Góc khuất môi trường đầu tư Việt Nam

Chưa bàn tới đúng - sai trong tranh chấp giữa Công ty Tân Đức và Công ty Tango Candy (Nhật Bản) liên quan tới việc đóng phí sử dụng hạ tầng tại Khu công nghiệp Tân Đức (Long An), song việc Tân Đức chặn cổng, cắt nước của Tango đã cho thấy, còn không ít góc khuất trong môi trường đầu tư Việt Nam.
Do tranh chấp chưa được giải quyết, Công ty Tân Đức đã đổ đất đá chặn cổng vào Công ty Tango, gây xôn xao dư luận. Ảnh: Hoàng Minh Do tranh chấp chưa được giải quyết, Công ty Tân Đức đã đổ đất đá chặn cổng vào Công ty Tango, gây xôn xao dư luận. Ảnh: Hoàng Minh

Theo thông tin mới nhất, Công ty Tân Đức, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Tân Đức đã chính thức gửi đơn kiện Công ty Tango Candy ra Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Nội dung khởi kiện liên quan tới tranh chấp giữa hai công ty về khoản phí duy tu hạ tầng mà Tân Đức buộc các doanh nghiệpthứ cấp phải nộp từ năm 2013, đơn giá 10.018 đồng/m2/năm, trong khi Công ty Tango không chịu nộp vì cho rằng mức thu quá cao.

Như vậy, Tân Đức đã phải áp dụng biện pháp cuối cùng trong xử lý tranh chấp - nhờ đến tòa án - để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên. Điều đó có nghĩa rằng, đúng - sai trong vụ tranh chấp này sẽ do Tòa án phán quyết dựa trên quy định pháp luật, dựa vào chứng cứ pháp lý 2 bên cung cấp.

Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác. Câu chuyện đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua là cách hành xử “không thể chấp nhận được” của Công ty Tân Đức, khi đem vật cản chắn cổng, đổ đất đá và cắt nước của Công ty Tango. Và thực ra, Tango không phải là “nạn nhân” duy nhất, mà còn có các công ty KSA Polymer, YSG Apparel cũng bị “chặn cổng”. Tất nhiên, sau sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cũng như sức ép của dư luận, Tân Đức đã phải tháo dỡ vật cản, cấp nước để Tango hoạt động bình thường.

Theo các chuyên gia, đó là cách hành xử lệch chuẩn, không tuân thủ pháp luật và càng thiếu chuyên nghiệp đối với một công ty chuyên kinh doanh hạ tầng KCN như Tân Đức. Còn nhà đầu tư thứ cấp nào dám thuê hạ tầng của Tân Đức hay không khi chủ đầu tư có cách hành xử “khủng bố” như vậy?

“Biết như vậy, tôi đã chẳng bao giờ thuê ở KCN Tân Đức”, ông Tango Hirosuke, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tango Candy đã chia sẻ.

Đó là thiệt hại nhãn tiền mà Tân Đức có thể nhìn thấy. Nhưng vấn đề ở đây, không chỉ là Tân Đức, mà còn là môi trường đầu tư của Long An, và nói rộng ra, là môi trường đầu tư của Việt Nam. Liệu cách hành xử này có khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, nản lòng hay không?

Chia sẻ với báo chí, ông Tango Hirosuke đã nhắc tới câu chuyện từ năm 1993, khi ông nói trên truyền hình với các doanh nghiệp Nhật Bản rằng, “hãy đến Việt Nam đầu tư, chắc chắn sẽ không hối hận vì con người Việt Nam rất dễ thương và cởi mở”. Bây giờ, dù sau vụ việc với Tân Đức, ông vẫn muốn nói lại câu đó, song cũng đã nhấn mạnh rằng, ông sẽ “tiếp tục đấu tranh vì môi trường kinh doanh minh bạch”.

Cũng vì một môi trường kinh doanh minh bạch, nên Công ty Tango thậm chí đã chấp nhận chịu thiệt hại hàng trăm ngàn USD, trong những ngày bị đình đốn sản xuất (khoảng 15.000 USD/ngày), chứ nhất định không chịu mất thêm khoản phí khoảng 15 triệu đồng/năm mà công ty này cho là bất hợp lý.

Vấn đề nằm ở chỗ đó. Liệu khoản phí mà Tân Đức đặt ra đã hợp lý và minh bạch chưa? Tân Đức có cái lý của mình khi đưa ra mức phí này và đương nhiên, họ cũng có cái lý của mình trong giải quyết tranh chấp với một số doanh nghiệp trong KCN không chịu nộp phí. Ngược lại, Tango Candy cũng có cái lý của mình. Đúng - sai trong vụ tranh chấp này, như trên đã nói, sẽ do Tòa án thụ lý và giải quyết.

Nhưng chỉ một cách hành xử thiếu chuyên nghiệp, nếu không muốn nói là “chợ búa”, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư của Việt Nam, môi trường mà bao năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Chuyện của Tân Đức chỉ như một con sâu làm rầu nồi canh, chỉ là những “góc khuất nhỏ” trong môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, nhưng nếu không xử lý kịp thời, để những mảng tối đó lan rộng, thì hệ lụy sẽ vô cùng lớn.

Và thực tế, cũng có thể kể không ít những góc khuất như vậy trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Từ chuyện năm ngoái, một cán bộ đòi “chung chi” 15.000 USD rồi mới cấp giấy chứng nhận đầu tư ở trong TP.HCM, tới chuyện các chi phí dưới “gầm bàn” khiến các nhà đầu tư đau đầu. Mới đây lại là chuyện tại Quảng Bình, lãnh đạo huyện “gợi ý” nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí...

“Các doanh nghiệp phản ảnh với chúng tôi rằng, khi họ bị sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan, thuế hay muốn thúc đẩy tiến độ, thay vì được hướng dẫn để thực hiện lại thì doanh nghiệp được gợi ý chi thêm tiền để giải quyết nhanh chóng. Chúng tôi cũng rất đau đầu với tình trạng này, nhưng các doanh nghiệp không dám trao đổi cụ thể vì sợ bị đì”, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM chia sẻ và trăn trở rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam đang xấu đi bất chấp những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua.

Đó mới là điều đáng tiếc và đáng lo nhất, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài với các quốc gia trong khu vực.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục