Loay hoay định giá
Theo quy định tại Nghị định số 32, khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần thì phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá.
Các đơn vị thẩm định giá sẽ thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp dựa trên các quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 về Thẩm định giá doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 và các tiêu chuẩn có liên quan khác.
Mặc dù Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 đã quy định một cách chi tiết các cách tiếp cận (từ thị trường, từ chi phí và từ thu nhập) và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp tương ứng nhưng qua trao đổi với một số đơn vị thẩm định giá và thực tế triển khai bán cổ phần tại SCIC cho thấy không dễ để đáp ứng được các quy định tại Nghị định 32 vừa ban hành.
Một cán bộ của SCIC cho biết, khi nghiên cứu các doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư của SCIC cho thấy các tài sản vô hình của doanh nghiệp tựu chung lại thường bao gồm giá trị quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng, giá trị tiền thuê đất trả tiền một lần cho toàn bộ thời gian thuê, phần mềm máy tính, nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ (ví dụ nhãn hiệu FPT, nhãn hiệu Vinacontrol, nhãn hiệu Nhựa Tiền Phong....), bằng phát minh, sáng chế, bản quyền thuốc và các tài sản quyền sở hữu trí tuệ khác.
Ngoài ra, mặc dù không được hạch toán cụ thể trên báo cáo tài chính nhưng không loại trừ việc doanh nghiệp còn có thể các tài sản vô hình khác như giá trị văn hóa, lịch sử, bí quyết kinh doanh... Tuy nhiên, trên thực tế, việc chứng minh sự tồn tại và xác định giá trị các tài sản mang yếu tố vô hình này không hề dễ dàng.
Lũy kế từ khi thành lập đến 31/12/2017, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 885 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 82 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp) với giá vốn là 8.332 tỷ đồng và thu về 36.989 tỷ đồng (bao gồm bán 8,73% cổ phần tại Vinamilk), gấp hơn 4,4 lần giá vốn (mức bình quân cả nước giai đoạn 2011 - 2015 là 1,48 lần).
Nếu coi việc giá trị một tài sản đến từ dòng tiền mà nó mang lại cho doanh nghiệp thì về nguyên tắc, giá trị của tất cả các tài sản của doanh nghiệp dù là hữu hình hay vô hình đều sẽ được phản ánh trong giá trị doanh nghiệp khi xác định theo phương pháp dòng tiền.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp đã được niêm yết và giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán thì giá thị trường cũng là một chỉ báo phản ánh đầy đủ các tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp (nếu có) trong điều kiện doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định.
Tuy nhiên, để có thể “chứng minh” được việc xác định giá khởi điểm đã bao gồm giá trị các tài sản như quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất...một cách rõ ràng, cụ thể nhất thì chỉ có phương pháp Tài sản quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12. Phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi và là quy định bắt buộc khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng không dễ dàng khi triển khai tại các công ty cổ phần mà nhà nước chỉ là cổ đông.
Những khó khăn thường đến từ việc Phương pháp tài sản yêu cầu khảo sát và thẩm định chi tiết về từng loại tài sản của doanh nghiệp kèm theo khối lượng thông tin cung cấp rất lớn từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đã chuyển sang công ty cổ phần, Nhà nước chỉ là một cổ đông với quyền lợi và nghĩa vụ đã được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp.
Do đó, trường hợp doanh nghiệp không hợp tác thì việc thực hiện theo phương pháp tài sản sẽ không thể thực hiện được hoặc có độ tin cậy rất thấp. Ngoài ra, vì lý do cạnh tranh, nhiều tài sản vô hình là các sáng chế, phát minh, phần mềm đặc thù liên quan đến bí quyết kinh doanh nên doanh nghiệp sẽ có xu hướng không cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Cuối cùng thì ngay cả Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 cũng chưa có hướng dẫn việc tính các “giá trị văn hóa, lịch sử khác” cũng như giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần. Điều này tạo ra sự lúng túng rất lớn cho các đơn vị thẩm định giá.
Tìm “lối ra”
Từ nay đến 2020, SCIC sẽ thoái vốn tại khoảng 132 doanh nghiệp, để hoạt động bán vốn của SCIC tại doanh nghiệp được triển khai thuận lợi, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty đã có công văn gửi Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng, đề xuất nhiều giải pháp.
Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP, nhất là các nội dung liên quan đến chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, như: cách xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm, giá trị quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC đang quản lý và sử dụng các khu đất thuê trả tiền hàng năm để làm trụ sở và phục vụ các hoạt động kinh doanh thông thường theo ngành nghề hoạt động đã đăng ký.
Tiền thuê đất hàng năm được doanh nghiệp hạch toán vào chi phí kinh doanh và thường xuyên được Nhà nước điều chỉnh theo giá thị trường. Các khu đất này chỉ có “lợi thế” nếu có khả năng thực hiện các dự án thương mại và được Nhà nước cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Trong trường hợp doanh nghiệp đang thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê hằng năm để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì không thể tính được giá trị quyền thuê đất trả tiền hằng năm khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần.
SCIC cũng mong các cơ quan quản lý sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư 118 hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp SCIC tiếp nhận chuyển giao từ các bộ/UBND tỉnh thì thực hiện chuyển giao ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp chưa hoàn thành việc quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần như đã được quy định tại Nghị định số 147.
SCIC đề xuất cho phép Tổng công ty thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường (như DATC). Nếu cơ chế này được xây dựng và thực thi, những khoản nợ xấu, nợ khó đòi tại các doanh nghiệp theo lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ được xem xét, đàm phán để bán lại cho DATC.
Điều này một mặt giúp SCIC đẩy nhanh quá trình bán vốn, kịp thời thu hồi vốn cho Nhà nước, hoàn tất quá trình cổ phần hóa toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mặt khác với việc tái cơ cấu, chuyển khoản nợ thành vốn góp, DATC trong vai trò cổ đông sẽ hỗ trợ HĐQT và Ban điều hành doanh nghiệp cải tiến công tác quản trị và tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp và cổ đông.
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, việc tham gia của DATC vào quá trình mua nợ từ SCIC và tái cơ cấu doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khủng hoảng, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những nút thắt khiến quá trình thoái vốn của SCIC chậm và tắc nghẽn có thể cũng là những nguyên nhân khiến việc thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp khác đang dậm chân tại chỗ. Với gần 500 doanh nghiệp đang xếp hàng chờ thoái vốn theo quyết định đã được Chính phủ công bố, nếu không khẩn trương có những giải pháp xử lý kịp thời, chậm thoái vốn ngày nào, càng có thêm nguy cơ giảm hiệu quả khi thoái vốn.
Được biết, ngày 14/6 tới đây, trong khuôn khổ dự án Chương trình đối tác chiến lược Australia-World Bank giai đoạn 2 (VN-ABP2), SCIC sẽ tổ chức Hội thảo tư vấn “Hoàn thiện quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp - Nhìn từ góc độ chuyên gia và các bên có liên quan” nhằm lấy ý kiến đa chiều, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia độc lập lập về những vấn đề cần sửa đổi của Quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp.
Căn cứ vào một số văn bản pháp luật mới được ban hành gần đây như Nghị định số 147/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Nghị định số 148/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC ban hành ngày 25/12/2017, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp ban hành ngày 8/3/2018, yêu cầu thực tế về việc tính giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ khi bán cổ phần của SCIC tại doanh nghiệp cũng như việc xem xét, đánh giá các thông lệ quốc tế tiên tiến trong các hoạt động tương tự đã đặt ra yêu cầu về việc sửa đổi Quy chế bán cổ phần tại DN của SCIC.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết: “Việc sửa đổi quy chế bán cổ phần tại DN của SCIC đã được SCIC triển khai từ cuối năm 2017. Đến nay, dự thảo lần cuối của Quy chế đã được hoàn thiện. Nhằm tối ưu hóa và đánh giá Quy chế trên nhiều góc độ khác nhau như từ góc độ của các cơ quan quản lý nhà nước, từ góc độ của các chuyên gia và từ góc độ của các doanh nghiệp có liên quan, SCIC hy vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đánh giá, góp ý quý báu để SCIC có thể hoàn thiện nội dung và sớm ban hành Quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp, tạo khuôn khổ rõ ràng cho hoạt động thoái vốn tại doanh nghiệp của SCIC trong thời gian tới, đặc biệt là hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn, đảm bảo minh bạch và hiệu quả tối ưu cho nhà nước”.