Tính đến nay, lượng doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất, chế biến gỗ đã lên đến gần 4.000. Con số này vẫn tiếp tục tăng, cả ở DN bản địa lẫn DN có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của ngành là không hề nhỏ.
Điểm sáng của nền kinh tế
Số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 2,68 tỷ USD, tăng 2,08% so với cùng kỳ 2015. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2016 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ là một trong những điểm sáng của kinh tế cả nước. Tốc độ tăng trưởng ngành khá tốt, với mức tăng bình quân 15%/năm. Dự kiến, năm 2016, ngành này tiếp tục tăng trưởng và vượt qua con số 7 tỷ USD xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Kiến trúc AA, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, với tiềm lực nội tại, đến năm 2025, giá trị xuất khẩu của ngành chế biến gỗ có thể đạt đến hơn 20 tỷ USD, gấp 3 lần so với hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, Việt Nam nổi lên là một quốc gia sản xuất đồ gỗ của thế giới với nguồn nguyên liệu hợp pháp. Sản xuất có truyền thống, tay nghề chế tác gỗ nguyên khối để tạo nên những sản phẩm giá trị cao và nguồn nhân công rẻ chính là thế mạnh để ngành đồ gỗ Việt Nam cạnh tranh với các nước. Với những thế mạnh này, dự kiến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ vượt trên 7 tỷ USD.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 37 quốc gia. Trong đó thị trường Hoa Kỳ là cao nhất, đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng kim ngạch.
Theo ông Phú Hữu Minh - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, "khoảng 90% DN FDI ở Bình Dương có đăng ký sản xuất, chế biến gỗ và công nghiệp phụ trợ cho ngành gỗ. Sự dịch chuyển của nhiều nhà máy chế biến gỗ từ những nước không tham gia TPP hoặc chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU sang Việt Nam để hưởng lợi thế những FTA này ngày một nhiều hơn."
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong gần 7 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, giá trị đóng góp của khối DN FDI là không nhỏ. Theo ông Trần Anh Vũ - Giám đốc Liên Thành Furniture, tỷ lệ này chiếm khoảng 50%.
Chưa hết, trong tổng doanh thu xuất khẩu dăm gỗ, mảng kinh doanh mang lại giá trị gia tăng thấp nhất cũng chiếm khoảng 1 tỷ USD. Cơ cấu doanh thu như thế chứng tỏ nội lực của DN chế biến gỗ Việt Nam chưa thực sự cao.
Vẫn lệ thuộc nhiều mặt
Cản ngại lớn khác là ngành gỗ thiếu nguồn nguyên liệu và ngành công nghiệp phụ trợ, như ray kéo, tay nắm... đều phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Đồng thời, gỗ nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Ván nhân tạo sản xuất trong nước như MDF, Okal còn hạn chế về chất lượng và giá thành.
Một thông tin khá thú vị là do sự gia tăng giá nhân công ở Trung Quốc, nhiều đơn hàng của các đơn vị cung cấp lớn đã chuyển từ "công xưởng thế giới" về Việt Nam ngày một nhiều hơn, góp phần làm tăng doanh thu cho ngành gỗ Việt Nam. Thế nhưng tỷ lệ những sản phẩm do chính các nhà thiết kế trong nước thiết kế chiếm chưa đến 20%. Nghĩa là phần lớn đơn hàng đều là gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TNHH Danh Mộc, Việt Nam có truyền thống sáng tạo, có lực lượng lao động trẻ nhưng tiếc là lại thiếu định hướng dài hơi trong đào tạo thiết kế.
Không chỉ lệ thuộc vào các đơn hàng gia công, theo ông Trần Anh Vũ, phần lớn các DN chế biến gỗ hiện nay đều có quy mô nhỏ và vừa, được phát triển từ mô hình hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã nên có nhiều hạn chế. Với quy mô này, những đơn hàng lớn, đa dạng rất khó lòng đáp ứng. Đã có không ít DN mất đơn hàng vì hạn chế này.
Trước đây, DN nào cũng "thủ”, không chia sẻ khách hàng nhưng đã đến lúc phải liên kết để giải quyết những hạn chế ấy. Các DN thành viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cũng như HAWA đã bắt đầu thực hiện điều này và đạt được những kết quả nhất định. Đáng tiếc, đây vẫn chưa phải là mô hình phổ biến. Các DN trong ngành sẽ còn phải ngồi lại với nhau nhiều hơn để cùng tạo nên thế mạnh.