhà đầu tư tiếp nhận bản cập nhật chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chất xúc tác đưa thị trường có chuỗi tăng hơn 5 tháng vừa qua là dòng tiền nhàn rỗi tìm đến các kênh đầu tư sinh lời tốt hơn, trong đó có chứng khoán khi lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, ngân hàng dư thừa thanh khoản.

Do vậy, kể từ đầu tháng 6 cho tới nay, mặc dù chứng khoán Mỹ giảm tới 3,6%, thị trường Trung Quốc giảm 2,5%…, nhưng thị trường trong nước vẫn có mức tăng 3,7% và lọt Top các thị trường có mức tăng mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã kết thúc nhịp điều chỉnh ngắn hạn sau 10 phiên do vậy thị trường hoàn toàn có khả năng mở rộng đà tăng để chinh phục các đỉnh cao mới. Tuy vậy, dòng tiền đang có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu bluechips sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nên đà tăng có thể sẽ chậm lại nhưng độ rộng thị trường sẽ tích cực hơn.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Mặc dù VN-Index nhanh chóng quay lại trạng thái tăng điểm và thiết lập mức đỉnh mới, đồng thời độ rộng thị trường có nghiêng về số lượng cổ phiếu tăng điểm, tuy nhiên khác với những nhịp tăng trước đây khi luôn có bộ 3 dẫn dắt là nhóm Ngân hàng, Thép và Chứng khoán luân phiên tăng giá (điều vốn tạo sự tin tưởng lớn cho xu thế).

Nhịp tăng lần này, số mã tăng điểm lại nằm nhiều tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cùng chỉ vài cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi đa số các cổ phiếu Bluechips thuộc VN30 lại có dấu hiệu bị chốt lời khá mạnh, đây là tín hiệu không thực sự vững chắc.

Đồng thời trong bối cảnh chứng khoán thế giới không ủng hộ thì xu hướng tăng điểm của chỉ số rõ ràng đang tiềm ẩn không ít rủi ro. Có lẽ kịch bản thị trường giằng co đan xen các phiên tăng giảm trong tuần tới dễ xảy ra.

Nhóm VN30 vốn là động lực tăng chính cho thị trường từ đầu 2021. Mặc dù đã vượt đỉnh cũ, nhưng ngoại trừ VCB, VIC, nhóm dẫn dắt thị trường vẫn có chỉ số VN30-Index chưa bứt phá, cộng với khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, có thể là chỉ báo chưa thực sự lạc quan hoàn toàn cho xu hướng ngắn hạn của thị trường. Quan điểm của các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Ngắn hạn hết nhóm cổ phiếu này dẫn dắt chuyển sang nhóm khác nên nếu một số bluechip yếu nhưng nhóm khác mạnh lên thì thị trường chung vẫn được hỗ trợ. Ví dụ như trước chủ yếu là nhóm Tài chính, còn hiện tại nhóm cổ phiếu năng lượng (cụ thể là dầu khí) mạnh lên thậm chí cả thủy hải sản, nguyên vật liệu cũng gỡ lại được cho sự khựng lại của các nhóm khác.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Chỉ số VN30 đã giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp, do vậy dòng tiền đã dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ để tìm cơ hội đầu tư, tuần qua trong khi chỉ số VN-Index tăng 1,93% thì nhóm midcap và smallcap tăng lần lượt 4,84% và 4,09%.

Việc dòng tiền không bị rút ra khỏi thị trường mà đi tìm các cơ hội ở các nhóm cổ phiếu khác là tín hiệu tích cực cho thị trường lúc này. Đà tăng của thị trường có thể không còn mạnh mẽ nhưng độ rộng và sự lan tỏa của dòng tiền sẽ tích cực hơn.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Như đã nói ở trên nhóm cổ phiếu dẫn dắt thuộc VN30 đang có dấu hiệu bị chốt lời khá mạnh sau quãng thời gian dài tăng nóng trước đó. Dòng tiền đang có dấu hiệu chảy vào nhóm cổ phiếu cơ bản và các ngành nhỏ như Thủy Sản, Phân bón hóa chất, Đường..

Không thể phủ nhận sự thận trọng đã bắt đầu quay trở lại, thanh khoản đang trên đà sụt giảm khá rõ nét. Chính vì thế cơ hội để thị trường tăng mạnh là khá thấp, và tôi thiên về kịch bản có tuần điều chỉnh nhẹ hoặc đi ngang biên độ hẹp theo dạng tích lũy hơn.

Thị trường đã phục hồi thành công sau nhịp điều chỉnh ở những phiên đầu tháng 6. Bên cạnh sự khởi sắc trở lại của nhóm ngân hàng, sau cú sụt giảm từ tin đồn thất thiệt về việc UBCK thanh tra một số mã như VPB, LPB hay SHB… dòng tiền vẫn luân chuyển tìm kiếm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu như thép, phân bón…hay nhóm mía đường giao dịch tích cực ở những phiên cuối tuần. Trong góc nhìn của ông/bà, đâu mới là nhóm cổ phiếu hút dòng tiền?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Các nhóm cổ phiếu vẫn đang mạnh là: Tài chính (ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm), Nguyên vật liệu (sắt thép, gỗ...), Vận tải biển, Năng lượng (dầu khí có thể sắp tới là điện, than đá và khí đốt).

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Nhà đầu tư đang “sôi sục” với rất nhiều con sóng trong tuần vừa qua, từ cổ phiếu phân bón cho đến mía đường hay thủy sản… điều này cũng phù hợp với sự dịch chuyển của dòng tiền từ nhóm bluechips sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như đã phân tích ở trên.

Tuy vậy, tôi cho rằng thanh khoản ở các nhóm này sẽ là hạn chế cho dòng tiền lớn, đây có thể là làn sóng đầu cơ trong lúc nhóm cổ phiếu lớn gặp áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Về cơ bản, thị trường đang hướng về mùa báo cáo thu nhập bán niên được dự báo sẽ tích cực, trong đó các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, ngân hàng, thép… sẽ tiếp tục là điểm nóng của thị trường.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm nay thì dòng tiền không dễ để có thể rút ra ngay. Thay vào đó dòng tiền ngắn hạn luôn có sự vận động và miệt mài tìm kiếm cơ hội, tại các nhóm ngành vào các thời điểm khác nhau.

Hiện nay, khi mà nhóm cổ phiếu Ngân hàng đang có nhiều tín hiệu tiêu cực thì các cổ phiếu thuộc các ngành nhỏ hơn sẽ là lựa chọn hợp lý. Nhà đầu tư lướt sóng cần linh hoạt hơn, có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để cơ cấu danh mục, ưu tiên nhóm cổ phiếu cơ bản vừa và nhỏ.

Trong tuần trước đó, khi VN-Index điều chỉnh về quanh 1.300 điểm, nhiều nhà đầu tư đã rất tự tin bắt đáy và thực tế đã đủ vòng T+ với khoản lợi nhuận 5-10%. Tuy nhiên ở những phiên điều chỉnh vừa qua, việc bắt đáy sớm không được nhiều CTCK khuyến nghị do lo ngại thị trường đã tạo đỉnh ngắn hạn thứ 2. Vậy chiến lược phù hợp cho thời điểm này, theo ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Với những cổ phiếu có chu kỳ ngắn dòng tiền yếu thì nên bán ra tranh thủ cơ cấu sang cổ phiếu chu kỳ dài, dòng tiền mạnh và các cổ phiếu đang có dấu hiệu dòng tiền và vẫn đang ở mức tiềm năng chưa có tăng giá mạnh.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Cho đến khi các báo cáo thu nhập bán niên được bắt đầu thì dòng tiền có thể còn tiếp tục đầu cơ ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, do vậy có thể tiếp tục đu bám ở nhóm cổ phiếu này.

Bên canh đó, khi thanh khoản thị trường vẫn còn được duy trì ở mức cao kỷ lục như trong tháng 6 này thì việc lựa chọn các cổ phiếu được kỳ vọng có kết quả tích cực trong quý 2 để giải ngân khi thị trường có các nhịp võng hoặc điều chỉnh trong phiên sẽ là chiến lược phù hợp cho giai đoạn này.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Khi thị trường có những biến động mạnh và không ổn định thì nhà đầu tư nên chú trọng hơn về việc quản trị rủi ro.

Việc nên làm vào lúc này là nhanh chóng đưa tỉ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn, tránh việc sử dụng đòn bẩy và đặc biệt nên đưa ra một ngưỡng cắt lỗ nhất định. Thay vì dự báo chúng ta nên xây dựng các kịch bản có thể xảy ra để có thể dễ dàng chủ động xử lý, phân bổ tỉ trọng một cách hợp lý.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục