Gỡ vướng về chính sách thuế và hải quan cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Ngày 25/8, tại trụ sở Bộ Tài Chính đã diễn ra cuộc đối thoại giữa Bộ Tài chính với các doanh nghiệp đại diện liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách thuế.
Vẫn còn nhiều vướng mắc về chính sách thuế cần được tháo gỡ (Ảnh minh họa: internet) Vẫn còn nhiều vướng mắc về chính sách thuế cần được tháo gỡ (Ảnh minh họa: internet)

Tại cuộc đối thoại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  đã nêu lên những vướng mắc trong việc thực hiện hiệp định tránh đánh thuế 2 lần mà Việt Nam đã ký kết với 72 quốc gia trên thế giới, trong đó có những trường hợp có bất đồng giữa các cơ quan quản lý thuế địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế của các quốc gia khác, như các vấn đề về xác định đối tượng cư trú, cơ sở thường trú đối với dịch vụ, đại lý, bán hàng tại kho ngoại quan, xuất khẩu tại chỗ, cung cấp hàng hóa và dịch vụ thương mại điện tử, chuyển nhượng cổ phần gián tiếp, người thụ hưởng, bản quyền, thu nhập lãi vay.

Ngoài vướng mắc trên, các doanh nghiệp cũng kiến nghị gỡ vướng liên quan đến bảo hộ đầu tư, đầu tư mở rộng và các vấn đề về liên quan đến khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Một số vướng mắc của đại diện doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính đã giải đáp và hướng dẫn cụ thể. Với các vướng mắc liên quan đến chính sách, ông Đỗ Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ ghi nhận để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ sửa đổi hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thay thế, bổ sung cho sát với tình hình thực tế, hoặc đệ trình đàm phán bổ sung các điều khoản cụ thể đối với các quốc gia ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam.

Về thương mại điện tử, Bộ Tài chính cho biết, sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại điện tử và Bộ đang tích cực nghiên cứu hướng dẫn cụ thể các chính sách thuế trong hoạt động này, trên cơ sở thận trọng, tham khảo ý kiến các bên liên quan và các thông lệ thuế quốc tế.

Bên cạnh đó, cuộc đối thoại cũng thảo luận về vấn đề liên quan đến chuyển lỗ của hoạt động kinh doanh khác với lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản.

Các doanh nghiệp đa ngành có kinh doanh bất động sản, cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế kiến nghị rằng việc điều chỉnh các quy định này theo hướng cho phép cấn trừ lãi lỗ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp do không phải hạch toán riêng thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, tạo động lực phát triển nền kinh tế.

Trả lời cho vấn đề này, Bộ Tài Chính khẳng định, đã xem xét, tham vấn các Bộ, ngành liên quan và nghiên cứu tham khảo thông lệ về thuế của các nước trong khu vực và quốc tế đối với các doanh nghiệp đa ngành, sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo sửa đổi luật và nghị định liên quan trình Quốc hội.

Ông Sambuy Costantino, đại diện nhóm Công tác Thuế VBF cho biết, cuộc đối thoại giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và các bộ ngành thể hiện sự quan tâm của Bộ Tài chính trong việc lắng nghe các vướng mắc và giải quyết các vấn đề tồn tại của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các chính sách đầu tư và chính sách thuế và hải quan đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao này của Bộ Tài chính đối với các cơ quan quản lý liên quan và doanh nghiệp là một sự khích lệ đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, góp phần tạo ra môi trường pháp lý và chính sách chắc chắn và ổn định, tăng niềm tin và sự thu hút của Việt Nam đối với quốc tế.

Còn bà Hương Vũ, Trưởng nhóm Công tác Thuế VBF, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho biết, nhóm Công tác đánh giá cao Bộ Tài chính trong việc duy trì đối thoại trực tiếp với đại diện doanh nghiệp hàng quý để có những chỉ đạo giải quyết đúng và kịp thời đối với các vấn đề vướng mắc ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của doanh nghiệp.

“Đây là hoạt động thiết thực và sát với doanh nghiệp, thể hiện rõ chủ trương của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, trong đó vấn đề thuế và hải quan có ảnh hưởng rất lớn”, bà Hương Vũ chia sẻ.

TLê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục